Nóng 24 giờ qua: Đã chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2018
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết Mậu Tuất 2018; bão có thể xuất hiện đúng dịp Tết Nguyên đán 2018; Chỉ định luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh… là những tin tức nổi bật nhất 24 giờ qua.
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết Mậu Tuất 2018
Ngày 15/12, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về nghỉ lễ, tết năm 2018 của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, nghỉ Tết Âm lịch từ thứ Tư, ngày 14/2/2018 (ngày 29 tháng Chạp) đến hết thứ Ba, ngày 20/2/2018 (ngày 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2018 là 7 ngày.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên. Lưu ý bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Bão có thể xuất hiện đúng dịp Tết Nguyên đán 2018
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2018 là 7 ngàytừ thứ Tư, ngày 14/2/2018 (ngày 29 tháng Chạp) đến hết thứ Ba, ngày 20/2/2018 (ngày 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất).
Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2018 vẫn có thể xuất hiện bão.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong khoảng thời gian này, Biển Đông vẫn có khả năng xuất hiện những cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng đến thời tiết nước ta.
Cụ thể, Trung tâm nhận định, trong nửa cuối tháng 12/2017 và tháng 1-2/2018, bão hoặc áp thấp nhiệt đới vẫn có khả năng hoạt động trên khu vực phía nam Biển Đông.
Nguyên nhân của việc này là do thời tiết đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Nina. La Nina nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong tháng 12/2017 và các tháng đầu năm 2018 với xác suất khoảng 65-75%. Hệ quả nó gây ra là mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn.
Chỉ định luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh
Ngày 15/12, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã cấp giấy chứng nhận cho luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanhtrong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản", xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Chỉ định luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Ảnh NLĐ.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan điều tra khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự vào tháng 9-2016. Tuy nhiên, trước thời điểm bị khởi tố, ông Thanh đã bỏ trốn, sau đó đến ngày 31-7-2017, bị can này ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định giai đoạn 2007-2013, người đứng đầu PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Dưới thời ông Thanh, PVC đã dành 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và "mắc cạn" trong nợ nần.
Tài xế tháo dải phân cách cầu Thanh Trì để trốn CSGT
Sự việc xảy ra khoảng 10h ngày 15/12 tại cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Thời điểm này, làn đường dành cho ô tô bị ùn ứ, các xe đi theo hướng trung tâm Hà Nội đi quốc lộ 5 di chuyển chậm. Để thoát nhanh khỏi dòng xe ùn tắc, nhiều tài xế đã lái ô tô đi vào làn đường xe máy.
Tài xế tháo dải phân cách trên cầu Thanh Trì.
Tuy nhiên, lo sợ bị cảnh sát giao thông xử phạt, một số lái xe đã dừng xe, tháo dỡ những ống sắt ở dải phân cách để cho xe lách qua sang làn đường ô tô. Việc làm này đã gây ùn ứ dài ở làn đường xe máy.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho biết, đã nhận được tin báo về vụ việc và sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các tài xế vi phạm.
Theo Nghị định 46/2016, nếu tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, tường bảo vệ, mốc chỉ giới; cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Với hành vi đi sai làn, các tài xế có thể bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.
Trong thời gian người dân đang nghỉ, vui chơi Tết Nguyên đán 2018, bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể vẫn xuất hiện.