Sự thật tại “phòng chết ” ở casino

Ở các casino dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thỉnh thoảng lại nổi lên một vụ bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Một số báo nhảy vào cuộc điều tra rồi tường thuật vụ án rất kinh khủng.

Theo đó, nạn nhân sang biên giới đánh bài thua rồi dùng tính mạng của mình thế chấp để vay nợ các chủ sổ. Khi không còn khả năng chi trả, người vay tiền bị đàn em giang hồ của chủ sổ bắt giam rồi cắt ngón tay, xẻo tai hoặc mổ lấy nội tạng bán cho thương lái Trung Quốc…

Sự thật những vụ việc đó như thế nào? Phóng viên đã vào tận những nơi từng giam giữ các con tin ở Campuchia để tìm hiểu.

Chiếc thòng lọng của chủ sổ

Hàng trăm sòng bài dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia mọc lên như cỏ mùa mưa đã băm nhỏ thị phần hút nguồn tiền từ khách chơi người Việt. Số lượng khách "ngu" từ Việt Nam vào sòng bài Campuchia không giảm nhưng số lượng sòng bài tăng lên khiến hiện tượng ế ẩm đổ dồn về các sòng cũ. Để tồn tại, các chủ sòng mở cửa cho lực lượng cho vay nóng (chủ sổ) đang lang thang bên ngoài cửa sòng được bước vào sòng trở thành một "cổ đông". Muốn vào sòng cho vay, mỗi chủ sổ phải ký quỹ cho chủ sòng từ 100 triệu đồng trở lên. Khi trở thành "cổ đông" của sòng, chủ sổ được chủ sòng giao cho 1 phòng nghỉ trong khách sạn gọi là phòng "chết".

Sự liên kết này, đôi bên - chủ sòng và chủ sổ - đều có lợi. Chủ sổ muốn có nhiều khách vay thì phải tìm nhiều cách thu hút khách "ngu" vào sòng. Cái công thức: "Khách chơi bài + vào sòng = khách vay tiền" được các chủ sổ tận dụng tối đa. Họ thuê lực lượng taxi "mù", thuê lực lượng xe ôm đưa khách từ Việt Nam vào tận sòng để "trấn lột". Kể như chủ sòng "ăn nước nhất". Khách trắng tay, chủ sổ "ăn nước nhì" bằng cách rót lời đường mật vào tai để khách vay tiền: "Cứ vay. Vay bao nhiêu cũng được, không thế chấp gì cả, miễn trả sòng phẳng". Khách gật đầu vay tiền, kể như đã dùng mạng mình thế chấp.

Ngay sau khi khách vay tiền, chủ sổ thuê một “cái bang” kè sát khách để thu tiền lãi xâu.

Sự thật tại “phòng chết ” ở casino - 1

Một con bạc đang đứng trước “phòng chết" gọi điện hù dọa gia đình

Có lẽ trên thế giới, chỉ có ở các khu casino K. dọc biên giới Việt Nam - Campuchia mới "đẻ" ra một hạng người được gọi ẩn dụ là "cái bang". Ở đây, khách chơi bài là thượng đế, thuộc tầng lớp cao nhất, được trọng vọng nhất vì họ là "con bò sữa" nuôi dưỡng toàn bộ hệ thống sòng bài. Còn “cái bang” thuộc tầng lớp thấp nhất, mạt hạng nhất, được xếp dưới đáy sâu nhất của xã hội sòng bài. “Cái bang” giống như một thứ cặn bã được đào thải từ những cuộc sát phạt của các lá bài.

Họ đã từng là khách chơi bài bị cháy túi, không dám về quê, sống vật vạ ký sinh sòng bài, ăn mày, làm thuê để thỏa cơn nghiện bài. Ai thuê gì, “cái bang” cũng làm. Chủ sổ đã thuê những “cái bang” vật vờ này kè sát khách vay tiền. Mỗi ngày làm giám sát con nợ, “cái bang” được chủ sổ trả 500.000 đồng và 5% tổng số tiền lãi xâu. Tiền lãi xâu là chiếc thòng lọng siết cổ khách vay tiền một cách êm ái nhưng tàn ác nhất trong tất cả các kiểu tàn ác ở sòng bài.

Sau khi vay tiền, khách chơi bài phải đóng tiền lãi xâu từng ván một. Nếu khách vay với thỏa thuận nộp lãi vay 15%, cứ mỗi ván bài ăn, khách phải nộp ngay cho chủ sổ 15% số tiền thắng cược thông qua “cái bang”. Khách vừa ăn 100.000 đồng, “cái bang” thu ngay 15.000 đồng tại bàn để nộp cho chủ sổ. Nếu thua thì không thu. Với cách thu lãi như vậy, 101% khách vay đều biến thành con nợ hết khả năng chi trả.

Khi đồng tiền vay cuối cùng chui vào hộp chứa tiền của “đì lơ”, vị khách thượng đế rơi tõm xuống ngay địa ngục. Họ bị “cái bang” khoác vai dìu một cách cứng rắn lên căn phòng "chết" chờ người thân mang tiền sang chuộc mạng. Khi trở thành khách của “phòng chết" con nợ không còn cơ hội bước ra khỏi cửa sòng bài. Trễ 1 ngày, số tiền nợ sẽ được cộng thêm 10% lãi.

Tiếng khóc moi tiền trong phòng “chết”

U.B. là một lưu linh lâu năm tại sòng Kings Crown đưa chúng tôi ra cửa sau của sòng để đến một căn phòng nằm ở tầng trệt của khách sạn. Đó là “phòng chết" của chủ sổ T., phòng ngủ như bao nhiêu phòng ngủ khác của khách sạn hạng 3 sao.

Cửa phòng vừa mở, chúng tôi gặp một người đàn ông trạc 40 tuổi đang ngồi lấm lét ở mép giường. Sau này chúng tôi được biết người đàn ông tên là Ph., là chủ một cửa hàng bán linh kiện xe hơi ở quận 5, TP HCM. Bên cạnh ông Ph. là “cái bang” S. đang ngồi bình thản. Cả hai đều có vẻ rất thân thiện. Không cần giới thiệu, tôi cũng biết người đàn ông là một con bài đang thế mạng. S. hất hàm về phía tôi nhưng hỏi U.B.: "Có cần tẩm quất không?". U.B. cười: "Không cần. Đây là người quen. Chiều nay người nhà sang chuộc rồi".

Bất chợt S. hỏi ông Ph.: "Tiếp tục nghen?". Ông Ph. gật đầu rồi móc điện thoại ra bấm số. Trong khi bấm số, người đàn ông nói khẽ với S.: "Mày nhớ nói với vợ tao là ngày mai tao bị tháo khớp ngón tay nghen". Sóng điện thoại đã kết nối, ông Ph. mếu máo khóc, run rẩy: "Em ơi cứu anh với! Tụi nó đánh anh sắp chết rồi". S. giật điện thoại hét: "Chị đã trễ hẹn 1 tuần rồi. Hôm nay không thể trễ hẹn được nữa. Chiều nay tôi chưa có tiền thì ngày mai chị nhận được ngón tay của chồng chị đó".

Vừa nói, S. vừa cầm một cái bao chứa lổn nhổn lon sữa bò rỗng đánh tới tấp vào lưng người đàn ông. Những lon sữa bò rỗng va vào nhau loảng xoảng rất ghê rợn nhưng chắc chắn là không làm đau nạn nhân. Ông Ph. thét từng cơn vào điện thoại: "Trời ơi, chết tôi rồi! Đau quá! Đừng đánh tôi nữa, chiều nay vợ tôi mang tiền qua mà". Vở kịch rất tồi nhưng tôi biết người vợ xấu số của ông Ph. đang đứt từng khúc ruột vì nghĩ chồng mình sắp bị tra tấn đến chết.

Sau 10 phút "hành hạ", S. và ông Ph. trở lại giường trò chuyện vui vẻ.

Sự thật tại “phòng chết ” ở casino - 2

Ông Ph. được “cái bang” S. chở đi dạo chợ. Trong khi đó, vợ con đang nghĩ ông ta bị giam cầm, đánh đập

U.B. khẳng định: "Những người vay tiền thế mạng chịu hợp tác thì không ai nỡ đánh đập, chặt ngón tay, tháo khớp chân hay bán nội tạng. Tất cả những thứ đó, đa phần đều do chính người thế mạng yêu cầu. Năm 2010, thằng Tr. vay tiền thế mạng. Vay 3 lần đầu, gia đình chịu gửi tiền chuộc. Lần thứ tư, gia đình nó dứt khoát không chuộc nên nó tự đạo diễn vở kịch tháo khớp ngón tay. Nó bị té xe gãy ngón tay sẵn.

Chính S. là người chở thằng Tr. đi nhờ bác sĩ Campuchia tháo khớp ngón tay cho nó. Chính thằng Tr. lấy ngón tay bỏ phong bì rồi đọc nội dung cho S viết thư đe dọa gia đình nó. Vậy mà nó lên báo tố cáo “cái bang” tháo khớp để vòi tiền chuộc. Đúng là đồ ba xạo. Bây giờ thằng Tr. cũng là một “cái bang” lê la quanh năm suốt tháng ở đây".

Cá biệt một số trường hợp vay hàng trăm triệu đồng nhưng có ý định quịt thì chủ sổ cũng không thèm đánh cho bẩn tay. Sau khi tìm đủ mọi cách để lấy lại tiền không được, chủ sổ đành ra lệnh cho “cái bang” đưa nạn nhân lên Svayrieng cách biên giới hơn 100 km, lột quần áo trần truồng rồi thả rông ở một bãi đất trống để nạn nhân tự đi bộ về Việt Nam.

H. - một chủ sổ sòng Kinhs Crown hỏi chúng tôi như tâm sự trong một cuộc nhậu: "Nó vay của mày hàng trăm triệu đồng, mày làm sao để nó trả? Phải dùng thủ đoạn thôi".

Một vụ án đau lòng

Khoảng 11 giờ ngày 27/8/2012, Phạm Văn Hậu (32 tuổi, cư ngụ ấp An Hòa, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) đã bất ngờ dùng rựa chém cha mẹ ruột trọng thương rồi tự cắt gân tay, uống thuốc độc tự tử.

Hung thủ được lối xóm đánh giá là một thanh niên hiền lành. Nguyên nhân khiến Hậu manh động cuồng sát cha mẹ xuất phát từ đứa em trai hư hỏng tên Phạm Văn Sáu. Sáu thường lê la các sòng bài bên kia cửa khẩu Mộc Bài chơi hết ngày này sang tháng khác, bỏ mặc vợ cùng đứa con trai mới 2 tuổi cho cha mẹ lo. Lâu lâu, Sáu trở về với thân hình tàn tạ rồi biến mất cùng một món tài sản của gia đình. Tháng 7/2012, bỗng dưng Sáu gọi điện từ bên kia biên giới về cho mẹ khóc lóc rằng đánh bài thua hết tiền nên vay thế mạng 7 triệu đồng, tính luôn lãi là 10 triệu đồng. Sáu bảo mẹ đem tiền sang Campuchia chuộc anh ta về, nếu không sẽ chỉ gặp lại cái xác không hồn. Trong điện thoại, Sáu thét gào như bị tra tấn tàn bạo.

Cha mẹ và anh chị nháo nhào đi vay mượn tiền để chuộc mạng cho Sáu. Vì gia cảnh nghèo khó nên việc vay 10 triệu đối với cha mẹ Sáu rất khó khăn. Hơn 10 ngày sau, mọi người mới chạy vạy đủ số tiền chuộc mạng. Khi mọi người còn đang chuẩn bị sang Campuchia thì Sáu trở về lành lặn. Thấy mọi người lo lắng, Sáu còn cười cợt: "Giả bộ vậy để coi mọi người còn thương Sáu nữa hay không".

D. - chủ sổ cho Sáu vay tiền khẳng định: "Cha mẹ nó là người cùng xóm. Chỗ quen biết ai thèm giam giữ nó làm gì. Tui biểu nó về kiếm tiền qua trả. Nó không chịu mà đòi dựng vở kịch tụi tui đánh đập, giam cầm nó để khảo tiền gia đình. Nó khảo không được tự mò về nhà".

Về nhà vài hôm, Sáu lừa lấy 1 chiếc xe gắn máy khác của gia đình đem bán rồi lại qua casino. Vài ngày sau, Sáu lại hết tiền điện thoại về nhà khóc lóc, gào thét bảo cha mẹ chạy vạy 20 triệu đồng để chuộc mạng. Cha mẹ Sáu lại một phen nháo nhào chạy tiền. Các anh chị của Sáu tức giận không gom tiền cứu Sáu như lần trước nữa. Hậu cũng lên tiếng phản đối việc lo lắng quá đáng của cha mẹ. Tuy vậy, bà mẹ vẫn xót lòng đi năn nỉ từng đứa con cho bà mượn tiền. Trong cơn bức xúc, Hậu nổi cơn điên loạn ra tay hạ sát cha mẹ rồi tự tử. Đó là một bài học đắng lòng dành cho những con bạc mượn “phòng chết" để moi tiền gia đình.

Sự thật tại “phòng chết ” ở casino - 3

Một con bạc băng ngón tay rồi nhờ “cái bang” chụp ảnh để gửi về gia đình hù dọa. Anh ta vẫn đang ung dung chơi bài.

Mắc mưu thua trí gái sề

Dù đã xảy ra cả năm trời nhưng dân “cái bang” vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện chủ sổ Bảy Ch. bị tù "oan". Bảy Ch. (ngụ Hòa Thành, Tây Ninh) mở 2 sổ ở sòng Winn và Kings Crown với số tiền ký quỹ hơn 500 triệu đồng.

Bà M.L. (36 tuổi, cư ngụ ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM) là một con bài khát nước ở sòng Winn. Sau khi thua hết 5.000 USD, bà M.L. vay của Bảy Ch 2.000 USD để chơi tiếp. Số tiền vay cuối cùng cũng chui vào két của sòng. M.L. chấp nhận chui vô “phòng chết" nằm chờ gia đình gửi tiền qua chuộc. Tại “phòng chết" bà M.L. "hội ngộ" cùng bà L. "xập xám" (42 tuổi, cư ngụ ở Đức Linh, Bình Thuận). L. "xập xám" cũng đã lê la ở Bavet suốt 2 tuần lễ để tự nguyện "tặng vốn" cho chủ sòng hết 4.000 USD, trong đó có 1.500 vay của Bảy Ch.

Bảy Ch. thuê hai “cái bang” Trung và Tuấn (ngụ Gò Dầu, Tây Ninh) giám sát 2 con nợ sề. Mới vào “phòng chết", cả hai con nợ sề đều "đóng kịch" thật đạt để người thân đau lòng đem tiền qua chuộc. Gia đình cả hai đều xin một tuần để vay mượn và sau đó sẽ giao tiền nhận người tại Gò Dầu. Trong thời gian đó, Trung và Tuấn thay nhau cung phụng cơm nước cho 2 con nợ sề chu đáo.

Đến ngày hẹn, Bảy Ch. cùng 2 “cái bang” thuê xe "di lý" 2 con nợ sề về Việt Nam thuê nhà nghỉ ở Gò Dầu để cung phụng tiếp. Khi vừa đặt chân trên đất quê nhà, 2 con nợ sề liền bàn nhau bỏ trốn, tố cáo với cơ quan chức năng.

Đến nhà nghỉ ở Gò Dầu, bà M.L. đánh lạc hướng để L. "xập xám" trốn chạy. Thoát khỏi tầm quan sát của “cái bang”, L ."xập xám" đến thẳng đồn công an trình báo.

Dù tình ngay nhưng lý gian, Bảy Ch. cùng 2 đệ tử bị bắt tại trận tội giữ người trái pháp luật. Bảy Ch. lãnh 2 năm, 6 tháng tù. Hai “cái bang” Trung và Tú lãnh hơn 1 năm tù giam. Nhờ ranh ma, hai con nợ sề không phải trả tiền vay nhưng chắc chắn họ sẽ khắc ghi món nợ ấy suốt đời.

Hàng chục vụ án quịt nợ, tố bắt cóc tương tự như thế đã xảy ra ở vùng giáp biên và vẫn sẽ còn tiếp tục nếu hiện tượng vượt biên đánh bài còn tiếp diễn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nông Huyền Sơn (An ninh thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN