Số phận những người phụ nữ Kobani tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Những bức ảnh đen trắng thể hiện sự chờ đợi gần như tuyệt vọng của những người mẹ, người vợ Kobani.
Trốn chạy khỏi sự tàn sát của phiến quân Nhà nước Hồi giáo, những người phụ nữ Syria không chỉ phải đành lòng bỏ lại nhà cửa mà còn có chồng của họ, con trai của họ.
Buổi sáng thứ 6, Shasdar Aref thức giấc, bên cạnh cô là chồng, Mazlom Ibrahim, và ba đứa con. Đã sang ngày thứ tám cả gia đình họ chui rúc trong chiếc lều xám xịt nền đá sỏi, che tạm bợ bằng một tấm nhựa. Khoảng đất trống này trở thành nơi tị nạn của cả gia đình sau khi chạy khỏi Syria, vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ hơn hai tuần trước. Thứ 6 cũng là ngày chồng cô biến mất.
Nazi Shahim, 45 tuổi, đến từ Kobani. Con rể Muhamad Xan Ahmad của Nazi, 20 tuổi, đã ngã xuống trong cuộc chiến giữa phiến quân IS với YPG.
Hôm ấy, Aref đưa lũ trẻ đến chỗ tắm rửa, một tòa nhà bằng bê tông chưa hoàn thiện, thép nhô lởm chởm được trang bị vội vàng các toa- lét di động dành cho dòng người tị nạn đến từ Kobani. Khi bốn mẹ con quay lại túp lều, Ibrahim đã biến mất. Anh quay về nhà, về Kobani để tham gia chiến đấu chống lại phiến quân IS. Thị trấn Kobani là mục tiêu tấn công gần đây nhất của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.
Chồng của Aref, Ibrahim có thể đã gia nhập các Đơn vị bảo vệ Nhân dân (YPG), đơn vị vũ trang chiến đấu của Ủy ban tối cao người Kurd tại Syria. Vũ khí chiến đấu nghèo nàn và hầu như bị đánh bại trước các cuộc tấn công của phiến quân IS, họ kêu gọi sự giúp đỡ về mặt vũ trang của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay, lời kêu gọi của họ dường như đã bị chìm nghỉm.
Aref chỉ là một trong số hàng ngàn phụ nữ tị nạn vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ với ít ỏi đồ đạc có thể mang theo. Họ đã phải chờ đợi hàng tuần ở biên giới để vào được Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi chạy đến cửa biên giới hẹp như cái cổ chai, họ phải trải qua một loạt các thủ tục kiểm tra sức khỏe lẫn an ninh trước khi được bước chân vào một vùng đồng bằng đầy bụi. Tại đây, họ lại tiếp tục chờ đợi những chiếc xe tải đến chở đi. Họ không thể biết khi nào những chiếc xe tải sẽ đến. Phụ nữ và trẻ em như Aref ngồi chờ bên cạnh những chiếc bao tải trắng đựng quần áo và các vật dụng cần thiết khác. Nhiều người đã kiệt sức vì những cuộc lánh nạn bắt buộc và tất cả những gì họ có thể làm là chờ đợi.
Gia đình Aref và hàng xóm, những người Kurd đã quen với nhịp sống mới tẻ nhạt của số phận những người tị nạn. Họ uống trà dưới bóng râm của khoảng gần 100 túp lều trên khu đất trống thuộc Suruc, một thị trấn Thổ Ngĩ Kỳ cỡ vừa cách biên giới quê hương Syria của họ khoảng 3 dặm. Những người phụ nữ bất hạnh không biết lúc nào sẽ lại được nhìn thấy nhà của họ, chồng của họ, con trai của họ.
Fatma Ismail, 40 tuổi, đến từ Kobani, chồng cô là Ahmad Ismail, 45 tuổi, ở lại qua hương tiếp tục công việc lái xe cứu thương phục vụ YPG.
Maliha Ahmad, 37 tuổi, đến từ Kobani, con trai cô là Mohammad Ahmad, 20 tuổi, ở lại chiến đấu cùng các binh lính khác của YPG.
Arifa Mohammed Sulem, 30 tuổi, bà mẹ bốn con cho biết cô chồng và cha của mình ở lại chiến đấu cùng với Đảng lao động người Kurd.
Tazo Hamo Hassan Sekhani, 72 tuổi, đến từ Kobani, phải rời xa con trai Osman Ismail, 40 tuổi, ở lại quê nhà tham gia chiến đấu cùng YPG.
Amina Diyar, 60 tuổi, phải rời bỏ ngôi mộ của 2 em họ, Khalil Diyar, 22 tuổi, và Hanafi Kado, 20 tuổi. Hai người đã hy sinh trong cuộc chiến cùng với YPG.
Samera Salim, bà mẹ 30 tuổi của ba đứa con , đến từ Kobani. Cô cho biết cô phải chồng cô là Momad Hamo, 35 tuổi,ở lại để bảo vệ “đất nước, nhà và trang trại”.
Madiyna Fajer, 35 tuổi, đến từ ngôi làng Tallot thuộc ngoại ô thị trấn Kobani, để lại chồng là Abdul Razzak Fajer ở quê hương để tham gia chiến đấu cùng YPG.
Barrei Ahmad Mesto, 60 tuổi, để con trai 30 tuổi Mustafa Ahmed Mesto, ở lại chiến đấu cùng YPG.
Amin Fajer, 37 tuổi, đến từ Kobani, rời xa chồng là Abdul Fajer, 50 tuổi, ở lại chiến đấu cùng YPG.
Shamsa Mustafa Ibrahim, 50 tuổi, để con trai Kholisi Khalil, 25 tuổi, ở lại chiến đấu với YPG
.
Zahida Shekho, 70 tuổi, để con trai Ziad ở lại chiến đấu với YPG.