Phó Vụ trưởng Vụ ATGT lý giải sự cần thiết của đèn vàng

Xung quanh những tranh cãi về mức phạt lỗi đèn vàng và đề xuất bỏ đèn vàng, PV đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT).

Phó Vụ trưởng Vụ ATGT lý giải sự cần thiết của đèn vàng - 1

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Ảnh: VTV)

Thời gian qua, sau khi Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực từ 1.8, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định về lỗi vượt đèn vàng vàng, mức phạt lỗi tín hiệu đèn vàng ngang với lỗi tín hiệu đèn đỏ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng đèn vàng.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), một trong những người tham gia soạn thảo Nghị định 46.

Đèn vàng có tác dụng gì thưa ông?

Ông Hoàng Thế Tùng: Luật quy định, "tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".

Như vậy, khi các phương tiện đang di chuyển ở tuyến đường có tín hiệu đèn xanh, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ tín hiệu xanh sang vàng sẽ có tác dụng cảnh báo cho những người chưa đi vào nút giao biết chuẩn bị có tín hiệu đèn đỏ để giảm tốc độ và phải dừng lại trước vạch dừng.

Khoảng thời gian tín hiệu đèn vàng sáng là khoảng thời gian cần thiết cho những phương tiện đã đi vào nút giao thoát ra khỏi nút giao trước khi các phương tiện ở hướng khác đi vào nút giao, nhằm tránh xung đột giao thông giữa các dòng xe và bảo đảm an toàn giao thông.

Đối với chiều đường đang có tín hiệu đèn đỏ, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ tín hiệu đỏ sang tín hiệu vàng sẽ có tác dụng thông báo cho những người đang dừng trước vạch dừng ở nút giao biết sắp có tín hiệu đèn xanh để chuẩn bị điều khiển phương tiện đi vào nút giao.

Nói như vậy, nhiều nút giao không có đèn vàng thì làm thế nào để tránh xung đột giao thông?

Về nguyên tắc thì tín hiệu đèn giao thông cần phải có đủ cả ba màu theo quy định của luật giao thông; nếu đèn bị hỏng thì các cơ quan được giao quản lý đèn cần phải khẩn trương khắc phục; trong quá trình chờ sửa chữa, có thể tạm thời bố trí lệch pha đèn giữa các chiều đi nhằm tránh xung đột giao thông và bảo đảm an toàn giao thông.

Ví dụ đường A giao với đường B, khi đường A chuyển từ đèn xanh sang đèn đỏ thì đường B phải từ 3-5 giây nữa mới chuyển từ đèn đỏ sang đèn xanh.

Phải có độ trễ nhất định để các phương tiện đã đi vào nút giao di chuyển thoát ra khoải nút giao trước khi phương tiện ở hướng khác đi vào nhằm tránh xung đột giao thông.

Phó Vụ trưởng Vụ ATGT lý giải sự cần thiết của đèn vàng - 2

Đèn vàng tạo ra độ trễ để các phương tiện đã đi qua vạch dừng thoát khỏi nút giao tránh xung đột với phương tiện ở hướng khác đi vào.

Có nghiên cứu nào về tác dụng của sử dụng đèn vàng chưa thưa ông?

Việc sử dụng đèn tín hiệu được quốc tế áp dụng từ lâu và càng ngày càng được ứng dụng thêm các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để nâng cao điều kiện cảnh báo cũng như tạo tính thuận lợi hơn cho người tham gia giao thông trong việc tuân thủ tín hiệu đèn nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, như bố trí đồng hồ đếm ngược, bổ sung các đèn báo phụ...

Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng đèn vàng, thậm chí bỏ cả đèn xanh chỉ để đèn đỏ, “đèn đỏ thì dừng, đèn tắt thì chạy”, theo ông, ý kiến này có phù hợp?

Về tác dụng của tín hiệu đèn vàng, tôi đã phân tích ở trên và cũng nói thêm, khi mật độ giao thông không cao, không buộc các phương tiện các hướng phải dừng, phải chờ thì đơn vị điều khiển đèn tín hiệu sẽ cho đèn vàng nhấp nháy để báo các phương tiện được đi qua nút giao chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát tránh va chạm, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Hiện nay không chỉ ở Việt Nam đang áp dụng mà nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng tín hiệu đèn vàng.

Ngoài ra, việc áp dụng 3 màu đèn tín hiệu xanh, vàng, đỏ cũng đã được quy định trong Công ước quốc tế về giao thông đường bộ và báo hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) mà Việt Nam vừa mới gia nhập.

Theo quy định “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”, vậy phương tiện “đã đi quá vạch dừng” được hiểu như thế nào?

“Đi quá” được hiểu là khi một bộ phận của phương tiện đã vượt qua vạch dừng thì đèn xanh mới chuyển sang đèn vàng.

Đối với trường hợp đã đi đến vạch dừng, tức là phương tiện đã đè lên vạch dừng mà đèn tín hiệu mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng thì không bị coi là vi phạm và không bị xử phạt. Trong trường hợp này người điều khiển phương tiện căn cứ vào điều kiện cụ thể, nếu dừng xe lại có thể bị các phương tiện phía sau đâm vào gây mất an toàn giao thông thì được đi tiếp.

Quy định hiện hành có mức phạt lỗi đèn đỏ ngang với lỗi đèn vàng, theo ông có phù hợp với thực tiễn?

Nghị định 46 và các nghị định trước đều chung một hành vi là “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Trong đó, hiệu lệnh của từng tín hiệu thì đã được quy định cụ thể trong Luật Giao thông và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Nếu để mức phạt đối với vi phạm tín hiệu đèn vàng và tín hiệu đèn đỏ chênh lệch nhau, vi phạm tín hiệu đèn vàng bị phạt nhẹ hơn tín hiệu đèn đỏ sẽ dễ tạo tâm lý vượt đèn vàng cho người tham gia giao thông.

Nguyên tắc người điều khiển phải giảm tốc độ khi tới nút giao nhưng vì vi phạm tín hiệu đèn vàng có mức phạt nhẹ nên người điều khiển phương tiện khi tới nút giao thường có xu hướng tăng tốc vì cùng lắm là bị phạt vi phạm tín hiệu đèn vàng.

Trường hợp này sẽ rất nguy hiểm bởi người điều khiển xe vi phạm tín hiệu đèn vàng có thể sẽ gây va chạm, tai nạn giao thông với các phương tiện ở chiều đường có tín hiệu đèn xanh đang di chuyển vào nút giao.

Xin cảm ơn ông!

Không có lỗi vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ

Trong hệ thống các văn bản pháp quy Việt Nam, không có khái niệm về “vượt đèn vàng” hay “vượt đèn đỏ” mà chỉ có hành vi vi phạm hành chính “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”, cụ thể ở đây là đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng.

Tại mục 9.3 của bản Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 29.5.2012 (đang có hiệu lực) quy định rất chi tiết về ý nghĩa của đèn vàng: “Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Dừng lại". Trường hợp phương tiện và người đi bộ đã vượt quá vạch sơn dừng lại, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nha”.

Vậy, việc người tham gia giao thông tiếp tục đi khi đèn vàng đã bật sáng (trước thời điểm người đó đến vạch dừng) là hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Quy định này là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành; và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác về giao thông đường bộ.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN