Phú Thọ nói gì về việc TP.Sầm Sơn muốn dâng bánh dày 3 tấn?
Chiều 26.2, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ - cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản của Thanh Hóa liên quan đến nhiều ý kiến khác nhau về việc dâng bánh dày 3 tấn trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 của TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cũng theo ông Ân, do chưa có văn bản cụ thể nên tỉnh Phú Thọ không biết việc dâng chiếc bánh dày này theo hình thức dạ mào, cung tiến hay là cho. Giỗ Tổ Vua Hùng là chung của cả nước, việc cung tiến là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu là dạng để trở thành kỷ lục Guinness hay mang tính chất quảng bá thì quan điểm của tỉnh Phú Thọ là không đồng ý.
Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là sẽ không đồng ý nếu dâng bánh dày, bánh chưng theo dạng để trở thành kỷ lục Guinness hay mang tính chất quảng bá.
“Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Mậu Tuất 2018, tỉnh Phú Thọ sẽ không tổ chức việc làm bánh trưng, bánh dày khổng lồ, các hoạt động diễn ra theo phong tục truyền thống”, ông Ân cho biết thêm.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 2.2, UBND TP.Sầm Sơn có công văn số 364/UBND-VHTT, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép “dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn” lên Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn được làm tại TP.Sầm Sơn. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, sản phẩm của địa phương.
Sau đề xuất của UBND TP.Sầm Sơn, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - có ý kiến chỉ đạo giao Sở VHTTDL tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND TP.Sầm Sơn về việc địa phương này muốn “dâng bánh dày nặng kỷ lục lên Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018”.
Công văn chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, ông Quyền yêu cầu, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc, tham mưu, đề xuất ý kiến, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 8.3.
Theo ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa - cho biết, Sở VHTTDL đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc này. Tuy nhiên, hiện tại Sở VHTTDL Thanh Hóa vẫn đang nghiên cứu và xem xét các phương án để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
“Việc TP.Sầm Sơn đề nghị được làm bánh dày nặng 3 tấn mới là ý tưởng, còn thực hiện được hay không phải chờ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Phương cho biết thêm.
Liên quan đến việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, ngày 26.2, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cuộc họp đề ra các phương án cụ thể.
Theo đó, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 do UBND tỉnh chủ trì, có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam. Các hoạt động phần lễ và phần hội được tổ chức trong 5 ngày, từ 21 - 25.4 (tức từ mùng 6 - 10.3 năm Mậu Tuất).
Thời gian tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đền Thượng từ 6h30 ngày 25.4 (tức ngày mùng 10.3 năm Mậu Tuất). Các địa phương nơi có Đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cùng thời gian với tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động trong Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại TP.Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng với nhiều hoạt động như: Rước kiệu; trưng bày hiện vật khảo cổ học về thời đại Hùng Vương; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, múa rối nước, liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày...
TP.Việt Trì sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, bắn pháo hoa tầm thấp cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú khác.
Ông Bùi Minh Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - phát biểu trong Hội nghị tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018.
Theo ông Hà Kế San - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo tổ chức thành công Lễ hội Đền Hùng an toàn, tiết kiệm, là lễ hội mẫu mực của cả nước. Khu di tích lịch sử Đền Hùng cần khẩn trương hoàn thiện các công trình xây dựng trong khuôn viên, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ; bổ sung biển, bảng và phân công cán bộ trực, hướng dẫn giao thông cho đồng bào và du khách; sắp xếp lại hàng quán hợp lý và quản lý chặt chẽ giá cả...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Châu yêu cầu Ban tổ chức cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tránh những hành vi phản cảm tại lễ hội. Về công tác tổ chức Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng cần có ít nhất 8 đội tham gia, đảm bảo hội thi diễn ra khách quan, công bằng, tạo không khí phấn khởi cho các đội tham gia. Về lễ hội dân gian đường phố Việt Trì, cần mở rộng sự tham gia của các địa phương trong tỉnh, nhằm tái hiện các trò diễn xướng, nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền, địa phương. Chương trình nghệ thuật cần đổi mới cách thể hiện để thu hút khán giả. Các lực lượng tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn ứ tại các nút giao thông.
Để làm được 2 chiếc bánh chưng này, cần 30 đầu bếp, hàng trăm chiếc lá dong và phải nấu liên tục 2 ngày đêm.