Sẽ công nhận mại dâm là một nghề?

Cuối năm 2012, dư luận lại được phen xôn xao về ý kiến đề xuất đổi cách gọi "mại dâm" thành "lao động tình dục". Người ta có cơ sở để lo ngại rằng mại dâm sẽ được công nhận là một nghề.

Tranh cãi về công nhận mại dâm là một nghề

Mới đây, bà Ngô Linh, trưởng nhóm cộng đồng Bình Minh Đêm đã đề xuất ý kiến đổi cách gọi nghề "mại dâm" thành "lao động tình dục". Bên cạnh đó, cần công nhận mại dâm là một nghề của xã hội để chị em không bị kỳ thị, xã hội có cầu thì mới có cung. Đề xuất này được trình bày ngày 26/12 tại buổi tọa đàm thúc đẩy can thiệp giảm hại và dự phòng lây truyền HIV trong mại dâm đã diễn ra. Chương trình do Hội Phòng chống AIDS, Ủy ban phòng chống AIDS và Chương trình phối hợp Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức tại TP.HCM.

Ý kiến này ngay sau đó đã nhận được rất nhiều phản hồi, tranh luận trái chiều, gây ra một làn sóng trong dư luận. Bà Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại, Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM nêu quan điểm, xã hội không cần tập trung vào việc coi mại dâm là một nghề. Quan trọng là khung pháp luật và các chính sách liên quan đến giảm hại trong mại dâm.

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm trên cho rằng, hoạt động mại dâm đang diễn ra rất phức tạp và khó kiểm soát. Cần kiên trì tập trung vào các giải pháp dự phòng lây truyền HIV cho người bán dâm như truyền thông nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ năng tự bảo vệ, tạo sự có sẵn bao cao su, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, cần hỗ trợ hoạt động cho các nhóm tự lực, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn để tạo điều kiện cho người bán dâm kiếm sống bằng công việc khác.

Vấn đề định hướng việc làm và các mô hình giảm hại cho người bán dâm đã và đang được quan tâm. Phó giám đốc dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở Việt Nam - Life đồng thời làm điều phối viên dự án toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, bà Hoàng Thị Xuân Lan đã giới thiệu mô hình dự phòng lây nhiễm HIV cho người bán dâm. Bên cạnh đó sẽ dạy nghề miễn phí theo nhu cầu của người bán dâm như nghề trang điểm, nấu ăn, làm móng..., trợ giúp các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Có thể thấy, trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề dẹp nạn mại dâm vẫn nóng vì chưa thể tìm ra biện pháp giải quyết triệt để. Hoạt động của bọn tội phạm về mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị và các khu du lịch nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nông thôn và miền núi. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường, cà phê, tẩm quất, massage... trá hình cho hoạt động mại dâm ngày càng nhiều.

Ở một mặt nào đó, việc quan hệ tình dục khác giới xuất phát từ nhu cầu sinh lý không thể thiếu của con người. Theo đó, rất nhiều người kể cả nam và nữ không thể tìm nổi bạn tình cho mình. Nhiều người do hoàn cảnh buộc phải mua dâm, nhiều người không kiềm chế được ham muốn bản thân thì hiếp dâm trở thành tội phạm. Chưa kể đến việc, khi mua, bán dâm lén lút thì các biện pháp bảo vệ sức khỏe, lây bệnh qua đường tình dục chưa được xem trọng.

Nên nhìn nhận mại dâm là một hoạt động xã hội...

Rất khó để xin trò chuyện với một cô gái hoạt động mại dâm nhưng sau hai lần thuyết phục, ngay ven đường Phạm Văn Đồng, tôi đã được tiếp chuyện với cô gái tên O. trong vỏn vẹn 10 phút và trả phí 100.000 đồng. O. ngần ngại, cái vẻ bất cần bên ngoài cũng không che lấp đi được nỗi lo sợ bên trong. Dù tôi đã nói mình là nhân viên của một tổ chức nhân đạo của phụ nữ, muốn trò chuyện thẳng thắn với O. về những khó khăn, hoàn cảnh phải dấn thân vào nghề nhưng O. vẫn nói liên hồi: "Nói cho chị xong để mai phía công an vào cuộc rồi chúng tôi hết đường sống ạ?". Nói đoạn, O. bắt tôi tắt nguồn điện thoại để tránh tôi ghi âm hay ghi hình như một vài trường hợp cô đã gặp. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường, O. vừa nói vừa quay đi, không để người đối diện nhìn được khuôn mặt, tất cả chỉ cảm nhận được qua cái giọng nói khàn khàn giống như người hút thuốc lâu ngày.

Sẽ công nhận mại dâm là một nghề? - 1

Gái mại dâm bị bắt tại KS Amara (TP.HCM)

Khi đã dần cởi mở, O. bảo mùa đông lạnh thì khách ít hơn, có ngày 3 khách, ngày chẳng khách nào, mùa hè thì trung bình 10 khách/ngày. Mỗi lần gật đầu, O. được trả từ 50 - 150.000 đồng. Đứng ven vệ đường một lát, cả người tôi co ro trong cái lạnh buốt xương buổi tối, vậy mà đêm nào O. cũng đứng, cũng vẫy khách, cô chỉ mặc đôi tất chân mỏng có thể nhìn xuyên và khoác cái áo ngắn, cái khăn mỏng đủ để hở cả nửa bộ ngực. Được biết, O. sinh năm 1980, quê ở Thái Bình, chỉ học hết lớp 9, sống ở đất Hà Nội được gần 10 năm. Ngày mới chân ướt chân  ráo lên Hà Nội, O. cũng chỉ làm phụ bàn quán cà phê, rồi làm phụ cho cửa hàng cắt tóc, rồi chuyển qua giúp việc trong cửa hàng tẩm quất, mát - xa. "Đi làm gái cũng là bất đắc dĩ, ở quê bố mẹ cũng không rành, hàng tháng tôi vẫn gửi tiền về nhà. Mọi người đừng nghĩ cứ mại dâm là hư hỏng, là xấu xa, có cả ngàn lý do khiến chúng tôi không dám nghĩ tới bỏ nghề", O. nói.

Cũng theo lời kể của O. hồi mới vào nghề, cô còn cặp với những người giàu, có ô tô, có xe ga đưa đón. Làm riết rồi cũng hết thời, mấy chị em đã chấp nhận đứng đường đều không còn đường nào khác, những ngày lạnh, có người mấy đêm dầm mình trong giá lạnh cũng chẳng kiếm được đồng nào, mấy chị em có khi mặc chung nhau bộ váy, dùng chung bộ mỹ phẩm. Lại có người bị bệnh phụ khoa mà không dám vào viện chữa trị, vì chẳng có tiền.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, kẻ đứng, người ngồi, O. chép miệng: "Chúng tôi là những người chuyên cho thuê thân xác để quan hệ tình dục. Sung sướng gì cái kiếp làm công cụ giải khuây cho đủ các hạng người, từ thằng trai trẻ mặt còn búng sữa cho đến mấy lão già khọm. Chẳng phải ai cũng tươm tất, thơm tho, có khi gặp phải người đàn ông hôi tanh mùi chợ búa, mùi của người già, của những gã đến cả tháng không tắm, nghĩ lại thấy rùng mình".

Nói về ý kiến đề xuất đổi tên gọi "mại dâm" thành "lao động tình dục", O. bảo: "Dù có thay đổi tên gọi hay không thì tính chất công việc chẳng có gì thay đổi, chúng tôi vẫn bị coi rẻ, nếu có một tổ chức nào thực sự quan tâm, hỗ trợ miễn phí để chúng tôi chữa bệnh phụ khoa thì cho tôi xin địa chỉ. Mấy chị em giờ bị xếp vào loại "hết đát", chỉ mong có một nghề kiếm cơm lương thiện".

Hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu công nhận mại dâm như một nghề sẽ ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. "Nếu chỉ vì khó quản lý mà đề nghị công nhận mại dâm là một nghề chỉ chứng tỏ sự yếu kém của cơ quan công quyền. Cần xử lý người mua dâm như người bán dâm", anh Nguyễn Trọng Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ. Nhiều ý kiến từ các nhóm cộng đồng nhấn mạnh, không nên dùng từ "hoàn lương" để nói về những phụ nữ từ bỏ việc bán dâm. Họ không phải là tội phạm giết người, cũng không phải là kẻ cướp của mà đó là hành vi không đúng, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Trước đó, đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng cục CSĐT về TTXH (C45 - bộ Công an) đã bày tỏ ý kiến: "Chúng ta nên nhìn nhận rằng mại dâm là một hiện tượng xã hội cần giải quyết lâu dài. Thực tế là vấn đề này Quốc hội cũng đang bàn luận. Nên chăng chúng ta công nhận đó như "một nghề" với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn".  

Theo thống kê, cả nước có khoảng 53.000 nữ nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó, có 3.500 cơ sở và 6.983 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm đã phát hiện gần 10.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền 7 tỷ đồng và thu hồi giấy phép của 251 cơ sở. Lực lượng công an cũng triệt phá 380 vụ, bắt gần 750 gái bán dâm, hơn 470 khách mua dâm và 300 chủ chứa, môi giới. Hơn 14.800 người bán dâm đang được quản lý qua hồ sơ, và 1.300 người đang được chữa trị, giáo dục.      

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Dương (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN