Ông Đinh La Thăng vung tiền cho Thái Bình 2 thế nào?

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

Ông Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Công ty sông Hồng về làm tổng giám đốc, đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm phó TGĐ PVC và tạo mọi điều kiện cho đơn vị này làm trái!

Ngày 20-12, Cơ quan an ninh điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC.

Ông Đinh La Thăng vung tiền cho Thái Bình 2 thế nào? - 1

Ông Đinh La Thăng.

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái. Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị đề nghị truy tố thêm về tội tham ô tài sản.

Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Xuân Thanh là “bị can bị truy nã, đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn”.

Theo cơ quan điều tra, với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, tháng 12-2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc (TGĐ), sau là chủ tịch HĐQT... Kế đó, ông Thăng tiếp tục đưa bị can Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm phó TGĐ, sau đó là ủy viên HĐQT kiêm TGĐ PVC.

Ông Thăng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình dự án được PVN chỉ định cho PVC thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, tình trạng tài chính của PVC vẫn lâm vào khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện tại thời điểm 31-12-2009, toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không bảo đảm khả năng thanh toán.

Để tạo điều kiện cho PVC, tháng 1-2010, ông Đinh La Thăng ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN “tiếp tục được giao nhiệm vụ cho PVC... thực hiện xây lắp các dự án do PVN/đơn vị thành viên làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu” nhằm bố trí công việc, tạo nguồn vốn cho PVC.

Tháng 4-2010, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT PVN ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (sau gọi tắt là Thái Bình 2) vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu nhưng tháng 6-2010, ông Đinh La Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Theo cơ quan điều tra, qua giám định kết luận PVC không đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện gói thầu EPC dự án. Việc lựa chọn PVC là nhà thầu EPC không tuân thủ Nghị định 85 của Chính phủ về quy trình chỉ định thầu; việc ký kết hợp đồng giữa PVPower và PVC khi chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu là trái quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tháng 3-2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Thái Bình 2. Mặc dù chưa có các hạng mục công việc để thi công nhưng theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, cựu Phó TGĐ Nguyễn Mạnh Tiến đã ký công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD. Do không có vốn nên Chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I/2011, để có tiền tạm ứng cho PVC. Do thủ tục cấp vốn bổ sung cần nhiều thời gian, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC. Ông Thăng sau đó đã ký quyết định thành lập Ban Quản lý dự án.

Sau đó, Trưởng ban quản lý dự án, bị can Vũ Hồng Chương, ký tờ trình đề nghị PVN cấp vốn cho Ban Quản lý dự án, số tiền là 148 tỉ đồng và 9,55 triệu USD. Bị can Ninh Văn Quỳnh (cựu trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN) đã ký công văn gửi bị can Nguyễn Xuân Sơn (phó TGĐ PVN) đề nghị, Sơn sau đó đã ký quyết định tạm cấp vốn đầu tư cho Ban Quản lý dự án số tiền nói trên.

Ngày 27-4-2011, Ban quản lý dự án có văn bản gửi bị can Phùng Đình Thực (TGĐ PVN) đề nghị PVN cho phép tạm ứng cho PVC số tiền hơn 7,2 triệu USD. Bị can Ninh Văn Quỳnh khi được phân công xử lý văn bản này đã biết việc tạm ứng cho PVC là không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn ký văn bản đề xuất gửi bị can Nguyễn Xuân Sơn...

Ngày 13-5-2011, PVC tiếp tục có công văn gửi PVN, Ban Quản lý dự án đề nghị tạm ứng số tiền hơn 65 triệu USD. Mặc dù Ban Quản lý dự án không có đề xuất PVN tạm ứng cho PVC nhưng do ông Đinh La Thăng đã gặp riêng bị can Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh tại phòng làm việc, chỉ đạo phải đẩy nhanh việc tạm ứng cho PVC nên Nguyễn Xuân Sơn đã chỉ đạo Ninh Văn Quỳnh phải đề xuất, giải quyết theo hướng đáp ứng đề nghị của PVC.

Nguyễn Xuân Sơn sau đó đã ký quyết định cấp vốn cho Ban Quản lý dự án 6,6 triệu USD (tương đương 6% giá trị hợp đồng) và tạm ứng trước cho PVC số tiền 500 tỉ đồng để thực hiện hợp đồng EPC dự án Thái Bình 2.

Kế đó, ngày 8-6-2011, Ban Quản lý dự án tiếp tục có tờ trình gửi PVN, đề nghị cấp cho Ban quản lý số tiền hơn 1.346 tỉ đồng để tạm ứng cho PVC, vì điều khoản tạm ứng đã được điều chỉnh là 10% giá trị hợp đồng...

Theo kết luận điều tra, từ ngày 28-4-2011 đến 12-7-2011, PVN đã chuyển cho Ban Quản lý dự án tổng số tiền hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng (tổng cộng tương đương 72 triệu USD) để Ban quản lý tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng. Việc tạm ứng số tiền nói trên là trái quy định và không có cơ sở xác định khi chưa có căn cứ cụ thể xác định chính thức tổng mức đầu tư, từ đó xác định số tiền tạm ứng.

Kết luận điều tra nhận định vụ án xảy ra tại PVN và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, thậm chí còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút, chiếm đoạt tiền nhà nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cần được xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngày 24-10-2007, Bộ Công Thương có Quyết định số 1274 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình 2, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Thủ tướng Chính phủ giao PVN làm đầu mối đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (sau gọi tắt là Thái Bình 2) và xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung của Trung tâm Điện lực Thái Bình.

PVN đã tính toán quy đổi tổng mức đầu tư dự án Thái Bình 2 về mặt bằng giá năm 2006 là hơn 18.495 tỉ đồng, sau đó đề xuất và được Thủ tướng đồng ý giao cho HĐQT PVN phê duyệt dự án đầu tư theo mặt bằng giá tại thời điểm phê duyệt.

HĐQT PVN phê duyệt dự án đầu tư do PVPower thuộc PVN làm chủ đầu tư.

Ngày 28-2-2011, PVPower và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC đã ký hợp đồng liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Thái Bình 2.

Kết luận điều tra cho rằng quá trình triển khai, thực hiện dự án, các bị can đã cố ý làm trái nhiều quy định của pháp luật trong việc chọn nhà thầu, ký hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng theo hợp đồng EPC...

Ông Đinh La Thăng không nhờ nhắn gì về gia đình

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho ông Đinh La Thăng đã có buổi tiếp xúc với thân chủ vào chiều qua (21.12).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp Luật TPHCM)
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN