Sợ sa thải công chức phải... mỉm cười
Tâm lý sợ bị mất việc hay điều chuyển công tác sẽ làm công chức phải nỗ lực hơn để hoàn thành công việc.
Không làm việc hiệu quả cũng khó bị mất việc
Bà Lê Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý, nguyên giảng viên trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, công chức thường có tâm lý “yên tâm” khi đã vào biên chế.
Thông thường, người mới đến thử việc tại cơ quan nhà nước rất chăm chỉ, phấn đấu để có chỗ đứng, được vào biên chế. Nhưng khi đã vào biên chế, công chức yên tâm, không lo bị mất việc. Nếu công chức có “quan hệ” càng yên tâm, cho dù làm việc không hiệu quả cũng khó bị mất việc.
Hiện nay, thủ tục cho nghỉ việc một công chức, viên chức làm việc không hiệu quả phải qua khá nhiều vòng, họp lên họp xuống nhiều lần.
Theo bà Hiền, nên có quy định sa thải công chức, viên chức “cắp ô” đơn giản hơn, thậm chí cứ đi lệch quyền lợi của cơ quan là sa thải ngay. Tâm lý sợ bị mất việc hay điều chuyển công tác sẽ làm họ phải nỗ lực hơn để hoàn thành công việc.
Tuy vậy, theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Thu Hiền, điểm mấu chốt nhất để công chức thân thiện trong công việc nằm ở “cơ chế làm việc”.
Nếu cơ chế làm việc theo kiểu “làm nhiều hưởng nhiều” chắc chắn sẽ tạo động lực công chức làm việc. Ảnh minh họa
Nếu cơ chế làm việc theo kiểu “làm nhiều hưởng nhiều” chắc chắn sẽ tạo động lực công chức làm việc. Ví dụ, hiện nay nếu ai đến UBND cấp xã, phường làm chứng thực vă bản sẽ thấy công chức ở bộ phận này vui vẻ, làm việc nhanh chóng. Bởi công việc này của họ là dịch vụ thu tiền, nên làm rất nhanh.
Công chức nên đi học cười
Ông Đỗ Nhật Thanh – một công chức về hưu, hiện đang công tác tại Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài kể lại, nhiều năm công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương không mấy khi ông nở nụ cười. Bởi áp lực công việc làm cho ông trầm ngâm, suy nghĩ.
Trong một lần ông đi dạo ở vườn hoa Lý Thái Tổ (Bờ Hồ, Hà Nội) gặp một lớp học cười. Ở đó mọi người cười với nhau rất sảng khoái. Từ đó, ông tham gia lớp học.
Nói về sự thay đổi khi tham gia học cười, ông Thanh cho biết, nếu không tập, chỉ khi nào người ta kể chuyện tiếu lâm mình mới cười. Nếu tập, không cần tác động bên ngoài, tự nhiên bản thân nở nụ cười vui vẻ.
“Công việc quá bận rộn làm cho con người khó nở nụ cười, nhưng nếu tập cười, dù có bận đến mấy, con người có thể vẫn nở nụ cười”, ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, nụ cười tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại là món quà vô giá tạo hóa ban tặng loài người. Bà Khánh nói: “Nó là thứ tài sản quý giá, cái sẵn có nên hãy tận dụng để làm đẹp hình ảnh cá nhân, đất nước. Do vậy, mỗi người Việt nên đóng góp cho du lịch bằng cách thay hình ảnh cau có trên khuôn mặt bằng nụ cười”. |
Theo ông Đỗ Nhật Thanh, tập cười là một hình thức tập thể dục cho tinh thần, giúp thay đổi tâm trạng. Học cười sẽ giúp con người cảm thấy tự tin, lạc quan. Học cười giúp cán bộ công chức giảm áp lực trong công việc; làm cho cán bộ gân gũi với người dân; hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Ông Thanh cho biết, những ngày đầu học lớp cười, ông khá khó khăn khi nở nụ cười tươi. Sau đó, dần dần, ông cảm thấy nụ cười tự nhiên xuất phát từ trong cơ thể mình ra, không còn là cười theo nữa.
“Cũng như kỹ năng làm việc, không thể có nếu không luyện tập. Muốn làm cho môi trường công sở thân thiện, công chức nên tập mỉm cười”.
TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, ông từng tham gia khóa đào tạo giao tiếp ở nước ngoài, trong đó họ yêu cầu học viên tập cười.
Học viên ngậm bút chì vào miệng, nói “e” để hai bên mép căng ra, quen với trạng thái mặt lúc nào cũng tươi. Đầu tiên ai cũng nghĩ đây là trò vớ vẩn nhưng làm 2, 3 ngày, sau đó thấy dễ dàng hơn khi mỉm cười.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lã Quốc Khánh cho biết, rất nhiều khách du lịch phàn nàn với ông rằng họ không thấy người Việt thân thiện như những gì từng được nghe. Ông dẫn lời du khách quốc tế, nói người Việt Nam vốn thân thiện mà sao họ chẳng thấy. Ông Khánh nói: “Người Việt Nam còn tiết kiệm nụ cười lắm”. |