Rung chuông đêm giao thừa có phải ý tưởng mới?

Sở Văn hoá & Thể thao đưa ra ý tưởng, liên hệ các đền chùa, nhà thờ trên địa bàn TP sẽ rung chuông chào năm mới.

Rung chuông đêm giao thừa có phải ý tưởng mới? - 1

Việc đánh chuông đêm giao thừa Tết Nguyên đán đã trở thành thông lệ của hầu hết các đền chùa, nhà thờ ở Việt Nam (ảnh: Tất Định) 

Mới đây, TP Hà Nội đã quyết định không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Đinh Dậu dành tiền chăm lo Tết người nghèo.

Trước một số ý kiến băn khoăn, ngừng bắn pháo hoa, người dân sẽ không cảm nhận được không khí giao thừa, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho hay, TP sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa chào mừng năm mới.

Đặc biệt, ông Động đưa ra ý tưởng liên hệ với các đền chùa, nhà thờ trên địa bàn TP đồng loạt đánh hồi chuông dài để đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Nhiều người ủng hộ ý tưởng của vị giám đốc Sở VH & TT Hà Nội để gợi nhắc mọi người về những âm thanh quen thuộc, truyền thống. Tuy nhiên, một số lại cho rằng rung chuông đêm giao thừa thay cho bắn pháo hoa khá mới mẻ, lạ lẫm.

Bà Trần Lệ Thúy, ban quản lý đền Trấn Vũ, Hà Nội bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhiều người không biết về tiếng chuông đêm giao thừa vọng từ đền Trấn Vũ.

“Tiếng chuông Trấn Vũ đã đi vào ca dao, trở thành một hình ảnh gắn liền với Hồ Tây, với Hà Nội. Đúng giao thừa, 2 quả chuông lớn ở cổng tam quan đều được đánh 3 hồi 9 tiếng để báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến.

Tiếng chuông Trấn Vũ ngân rất vang, thêm không gian khoáng đạt ở Hồ Tây càng vọng xa. Có lẽ nhiều năm mọi người mải ngắm pháo hoa mà quên mất tiếng chuông đêm giao thừa”, bà Thúy chia sẻ.

Theo GS Trần Lâm Biền tiếng chuông là tiếng gọi xuân khai, gọi mở đất trời để thông linh. Ở đền chùa và nhà thờ Thiên chúa giáo đều có thông lệ đánh một hồi chuông đêm giao thừa. Việc rung chuông ở đâu cũng đều có điểm chung cầu mong cho mọi người có một năm mới tốt lành.

"Tiếng chuông đã có từ ngàn đời và một thời bị quên lãng. Nhiều năm tiếng chuông bị lẫn trong âm thanh ồn ào của phố xá, tiếng pháo hoa. Tiếng chuông có ý nghĩa giúp xua tan những điều không tốt đẹp của năm cũ. Tiếng chuông an lành thời khắc giao thừa cái đáp ứng yêu cầu tâm linh của quần chúng mà từ lâu chúng ta bị lãng quên”, GS Biền bày tỏ.

 Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN cho biết, việc đánh chuông đêm giao thừa đã trở thành thông lệ của hầu hết các chùa ở Việt Nam.

“Tiếng chuông đêm giao thừa không chỉ đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới. Trong mỗi tiếng chuông đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ”, Hòa thượng Thích Thiện Tâm cho hay.

Trước đó, trong kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Hà Nội dự kiến tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm trên địa bàn thành phố.

Ngày 20.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2017, trong đó có quán triệt các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Sáng 27.12, trao đổi với báo chí bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư, không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN