Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô

Chúng tôi có dịp ngược thời gian quay về ngày Tết của Hà Nội gần 30 năm trước cùng ông Nguyễn Quang Minh, chủ quán ăn tái hiện thời bao cấp mới mở cách đây không lâu.

Thấy chúng tôi nhắc đến câu chuyện Tết thời bao cấp, ông Nguyễn Quang Minh (chủ cửa hàng mậu dịch nằm trên phố - Nam Tràng - Ba Đình - Hà Nội) cùng mấy ông bạn tỏ ra hào hứng. Tất cả họ đều từng sống qua thời bao cấp.

Ông Minh chính là chủ cửa hàng mậu dịch mới mở cách đây không lâu tái hiện lại thời bao cấp giữa Thủ đô Hà Nội. Với hoài niệm về dĩ vãng của những ngày đói khổ thiếu thốn, năm nay, cửa hàng ông cũng bày bán một số vật phẩm đặc trưng của ngày Tết gần 30 năm về trước.

Đôi khi trong cuộc trò chuyện, không gian lắng xuống, có người nhắm mắt mơ màng như để cảm lại cái hương thơm rượu chanh ngày Tết, vị ngọt mứt lạc, mứt dừa, mùi khét điếu thuốc lá Điện Biên, cùng tiếng pháo râm ran mỗi đêm giao thừa...

Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô - 1

Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô - 2

Quầy hàng ngày Tết của ông Minh

Một trong những hình ảnh mà ông Minh nhớ nhất khi đi qua cổng các cơ quan, nhà máy hồi đó là dải băng rôn ghi dòng chữ cắt dán với câu khẩu hiệu "Vui xuân mới không quên nhiệm vụ" được treo suốt Tết.

Nhóm bạn ông Minh quả quyết, người hồi đó háo hức, bàn tính cho ngày Tết từ trước cả tháng. Mới đầu tháng chạp, đi đâu cũng cảm giác được không khí làm việc khẩn trương cho mau đến ngày cuối năm. Quanh năm đói khổ, thiếu thốn nên ai cũng mong đến Tết để được nghỉ ngơi, được ăn thịt, được đi chơi, được uống chén rượu mừng, chúc nhau những điều tốt đẹp.

Từ trước Tết, trẻ con háo hức được bố mẹ may cho bộ quần áo mới. Người sống thời đó, quanh năm suốt tháng, hầu như mỗi người chỉ có 2 bộ đồ thay đi mặc lại. Gia đình nào đông con, quần áo anh mặc chật thì để lại cho em. Toàn thứ vải thô, cứng; mặc quần áo sờn vai, sờn gấu là chuyện quá bình thường.

Đến Tết, ai không may được quần áo mới thì mấy ngày trước khi sang năm mới phải giặt giũ bộ quần áo ưng ý nhất, là, gấp phẳng phiu, đợi đúng ngày mồng 1 Tết mới dám lấy ra diện, đi chơi bạn bè.

Năm mới, trời rét, người ta cũng chỉ có chiếc áo bông (còn gọi là áo đại cán) khoác ở ngoài đi chơi Tết. Áo len cổ lọ cách đây chưa đến 30 năm cũng được coi là thứ xa xỉ, sang trọng để đi chúc Tết. Ông Minh còn nhớ có một số hàng quán chỉ bán mỗi cổ áo và hai tay áo. Có người không đủ tiền mua áo thì mua hai món ấy về luồn vào cổ và tay cho lòi phần len ra ngoài trông như áo thật, kỳ thực phía trong chẳng có gì.

Chỉ số ít trong gia đình có người thân sang Liên Xô (cũ) lao động mới được gửi về cho chiếc áo khoác, áo phao. Ngày Tết, ai có chiếc áo đó diện đi chơi được coi là mơ ước của bao người sống trong xã hội một thời.

Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô - 3

Thời bao cấp, ngày Tết cũng như ngày thường, người dân đều phải xếp hàng mua thực phẩm

Thời bao cấp, ngày Tết cũng như ngày thường, mọi thứ vật phẩm vẫn đều được phân phối, mua theo tiêu chuẩn tem phiếu.

Thường nhật, cửa hàng mậu dịch đã đông, ngày Tết lại càng đông hơn. Người ta xếp hàng mua quà Tết. Theo tiêu chuẩn, mỗi gia đình được mua một gói quà này. Gói quà Tết của ai cũng như ai trong đó gồm một số thứ đặc trưng ngày Tết như: chai rượu chanh, một miếng bóng bì lợn, một gói mứt lạc, một gói mỳ chính nhỏ, một gói chè mạn, một bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo, Sông Cầu.

Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô - 4

Gói quà Tết được ông Minh tái hiện gồm hộp mứt, chai rượu chanh, gói thuốc lá Điện Biên, gói đường, bánh đa nem, mỳ chính, bóng bì lợn

Ông Lê Văn, bạn ông Minh (đang công tác tại VTV2 - Đài THVN), vẫn nhớ như in gói mứt lạc ngày đó gồm những viên tròn tròn màu trắng. Bao nylon đựng mứt được in hình cành hoa đào và hình băng pháo bằng mực xanh.

Nếu là gia đình cán bộ cấp cao, gói quà Tết có thể sang hơn một tý như thuốc lá Thăng Long, rượu canh-ki-na nhưng nhìn chung không khác nhau nhiều lắm. Ngoài ra, mọi đồ ăn, thức uống, bánh chưng, bánh quy dùng cho ngày Tết, các gia đình đều tự làm lấy.

Ông Minh nhớ, ngày đó, đâu có cảnh nhân viên đi biếu quà Tết, phong bì, phong bao cho sếp như bây giờ. Bạn bè quý nhau thì biếu chục trứng gà, nửa cân đường là ghê gớm lắm rồi.

Ông chủ cửa hàng mậu dịch như vui hơn khi nhớ cảnh những ngày cuối năm ở khu vòi nước công cộng. Hồi đó, các gia đình thường dùng chung một vòi nước máy ở giếng công cộng giữa khu. Những ngày cuối năm, cảnh người múc nước, rửa thịt, rửa lá dong gói bánh chưng, đãi đỗ làm nhân, hòa tiếng cười nói râm ran khắp một vùng.

Bánh quy đãi khách ngày Tết, các gia đình cũng tự làm lấy. Mỗi nhà chuẩn bị trước các nguyên liệu như bột, trứng, đường mang ra các cửa hiệu nhỏ trên phố xếp hàng để đúc bánh quy. Rồi ngày 30 Tết, các gia đình nấu chung một nồi bánh chưng đựng trong chiếc thùng phuy khoảng 200 lít đặt giữa khu. Tất cả quây quần, trò chuyện, trẻ con đùa nghịch. Tiếng cười nói râm ran không ngớt.

Hồi đó, Nhà nước chưa cấm người dân đốt pháo. Ông Minh nhớ, từ trước Tết khá lâu, trẻ con đã chơi pháo tép. Thi thoảng trên đường, trên phố lại nghe tiếng pháo tép nổ đì đẹt.

Có một thông lệ ngày cuối năm mặc dù không ai bảo ai. Đó là chiều 30 Tết, nhà ai cũng nấu một nồi nước lá mùi, tất cả thành viên trong gia đình đều phải tắm nước này. Ông Minh bảo, tắm nước này để gột rửa hết những điều không may trong năm cũ, đón năm mới đến.

Chiều 30 Tết, phố Hàng Lược tràn ngập đào và hoa. Mỗi gia đình đều cố gắng mua một cành đào. Cảnh người đạp xe trên vai vác cành đào có lẽ là hình ảnh đẹp nhất chiều 30 Tết của Hà Nội lúc bấy giờ.

Tái hiện Tết thời bao cấp giữa Thủ đô - 5

Hộp mứt Tết thời bao cấp được quán ông Minh tái hiện

Ngày đó, hầu như chẳng nhà nào có ti vi, chỉ nghe đài radio. Tiếng đài phát thanh truyền đi những thông điệp ngày Tết làm không khí càng thêm rộn ràng.

Thời khắc giao thừa thiêng liêng, Chủ tịch nước đọc lời chúc mừng năm mới toàn dân phát trên sóng radio. Tất cả như vỡ òa giây phút đón chào năm mới. Rồi tiếng pháo đì đùng khắp nơi vang lên không ngớt. Nhà nào cũng đốt pháo. Bố nhắc mâm cỗ cúng gia tiên từ trên bàn thờ xuống. Bánh chưng, nem cuốn, thịt đông, dưa hành tỉa cánh hoa, món nào cũng ngon. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau ăn bữa tiệc đầu năm.

Sáng mồng 1 Tết, xác pháo đỏ hồng phủ đầy trước sân hòa trong mưa xuân lất phất. Trẻ con tranh thủ chạy ra nhặt vội những quả pháo tịt ngòi chưa kịp thấm nước.

Đầu năm mới, người trong khu tập trung lại thành đoàn đến tất cả các nhà chúc Tết. Các cơ quan nhà máy cũng vậy. Công đoàn nhà máy tập hợp một số người đến chúc Tết cán bộ công nhân viên. Lúc đầu chỉ dăm ba người, đến nhà nào lại kéo thêm một người nhập cuộc. Rồi đoàn người đi chúc Tết cứ đông dần lên mãi.

Sáng sớm, mẹ mặc cho các con bộ quần áo mới đi chơi Tết, đưa đi chơi công viên. Bố mẹ cho con chụp bức ảnh làm kỷ niệm - một thú xa xỉ mà ngày thường hiếm khi có được. Ngày nay, ai còn giữ lại được những bức hình đen trắng chụp từ hồi đó vẫn là điều đáng quý vô cùng.

Ngày Tết Hà Nội thời đó hiện lên trong mắt ông chủ cửa hàng mậu dịch với nét vui tươi của những em bé, những cô thiếu nữ cầm sợi chỉ buộc quả bóng bay tung tăng đi trên phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN