Phần Lan “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa...
Học sinh Phần Lan giờ đây có thể tụ tập dọc hành lang hoặc lên mạng để thảo luận những chủ đề lớn, thay vì ngồi lì trong lớp nghe giảng, chép bài.
Gần đây, chính phủ Phần Lan, một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi “xóa sổ” các môn học toán, lý, hóa, lịch sử... truyền thống, thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn.
Theo sáng kiến này, những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại, thay vào đó, học sinh Phần Lan sẽ được mặc sức thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn, chẳng hạn như chủ đề về Liên minh châu Âu.
Trong những giờ học theo chủ đề này, học sinh sẽ không phải tập trung ngồi trong lớp học để nghe giảng mà có thể tụ tập bàn luận dọc hành lang hoặc lên mạng tìm hiểu, thu thập thông tin theo yêu cầu “học mà chơi, chơi mà học”.
Chẳng hạn như thay vì ngồi học môn lịch sử, giờ đây học sinh Phần Lan có thể tham dự lớp học tìm hiểu về Liên minh châu Âu với đầy đủ các kiến thức về lịch sử, xã hội và kinh tế, và thay vì học toán, học sinh sẽ được yêu cầu thực hiện các phép tính về thuế.
Ngoài ra, trường học cũng sẽ tổ chức các lớp theo chủ đề hướng nghiệp, chẳng hạn như rèn luyện kỹ năng toán học, ngoại ngữ, viết và giao tiếp cho học sinh khi thực hành điều hành một quán cà phê. Những kỹ năng này sẽ được nâng cao mức độ phức tạp tùy theo từng cấp học của học sinh.
Lý do để Phần Lan áp dụng sáng kiến này là họ muốn cho học sinh làm quen với những thách thức thực tế của môi trường làm việc trong “xã hội hiện đại”. Trong xã hội đó, giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa, mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.
Ông Pasi Silander, người phụ trách lĩnh vực phát triển của thủ đô Helsinki giải thích: “Điều chúng tôi cần hiện nay là một loại hình giáo dục khác để chuẩn bị cho các em tham gia môi trường làm việc”.
“Thanh niên bây giờ sử dụng các loại máy tính hiện đại. Trước đây các ngân hàng có rất nhiều nhân viên ngồi cộng các con số, nhưng giờ đây điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Bởi vậy chúng tôi cũng phải có những thay đổi nền giáo dục vốn rất cần thiết cho xã hội công nghiệp và hiện đại”, ông nói thêm.
Hiện những học sinh Phần Lan trên 16 tuổi đã không phải học các môn học cụ thể, bởi vậy người dân nước này có vẻ như đã sẵn sàng để thực hiện một cuộc cách mạng giáo dục chưa từng có.
Hệ thống giáo dục mới này của Phần Lan cũng có những thay đổi nhất định để khuyến khích hành vi giao tiếp và tương tác trong lớp học. Thay vì thụ động ngồi nghe và chép bài, giờ đây học sinh có thể được chia thành từng nhóm nhỏ, hợp tác với nhau để thực hiện các dự án chứ không còn phải một mình làm bài tập như trước đây.
Bà Marjo Kyllonen, người phụ trách cuộc “cách mạng giáo dục” này, tuyên bố: “Chúng ta cần phải có cách nghĩ khác về giáo dục và thiết kế lại hệ thống để chuẩn bị cho học sinh thích ứng với một tương lai nơi các kỹ năng là vô cùng cần thiết”.
Bà giải thích thêm: “Hiện có rất nhiều trường học vẫn áp dụng phương pháp giáo dục cũ có từ những năm 1900, nhưng nhu cầu nhân lực hiện nay đã khác, và chúng ta cần thứ gì đó phù hợp hơn cho thế kỷ 21”.
Mặc dù việc thực hiện cuộc “cách mạng” này không hề dễ dàng, nhưng đến nay khoảng 70% giáo viên trung học ở thủ đô Helsinki của Phần Lan đã được tập huấn thành công phương pháp mới, và chương trình này đang dần được áp dụng ra khắp toàn quốc.
Một quan chức giáo dục của Phần Lan nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn biến Phần Lan thành quốc gia đi đầu trong các giải pháp ‘học mà chơi, chơi mà học’ cho học sinh”.