Nỗi khổ của người đàn ông phải… ngủ ngồi
Người đàn ông ấy đã ngủ ngồi hơn 3 năm nay. Không biết bao lần thức giấc giữa chừng vì giật mình, nhưng ông không thể nằm ngủ như người bình thường được.
Chứng kiến hiện tượng quá đỗi khác thường ấy, những người dân địa phương ban đầu còn thấy kinh ngạc. Song lâu dần, họ cũng quen với việc gọi ông bằng biệt danh: “Người đàn ông ngủ ngồi”.
Ngủ ngồi một ngày chỉ hơn 1 tiếng
Hơn 51 tuổi, đã hơn 3 năm phải ngồi ngủ trên bàn, nhưng ông Lê Thế Đại (51 tuổi, thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cũng đành bất lực chịu đựng chứng bệnh kỳ lạ phát sinh với mình. Theo những người thân trong gia đình ông Đại kể lại, hiện tượng này có thể là hậu quả của 7 năm ông điều trị căn bệnh suy thận quái ác nhưng không khỏi. Đến giờ, thận của ông đã teo lại, mất hẳn khả năng hoạt động. Bởi vậy mỗi khi nằm xuống giường, nước dịch lại tràn ra ngoài màng phổi, khiến ông Đại không thở được. Để tránh cảm giác khó chịu, ròng rã hơn ba năm qua, ông chỉ còn cách ngủ ngồi trên bàn.
Tâm sự cùng người viết, ông Đại xót xa kể lại: “Mọi chuyện xảy đến với tôi bắt đầu từ năm 2003. Hôm đó, đang ngồi đan giỏ tre để bán, tôi chợt thấy đau tức bên hông dữ dội”. Thấy hiện tượng như vậy, người thân hốt hoảng đưa ông đến bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Do diễn biến bệnh quá nặng, ông Đại tiếp tục được chuyển ra bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Đại đã bị suy thận nặng. Để duy trì sự sống, ông phải ở lại để điều trị thường xuyên, thời gian kéo dài đến hơn 7 năm. “Quãng thời gian dài đằng đẵng ấy đã lấy đi toàn bộ sinh lực của tôi. Từ một người trụ cột lăn lộn kiếm miếng cơm cho cả gia đình, giờ tôi trở thành gánh nặng. Hơn 7 năm, tôi hết nằm ngủ ghế đá lại lăn lóc ở nhà vệ sinh, hành lang bệnh viện để tiết kiệm tiền. Thương chồng, vợ tôi phải bỏ lại các con nhỏ bơ vơ cho ông bà chăm sóc để ra Đà Nẵng nhặt ve chai, bán vé số, rửa bát đĩa thuê. Việc gì nặng nhọc, cô ấy cũng làm, không quản ngại mong chắt bóp từng đồng cho tôi chạy thận”, ông Đại bùi ngùi kể lại.
Hơn 3 năm qua, anh Đại phải ngủ ngồi để không cho nước dịch tràn màng phổi. Ảnh: L.G
Nhưng bao nỗ lực của người vợ hiền cũng chỉ giúp ông Đại duy trì được việc chữa trị đến năm 2009. Thời điểm đó, khi nghe bác sĩ kết luận thận đã hoàn toàn teo lại và phải lọc máu duy trì sự sống, ông Đại đành tự xin chuyển lại bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho thuận tiện chăm sóc, đồng thời tiết kiệm tiền viện phí. Suốt từ lúc ấy đến giờ, bà Ngô Thị Tư (46 tuổi, vợ ông Đại - PV) phải lóc cóc đạp xe đưa chồng đến bệnh viện mỗi tháng hai lần lọc máu và xin uống thuốc. Ông Đại bảo: “Nhiều lúc thấy vợ vất vả quá, tôi lại cố đạp xe đến bệnh viện xin thuốc một mình. Nhưng mỗi lần như thế, suốt cả chặng đường đi cơ thể lại đau đến vã mồ hôi”.
Bệnh tật tàn phá suốt thời gian dài, khiến ông Đại từ một người đàn ông to khỏe, nặng hơn 60kg trở nên gầy yếu, xông xao chỉ còn vỏn vẹn 42kg. Mỗi ngày, dù cố lắm, ông cũng chỉ ăn được nửa bát cơm và uống nước lọc cầm hơi. Tự nâng cánh tay phải đen đúa không cảm giác, ông Đại chỉ cho chúng tôi thấy từng cục u gờn gợn vì những lần hóa trị, lọc máu. “Tôi có thận mà cũng như không, nó chết rồi. Tôi phải vào bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống. Bác sĩ đưa ống dẫn vào nhiều năm qua, giờ cánh tay nổi phồng đốp, u cục như cóc. Tôi càng không dám uống nước nhiều vì khi ấy người phồng ra, do thận không xử lí được, nước như ứ đọng, nổi cục khắp nơi, nước dịch tràn màng phổi khiến tôi không thở được. Hơn ba năm qua, tôi đành phải ngủ ngồi trên chiếc bàn ấy!”, vừa nói ông Đại vừa chỉ về góc nhà nơi ông thường ngủ “ngồi”.
Mỗi ngày 24 giờ nhưng ông Đại chỉ ngủ được hơn một giờ đồng hồ, còn lại ngồi ngóng giữa đêm trông chờ đến khi gà gáy sáng. Trải qua thời gian dài như thế, đôi mắt ông hõm sâu vào, mệt mỏi như người vô hồn. Nhiều lần vừa chợp mắt, ông lại té ngã lộn xuống đất khiến cả nhà hoảng hồn đỡ dậy rồi sấp ngửa đưa vào bệnh viện. Trên bàn ông Đại ngủ luôn có một chiếc máy đo huyết áp đã cũ do một đoàn công tác từ thiện nước ngoài tặng. Mỗi khi thấy người khó thở, chóng mặt, ông lại lấy ra đo, nếu vượt quá bình thường thì vào viện gấp để điều trị gấp.
Họa vô đơn chí
Nhà ông Đại chỉ có nửa sào ruộng, đất đai cằn cỗi, lúa trồng được một vụ nên không bao giờ đủ cho 5 miệng ăn. Khi ông Đại còn khỏe, làm nghề đan lát giỏ tre, ngày thường cũng được 30 cái, mỗi cái bán 2.000 đồng, lời cũng được 60.000 đồng mua cá mắm. Từ khi phát bệnh đến nay, mọi việc đều dồn lên vai bà Tư. Để có thể nuôi sống cả nhà, có tiền cho chồng lọc máu, mua thuốc uống đều mỗi tháng, cho ba đứa con gái được ăn học, bà Tư phải bươn chải đủ nghề. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Tư nom gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ, già nua hơn nhiều so với cái tuổi 46. Bà tâm sự như mếu: “Tôi đi làm thuê, ai gọi gì làm đấy. Trưa nào về sớm lại trông thủ đi lượm ve chai bán kiếm thêm tiền đong gạo. Vất vả, khổ cực mấy tôi cũng không sợ, mong sao ảnh sống cùng tôi với ba đứa con gái được thêm ngày nào mừng ngày đó”.
Công việc của bà Tư là trúng mùa đậu, mùa lúa thì đi hái gặt thuê, nhưng cũng chỉ được một thời gian vì tính chất thời vụ. Thời gian còn lại, chị đi lượm ve chai khắp nơi để bán. Tần tảo thế, nhưng mỗi ngày bà cũng chỉ kiếm được không quá 30.000 đồng. Nỗi vất vả phải một mình phải quán xuyến, chăm lo nuôi cả gia đình khiến bà gần như kiệt sức, nhiều lần ngất xỉu, hàng xóm phải đưa vào viện cấp cứu. Vợ chồng bà sinh được ba đứa con gái. Cháu đầu tên Lê Thị Thu Thủy chuẩn bị lên lớp 12, còn lại hai cháu gái sau tên Thuyền và Thiện học lớp 8 và lớp 6. “Nhiều lần, con gái đầu muốn nghỉ học để làm thêm giúp đỡ mẹ, lo cho gia đình nhưng tôi không cho. Có khổ cực mấy cũng khổ rồi, thiếu thì vay mượn, cầm cố mong sao các con học lấy cái chữ nghĩa cho bằng bạn bằng bè, sau này còn có việc làm tốt chứ như cha mẹ thì khổ cả đời rồi…”, bà Tư chia sẻ.