Quấy rối TD: Làm gái cho người ta trêu!?

Luật đã quy định cấm song thực tế ngay cả những nhà làm luật cũng đang khó xử với những hành vi lẽ ra là quấy rối tình dục nhưng lại được chấp nhận như một nét văn hóa giao tiếp…

“Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” từ lâu được xem như cái cớ “dễ chấp nhận” của đấng mày râu khi tròng ghẹo chị em nơi làm việc.

Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục

Nhắc tới quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc, người ta thường liên tưởng đối tượng là nữ tuy nhiên, thực tế nam giới cũng có thể là nạn nhân. Nhớ lại thời mới đi làm, T, nhân viên ngân hàng kể: Khi mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm còn rất non kém, lại được một chi nhánh ngân hàng nhận vào làm việc dưới sự quản lý của sếp nữ đã ngoài 50 tuổi.

Một lần, vị sếp nữ nói với anh rằng: “Nhà chị có bình nóng lạnh bị hỏng mà chị thì rất sợ gọi thợ đến nhà phòng họ nhòm ngó rồi có gì trộm vặt…. Em có thể tới sửa giúp chị được không?” . Nghe vậy, anh nhân viên trẻ cũng hồn nhiên đồng ý nhận lời.

“Vào một ngày đẹp trời”, theo lời hẹn anh tới nhà sếp và được tiếp đón chu đáo. Khi nhân viên vào nhà tắm sửa bình nóng lạnh thì bên ngoài bà sếp cũng bắt đầu tháo bỏ đồ ra rồi quấn khăn tắm xung quanh người. Trong trang phục đó, nữ chủ nhà thản nhiên bước vào hỏi: “Em sửa xong chưa để chị còn tắm?”.

Quấy rối TD: Làm gái cho người ta trêu!? - 1

Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)

Thấy vậy, chàng trai trẻ hoảng hốt chạy thẳng ra cửa. Hôm sau tới cơ quan, việc đầu tiên mà anh làm là viết đơn xin nghỉ việc…

Cho rằng những hành vi trêu đùa, bỡn cợt nơi làm việc cũng chỉ là một yếu tố văn hóa của người phương đông, một viên chức khi được hỏi cho biết: “Hiện nay, rất nhiều các hành vi thể hiện QRTD, nhưng nạn nhân rất ngại nói ra vì không có một quy định nào cả, người ta cho rằng thôi thì mình là cấp dưới, cấp trên có thế này thế kia một tý thì cũng là yêu quý hoặc là tạo điều kiện, nếu mình mà có hành vi cự lại sẽ dẫn tới hậu quả ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình”.

Một nam quản lý khách sạn cho biết, tại nơi làm việc của mình, ít nhất anh cũng đã từng chứng kiến 2 vụ là khách nghỉ quấy rối tình dục nhân viên nữ. “Từ đây, khi làm thỏa ước lao động tập thể, công đoàn khách sạn cũng đã đưa nội dung này vào để lưu ý người lao động” anh nói.

Ranh giới mong manh

Trung Quốc được xem là một trong những nước có xảy ra tình trạng QRTD phức tạp tại khu vực Châu Á: Một nghiên cứu từ 2009 cho thấy 20% số phụ nữ được hỏi đã bị QRTD tại nơi làm việc. Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ 45,6% nạn nhân trách mắng kẻ QRTD, hơn 34% đã báo cáo lên cán bộ quản lý; gần 20% đã gọi cho công an hoặc thực hiện hành động pháp luật dân sự. hơn 51% người bị quấy rối thừa nhận bị giảm hiệu quả trong công việc trong khi 43% cho biết họ mắc nhiều lỗi hơn và gần 28% trả lời họ muốn thay đổi công việc.

Còn ở Việt Nam, từ trước tới nay vẫn chưa có báo cáo nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Hầu hết những vụ QRTD mà dư luận được biết thông qua báo chí nhưng cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Trong hơn 10 năm hành nghề Luật sư Lê Đăng Tùng cho biết cũng chưa bao giờ chứng kiến hay nghe kể về vụ kiện tụng QRTD được đưa ra tòa. “Nguyên nhân chính là do từ trước tới nay, Luật pháp chưa có quy định cụ thể về hành vi này. Tôi được biết những vụ việc này cùng lắm chỉ được giải quyết nội bộ trong cơ quan mà thôi”- Luật sư Tùng nói.

Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng thừa nhận xét trong văn hóa giao tiếp người phương Đông, nhiều khi giữa hành vi QRTD với trêu đùa tại nơi làm việc chỉ là một ranh giới mong manh rất dễ có thể vượt qua.

Câu "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu!” lâu nay đã trở thành định kiến, là cái cớ để đồng nghiệp nam có những hành vi lời nói bông đùa đối với nữ giới. Khi đối mặt với những hành vi trêu ghẹo, có người thì cảm thấy khó chịu, bực tức song cũng có người lại cho rằng đó là đùa vui còn hưởng ứng nhiệt tình…”- bà Lan nói.

Mới đây, nội dung cấm QRTD nơi làm việc đã được nêu trong Bộ Luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 5/2013) nhưng khái niệm cụ thể và chế tài xử phạt hành vi này lại chưa được đề cập tới. ILO tại Việt Nam cho biết đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giúp Việt Nam xây dựng thông tư dưới luật quy định cụ thể về vấn đề này.

Những quy định về QRTD mà ILO tham vấn cho VN

Trong bộ quy tắc ứng xử của ILO, QRTD nghĩa là: bất kỳ sự gợi ý, đề nghị naò về tình dục, hoặc liên quan tới tình dục, được thể hiện bằng lời, không bằng lời hay đụng chạm thể xác mà không được sự hưởng ứng của người kia, làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, tạo ra sự thù địch, bị đe dọa trong môi trường làm việc; hay sự cố tính trừng phạt hoặc đòi hỏi, ép buộc đánh đổi về việc làm...

Theo Luật Bảo vệ chống quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc của Pakistan quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là bất kỳ lời tán tỉnh về tình dục hoặc liên quan đến tình dục không được mong muốn; sự yêu cầu quan hệ tình dục hoặc sự giao thiệp khác bằng lời nói hay không bằng lời nói mang tính tình dục, dẫn đến cản trở việc thực thi công việc hoặc tạo ra một môi trường làm việc bị đe dọa, thù địch hoặc tấn công hoặc cố gắng trừng phạt người tố cáo vì từ chối tuân theo một yêu cầu như vậy hoặc bị đặt điều kiện đối với việc làm.

Luật Việc làm của Malaysia quy định: QRTD nghĩa là bất kỳ hành vi, ứng xử không được mong muốn của một giới, dù bằng lời, không bằng lời, thị giác, cử chỉ hoặc thể xác, nhằm vào một người bị tấn công hoặc xỉ nhục hoặc là một sự đe dọa đối với hạnh phúc của người đó, phát sinh do và trong quá trình làm việc của người đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN