Rong biển chết dạt vào bờ chỉ là hiện tượng tự nhiên
Rong biển chết dày đặc trôi dạt vào dọc ven bờ biển tỉnh Quảng Bình không phải do tác động ô nhiễm môi trường biển mà chỉ là hiện tượng tự nhiên theo chu kỳ của nó.
Rong biển trôi dạt vào dọc bờ biển Quảng Bình
Sáng 5-7, theo ghi nhận của phóng viên Người Lao Động, dọc ven biển thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) hiện tượng rong biển chết trôi dạt vào bờ tạo thành từng lớp, bám vào những dãy rạn đá biển tạo thành từng lớp màu xanh bảo phủ.
Ông Lê Nhẫn (84 tuổi), một cao niên ở thôn Nam Lãnh, người nhiều năm gắn bó với vùng biển bãi ngang này dẫn chúng tôi tới bờ biển bãi san hô và cũng là nơi tập trung rong biển trôi dạt nhiều nhất trong vùng, rồi chỉ tay nói: “Rong biển này có từ tháng chạp, đến tháng 2 tháng 3 thì bắt đầu tốt, rồi con cá Tho vào ở và sinh đẻ, tháng 4 là con cá bôi sinh sống và đến tháng 5 thì bắt đầu rữa ra và chết. Khi gặp gió thì tất vào bờ. Ngày xưa, người dân chúng tôi thường ra lấy về làm phân bón ruộng nhưng nay không lấy nữa”.
Rong biển trôi dạt vào dọc bờ biển Quảng Bình
Theo nhiều bậc cao niên ở thôn Nam Lãnh, hiện tượng rong biển trôi vào bờ biển là hoàn toàn bình thường và tự nhiên chứ không chịu một sự tác động từ việc ô nhiễm môi trường sinh thái biển. “Từ tháng giêng đến khoảng tháng 6 rong biển phát triển, đến khoảng tháng 7 trường giang chảy mạnh thì nó trôi đi và tấp vào bờ nhưng không có gì nguy hiểm ở trong bờ biển. Rong biển ở cách bờ khoảng 2km nó dạt vào bờ, còn ngoài xa hơn nó sẽ theo dòng nước trôi đi nơi khác” - ông Lê Văn Thương (82 tuổi) một bô lão ở thôn Nam Lãnh kể lại.
Nhận định của nhiều người, với lượng rong biển chết trôi dạt vào bờ dày đặc cũng không ảnh hưởng đến môi trường nơi đây. Vì khi gặp nắng nóng khoảng 3-5 ngày nó tự khô và bị vùi lấp và tiêu tan trong cát biển.
Tại ven bờ biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) cũng xuất hiện vệt rong biển dài vài trăm mét, rong biển bị sóng đánh vào bờ chết khô và xếp lớp dày đặc.
Anh Lê Văn Trọng, ngư dân vùng biển bãi ngang xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) cho biết mùa rong biển như mấy năm trước thì hai vợ chồng thu được 1 ngày 1 triệu, giờ bị ô nhiễm môi trường nên cũng sợ nguy hiểm nên cũng không đi nữa. Tuy nhiên do hiện tượng cá chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường biển nên thương lái không thu mua, người lặn rong biển cũng không dám ra biển.
Rong biển trôi dạt vào dọc bờ biển Quảng Bình
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Võ Quang Đạt – Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho rằng rong biển trôi dạt vào dọc ven biển nơi đây chỉ là hiện tượng bình thường và theo chu kỳ của rong biển chứ không có điều gì bất thường như dư luận phản ánh. Theo ông Đạt, UBND huyện Quảng Trạch cũng đã chỉ đạo lực lượng UBND xã Quảng Đông lên phương án xử lý số lượng rong biển dạt vào bờ. – “Chúng tôi phải chờ rong khô hẳn rồi mới gom lại và đốt chứ không đem chôn” – ông Đạt nói.
Rong biển trôi dạt vào dọc bờ biển Quảng Bình
Còn ông Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết sau khi biết thông tin, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra và kết luận việc rong biển dạt vào bờ là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Đây là chu kỳ của rong biển mà không có một tác nhân hay ảnh hưởng môi trường nào tạo nên. UBND huyện Quảng Trạch cũng chỉ đạo UBND các xã Quảng Đông và Quảng Phú tiến hành thu dọn để đảm bảo vệ sinh và cảnh quang bờ biển.