“Soi” cán bộ qua đường dây nóng

Việc thiết lập các đường dây nóng không chỉ nhằm tiếp nhận thông tin mà còn giúp các bộ, ngành chấn chỉnh tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức

Sau 2 tuần mở đường dây nóng, ngày 22/11, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Bệnh viện (BV) Bạch Mai yêu cầu giải quyết phản ánh của 1 người dân ở TP Hà Nội. Trước đó, người đàn ông này gửi thư đến bộ trưởng Bộ Y tế phản ánh thái độ tắc trách của nhân viên BV và phàn nàn đường dây nóng của bộ quá nguội.

“Soi” cán bộ qua đường dây nóng - 1

Tổng đài của Trung tâm Tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật TP HCM đã tiếp nhận 6.456 cuộc gọi của người dân Ảnh: TẤN THẠNH

Nóng chuyện ngành y, giao thông

Theo anh này, ngày 19-11, người mẹ 70 tuổi của anh bị ngã nên gia đình vội vã đưa bà vào BV Bạch Mai chữa trị. Thế nhưng, bệnh nhân dù đang đau đớn vẫn phải xếp hàng chờ đợi 2 ngày để được chụp cộng hưởng từ và nhiều lần không được khám vì “hết giờ làm việc”. Quá bức xúc, anh này đã gọi đến đường dây nóng mới lập của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau một hồi phản ánh, nhân viên tổng đài hứa sẽ chuyển ý kiến đến BV Bạch Mai nhưng không thấy giải quyết.

“Soi” cán bộ qua đường dây nóng - 2

Ứng xử của cán bộ ngành y là nội dung được nhiều người dân phản ánh đến đường dây nóng của Bộ Y tế Ảnh: NGỌC DUNG

Đây chỉ là một trong tổng số gần 300 cuộc gọi mà Bộ Y tế nhận được sau khi mở đường dây nóng trực 24/24 giờ theo số điện thoại 0973.306.306. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết phần lớn người dân phản ánh về việc thu viện phí cao, quy định sai về bảo hiểm y tế, vi phạm ở các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí tố cáo cán bộ y tế nhận hối lộ.

“Nhiều người dân cũng gay gắt yêu cầu Bộ Y tế phản hồi thông tin phản ánh liên quan đến các khoản thu không đúng quy định, thái độ của đội ngũ y - bác sĩ, kết quả khám và siêu âm không chính xác” - ông Trường nói.

Số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an và CSGT các tỉnh, thành phố đã được niêm yết tại trang web www.csgt.vn từ nhiều năm nay. Trước đây, mỗi ngày, số điện thoại đường dây nóng của C67 (069.42608) chỉ nhận được vài chục cuộc gọi phản ánh tình trạng ô tô chạy quá tốc độ, nhồi nhét khách… Tuy nhiên, từ ngày 1-8, khi có chỉ đạo của thứ trưởng Bộ Công an về việc chấn chỉnh, xử lý lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường “vẫy xe”, xem giấy tờ qua loa rồi cho đi, có ngày đường dây này tiếp nhận từ 200-300 cuộc gọi.

Tại TP HCM, từ khi đưa vào hoạt động (ngày 2-4-2013) đến nay, tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật (gọi tắt là tổng đài, số điện thoại 08.39111333 do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý) đã tiếp nhận 6.456 cuộc gọi của người dân, trong đó có 2.906 cuộc gọi mang tính chất “hỏi thăm”, vô thưởng vô phạt. Những cuộc gọi còn lại của người dân báo về sự cố trong lĩnh vực giao thông, cây xanh, thoát nước, cấp nước, chiếu sáng, viễn thông.

Số liệu cho thấy sự cố xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực chiếu sáng, chủ yếu là đèn đường hư hỏng, không đủ sáng (1.520 cuộc gọi), tiếp theo là giao thông đô thị (504 cuộc gọi), thoát nước (436 cuộc gọi)... Ông Bùi Hữu Phước - Phó Phòng Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực TP HCM (nơi quản lý tổng đài) - khẳng định các đơn vị xử lý thông tin khá nhanh, ít có trường hợp nhận xong không xử lý.

Theo ông Phước, mật độ cuộc gọi đến trung tâm hiện chỉ khoảng 50 cuộc/ngày, giảm 50% so với trước đây.

Giám sát công chức hữu hiệu

Đại diện các bộ, ngành cho biết đường dây nóng không chỉ là kênh để tiếp nhận các thông tin của người dân mà đây còn là “hệ thống” cảnh báo cán bộ, công chức trong việc giao tiếp, ứng xử với người bệnh vì khi có người “soi”, thậm chí phản ánh lên cấp trên, họ sẽ có ý thức hơn về thái độ, tinh thần phục vụ

Ông Nguyễn Xuân Trường cho hay trước mắt, với những vấn đề về thái độ ứng xử, y đức, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và giải thích thỏa đáng, còn những vấn đề như quy trình khám chữa bệnh, thì sẽ cung cấp đường dây nóng của các BV để người dân trực tiếp chất vấn lãnh đạo BV.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67, để thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, C67 đã thành lập các tổ công tác vừa công khai vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra CSGT theo phản ánh từ đường dây nóng. Nếu phát hiện vi phạm sẽ lập tức xử lý theo quy định. Những cán bộ CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi sẽ lập tức bị đuổi khỏi ngành.

Hâm nóng đường dây nóng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết số điện thoại đường dây nóng của C67 luôn phải duy trì hoạt động 24/24. Mỗi ngày, số điện thoại này tiếp nhận rất nhiều phản ánh của người dân xung quanh các vấn đề liên quan đến lực lượng CSGT khi thực thi công vụ. Theo thẩm quyền giải quyết, người trực điện thoại có nhiệm vụ ghi chép lại nội dung phản ánh, phân loại, đánh giá phản ánh và báo cáo lãnh đạo C67 để chuyển đến lãnh đạo địa phương hoặc cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo đúng thẩm quyền. Sở dĩ phải thẩm tra lại bởi có nhiều cuộc gọi mang tính hoang báo, phản ánh không chính xác.

Ông Tuyên khuyến cáo trường hợp người dân phát hiện và quay được clip về tiêu cực của lực lượng CSGT thì hãy gửi về C67, kèm theo những nội dung liên quan để cơ quan này có cơ sở xem xét, đề nghị, xử lý nghiêm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tới đây, đường dây nóng của Bộ Y tế sẽ được kết nối trực tiếp tới các đường dây nóng của sở y tế, BV thay vì người dân mất công gọi thêm lần nữa. Ngoài ra, các BV, các sở y tế cũng sẽ lập đường dây nóng kèm theo số điện thoại của lãnh đạo đơn vị. Tại BV sẽ có đường dây nóng ở các khoa khám chữa bệnh để nối với trưởng khoa; các đơn vị trực nhận những phản ánh, phàn nàn của người bệnh đến khám chữa bệnh.

Trong trường hợp thắc mắc mà người dân sau khi phản ánh qua BV, sở y tế địa phương nhưng cảm thấy vẫn chưa thỏa đáng, Bộ sẽ là “quan tòa” giải quyết. Khi nhận phản ánh của người dân, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu BV và cá nhân người bị phản ánh trả lời. Những thông tin 2 chiều như thế sẽ được công khai trên trang web của Bộ Y tế.

Trực 24/24

Các sở, ban ngành tại TP Đà Nẵng đều cho rằng đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin từ người dân rất cần thiết. Để xử lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP Đà Nẵng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng 0511.3550550 và tiếp nhận được gần 200 cuộc điện thoại từ đầu năm đến nay. Còn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng từ tháng 2-2013 đã mở trung tâm hỗ trợ du khách cùng với đường dây nóng theo số điện thoại 0511.3550111, trực 24/24. Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc sở, cho biết đường dây nóng của trung tâm đã nhận được hàng trăm lượt gọi đến phản ánh về chất lượng dịch vụ du lịch, tình trạng chặt chém du khách...

Bắt buôn lậu từ đường dây nóng

Tổng cục Hải quan (TCHQ) vào tháng 6/2013 đã thành lập Đội Giám sát, kiểm tra đột xuất (gọi tắt là đội đặc nhiệm). Ông Nguyễn Quốc Huy - Vụ Tổ chức cán bộ TCHQ, 1 trong 2 người giữ số máy đường dây nóng của đội đặc nhiệm (0913242611) - cho biết do tính chất cấp bách của vụ việc được phản ánh nên lãnh đạo TCHQ yêu cầu các bộ phận liên quan giữ cơ chế trực tuyến với đội đặc nhiệm. Nhờ cơ chế này, đường dây nóng hoạt động khá hiệu quả.

Sáng 6-9, đường dây nóng của đội đặc nhiệm nhận được tin nhắn về hành khách vận chuyển số lượng lớn ngà voi trên một chuyến bay từ Singapore về Nội Bài lúc 11 giờ 40 phút. Đội đặc nhiệm xin ý kiến lãnh đạo cho triển khai ngay lực lượng để có mặt tại sân bay vào 90 phút sau khi nhận tin nhắn. Bộ phận hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát toàn bộ hành lý trên chuyến bay SQ176 hành trình Singapore - Hà Nội và phát hiện có 4 kiện hành lý không có người nhận chứa sản phẩm nghi ngờ có nguồn gốc từ ngà voi với tổng trọng lượng khoảng 167 kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN