Qua đêm ở 'nhà' các vua triều Nguyễn

Tôi đã đến Huế vài lần. Một lần vào mùa mưa. Rền rã trời rải nước. Sông Hương mờ mờ những con thuyền làm tủi thân lữ khách cô độc. Một lần khác tôi đến Huế vào tháng 6, nóng đến mức nước vừa qua cổ họng đã thành mồ hôi trên trán. Gió Lào sém da. Thế nhưng dù mưa hay nắng, tôi đều vào thăm Hoàng cung.

Qua đêm ở 'nhà' các vua triều Nguyễn - 1

Thái Bình Lâu, nơi vua đọc sách. Ảnh: Lưu Ly.

Tôi cố xóa hết thực tại để hình dung quá khứ. Nhà của các vua mấy tầng, tối tối gặp cung phi ra sao, có tập dưỡng sinh không... đủ thứ. Thế nhưng dòng suy nghĩ  thường bị cắt ngang bởi mấy vị khách nước ngoài to lừng lững bàn về điều gì đó. Có khi là du khách trong nước hỏi nhau những điều họ không biết. Lại có khi tôi không thể nghĩ gì được vì tiếng ồn ã của miếng cơm manh áo dội lại...

Minh Mạng cũng đưa ra phép “Hồi tỵ”,  quan không được cai trị quê mình, phải trả lại quyết định khi quan bổ nhiệm không biết. Minh Mạng cũng thống nhất việc cân đo trong cả nước...

Trước 13 vị vua triều Nguyễn là 9 đời chúa Nguyễn. Bắt đầu từ chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ đất Thuận Hóa từ năm 1558. Triều đại của dòng họ Nguyễn bắt đầu từ năm 1802, do Gia Long sáng lập. Vị  vua này  xây kinh thành trên đất Phú Xuân, trong đó có điện Cần Chánh để làm việc và điện Thái Hòa để thiết đại triều. Cuộc đời làm vua của Gia Long kéo dài từ 1802 đến 1819. Gia Long chết truyền lại ngôi cho Thái tử Ðảm, con thứ tư của Gia Long và bà Thuận Thiên Trần Thị Ðang. Nối ngôi cha, vị vua này lấy niên hiệu là Minh Mạng. Ông tiếp tục hoàn chỉnh qui hoạch khu vực Hoàng thành, dựng Ngọ Môn, dịch chuyển điện Thái Hòa và xây to hơn, xây Duyệt Thị đường, Ðại cung môn...

Các đời vua sau này cũng xây thêm hay thay đổi chi tiết, sử dụng gạch khi trùng tu nhưng tất cả vẫn trên kiến trúc cũ. Kinh thành được xây dựng theo nguyên tắc phong thủy và thuyết âm dương ngũ hành. Mặt thành quách, điện quay về hướng Nam với những mong muốn dòng họ trị vì mãi mãi. Bên ngoài có hào ngăn cách. Các công trình kiến trúc bộc lộ tư tưởng độc tôn quân quyền. Công trình đặc biệt quan trọng nhất chính là Tử Cấm Thành, nơi đây có điện Càn Thành là chỗ vua ngủ, có cung Khôn Thái dành cho Hoàng quí phu. Tử Cấm Thành gần như hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m được bao bọc bởi tường bao cao khoảng 3,5m, có 7 cửa ra vào và Ðại cung môn là lối đi dành riêng cho vua sang “cơ quan”. 90.000m2 xem ra là rộng nhưng so với những người giàu có thời nay thì cũng chẳng nghĩa lý gì.

Một lần đến  Huế xem chương trình “Ðêm Hoàng Cung”. Tôi  đến lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Ðức trước. Mộ phần thật to luẩn quất khí âm. Và bỗng nhiên tôi muốn ngủ đêm ở Ðiện Càn Thành. Chuyện có vẻ khó nhưng tôi làm được. Ở Việt Nam có thể làm được cả điều rất khó, vô cùng khó.

Những cột sáng bằng đèn pha cực mạnh như nối trời với đất đã tắt. Nhân viên kỹ thuật của các công ty làm dịch vụ vội vã dọn đồ. Các cô gái trút bỏ bộ đồ cung nữ trở lại với váy và áo ba lỗ. Những chàng trai đóng giả thị vệ cũng cởi bộ đồ mầu mè, nóng bức nhanh chóng mặc áo phông, quần bò. Rồi họ ra về. Khách du lịch cũng vội vã rời Hoàng cung. Chỉ còn lại vài ngọn đèn ở các điểm bảo vệ. Tử Cấm Thành mờ mờ trong ánh trăng thượng tuần. Tôi nghe rõ tiếng ti tỉ, ai oán của côn trùng. Ðiện Càn Thành rộng rãi, đẹp đẽ mà các nhà viết sử mô tả trong sách  chỉ còn là nền hoang. Cỏ dại len giữa khe vữa. Lúc tối, đạo diễn Lê Quí Dương cho sắp đặt ở đây hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ. Giờ nến đã tắt chỉ  nền hoang đến rợn người. Tôi ngồi bệt trên nền điện, móc trong túi chai  Minh Mạng và một chiếc chén nhỏ  mà buổi chiều tôi phải đi xe ôm ra chợ Ðông Ba mới mua được. Cầm chai rượu, tôi  nghĩ, phải chăng vì ông vua này có tới mấy chục vợ và hàng trăm người con nên  người đời  lấy tên ông để đặt tên cho một loại rượu nhằm bán được nhiều hàng? Hay bài thuốc ấy còn lưu được đến ngày nay?

Qua đêm ở 'nhà' các vua triều Nguyễn - 2

Hoàng Thành Huế. Ảnh: Bùi Thụy Ðào Nguyên.

Ðêm làm âm thanh cuộc sống bên ngoài rất nhỏ. Quanh tôi chỉ có tiếng dế  nhưng không biết dưới lòng đất có yên không? Tôi rót một ly đặt trên viên gạch khấn các vị. Rồi nhè nhẹ ngả mình xuống đám cỏ, cảm giác  lạ không tả được lan khắp người, tôi được nằm chính nơi các vua Nguyễn đã ở, điều mà trước kia chỉ nghĩ trong đầu cũng tự thấy mình mắc tội khi quân. Tôi hình dung ra vua Gia Long sau khi lên ngôi đã cho quật lăng mộ Quang Trung, trừng trị vua tôi nhà Tây Sơn. Vị vua này cũng cho khai khẩn đất hoang phía Nam, đào kênh Vĩnh Tế, trị thủy ở miền Bắc. Tôi lại nghĩ tới vua Minh Mạng, vị vua suốt đời lấy việc Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ là cái đích. Có công trong cải cách hành chính, đặc biệt là đưa ra chủ trương “Tứ bất lập” để tránh thói độc đoán chuyên quyền trong bộ máy cai  trị, để các chính phi không tham gia vào chuyện triều chính hay ức hiếp quan quân... Minh Mạng cũng đưa ra phép “Hồi tỵ”,  quan không được cai trị quê mình, phải trả lại quyết định khi quan bổ nhiệm không biết. Minh Mạng cũng thống nhất việc cân đo trong cả nước...Ông rất ghét thói tham nhũng và đã cho chặt tay một viên quan tham lam gian xảo khi đong lúa của dân... Cũng làm vua nhưng Dục Ðức tại vị được 3 ngày sau đó bị tống giam vào ngục, chết không có quan tài mà bị bó chiếu. Năm 1858, Pháp nổ súng ở Ðà Nẵng, rồi lần lượt chiếm 3 tỉnh miền Ðông, tiếp đến 3 tỉnh miền Tây, sau đó ra ngoài Bắc biến Hà Nội thành nhượng địa... Tự Ðức và các vị vua sau này không còn nhiều uy quyền như Gia Long hay Minh Mạng. Tôi cảm phục các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân yêu nước quá mà bị Pháp đầy ra nước ngoài. Tôi cũng tưởng tượng cảnh Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là cuối cùng chế độ phong kiến Việt Nam phải thoái vị vào năm 1945... chấm dứt 143 năm nối nhau làm vua của nhà Nguyễn.

Tầm canh ba. Trăng thượng tuần đã trốn đi ngủ. Một lớp sương nhè nhẹ phủ lên kinh thành. Dường như không còn âm thanh bên ngoài dội vào. Tôi rót rượu và uống để cắt dòng suy nghĩ. Tiếng  côn trùng khóc phận mình  từ nghìn năm nay đã ngừng dưới nền điện Càn Thành. Tôi lẩm bẩm bài thơ “Ngẫm sự đời” của vua Tự Ðức.

Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê

Sống gửi rồi ra lại thác về

Khôn dại cùng chung ba thước đất

Giầu sang chưa chín một nồi kê

Tranh giành nước mắt, mây tan tác

Ðầy đọa sau thân, núi nặng nề

Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo

Gượng làm chút nữa để mà nghe

Và tôi chợt nhớ một câu thơ  của Lý Bạch:

Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt

Kim nguyệt tằng minh chiếu cổ nhân

(Tạm dịch: Người xưa không thể chứng kiến được trăng thời nay nhưng trăng thời nay thì nhìn được người xưa)

Trời sáng dần, khoảng trống trong Tử Cấm Thành lại được lấp đầy những  hình ảnh cũ kỹ, quen thuộc. Âm thanh ồn ã bên ngoài lại dội vào thành. To dần. Ầm ầm. Trong tôi  trào lên tình cảm gì đó mà tôi không thể gọi tên.

Chiêm ngưỡng bảo vật triều Nguyễn trên đất cố đô Huế

Những vật biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế và triều đại như kim bảo, kim ấn, kim sách, bảo kiếm…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN