Phát hiện quần thể voọc quý hiếm nhất hành tinh ở VN
Quần thể lớn thứ hai trên thế giới của loài voọc mông trắng mới được tìm thấy, mang lại hy vọng cho một trong số những loài quý hiếm nhất trên hành tinh.
Quần thể voọc mông trắng với khoảng 40 con được phát hiện ở rùng núi phía Bắc Việt Nam. Ảnh: FFI cung cấp.
Theo những thông tin về voọc mông trắng ở khu rừng một thời còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam, các nhà khoa học của Tổ chức FFI (Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoạng dã) đã tiến hành điều tra thực địa nhằm xác minh sự tồn tại của loài này trong khu vực rừng phía Bắc Việt Nam.
Cố vấn kỹ thuật về Đa dạng sinh học của FFI Việt Nam, ông Trịnh Đình Hoàng, cho biết: “Cuộc điều tra của chúng tôi đã ghi nhận một quần thể có số lượng đáng kể. Chúng tôi ghi nhận 7 đàn với tổng số 40 cá thể. Hiện nay chỉ có một khu vực khác có quần thể voọc mông trắng lớn hơn”
Voọc mông trắng là loài đặc hữu của Việt Nam. Do những hoạt động săn bắn, khai thác tài nguyên rừng của con người, loài này đang bị đe doạ tuyệt chủng với số lượng còn lại dưới 250 cá thể.
Theo ông Hoàng, đàn voọc vừa mới phát hiện có con non, chứng tỏ quần thể này có khả năng sinh sản, là cơ hội để phục hồi và phát triển, giải cứu loài này khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Giám đốc FFI Việt Nam - Tiến sỹ Benjamin Rawson cảnh báo rằng cần có những hành động khẩn cấp ngăn chặn những hoạt động tiêu cực như săn bắn và khai thác rừng, để bảo vệ loài linh trưởng quý giá này và môi trường sống của chúng.
Thông tin về Voọc mông trắng Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu, chỉ có phân bố tự nhiên ở Việt Nam, được Jean Théodore Delacour phát hiện năm 1903 và được Wilfred Hudson Osgood mô tả năm 1932. Đầu những năm 1990, một đợt điều tra rộng đã nghi nhận 19 quần thể với tổng số 50-57 đàn và 281-317 cá thể trong phạm vi khoảng 5.000 km2 ở miền Bắc Việt Nam. Các cuộc điều tra gần đây chỉ ra rằng loài này đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng quần thể và cá thế. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, tám đến chín tiểu quần thể đã bị diệt vong. Tổng số cá thể của loài trước cuộc điều tra này được ước lượng trong tài liệu của Nadler và Brockman (2014). |