Những điều ít biết về ngày “diệt sâu bọ”
Quan niệm xưa cho rằng, bệnh tật của con người phát sinh từ hệ tiêu hóa, Tết Đoan Ngọ là dịp thuận lợi để diệt các loại vi khuẩn, giun, sán ký sinh…
Người dân nhiều vùng miền trên cả nước vẫn giữ phong tục mua rượu nếp, trái cây, cúng lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ
Ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) hay còn gọi ngày “diệt sâu bọ”, Tết Đoan Dương, Tết Trùng ngũ… là dịp quan trọng trong năm với người Việt. Người dân nhiều vùng miền trên cả nước vẫn giữ phong tục mua rượu nếp, trái cây, cúng lễ trong ngày này.
Tuy nhiên, vẫn nhiều người thắc mắc về ý nghĩa thực sự của ngày Tết Đoan Ngọ. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia HN).
Ngày “y dược toàn dân”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, Tết Đoan Ngọ là dịp quan trọng trong năm của người Việt. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian của một số nước Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ khoảng thời gian từ 11h trưa đến 13h chiều. Đoan Ngọ có thể hiểu là ngày mở đầu những ngày nóng nhất trong năm.
“Một số người cho rằng Tết Đoan Ngọ là ngày phát động diệt trừ sâu bọ, gây hại cho cây trồng. Nhưng cách hiểu đó chưa đúng. Theo y học phương Đông thì ngày này hỏa khí trong cơ thể con người và trời đất đều lên rất cao, thời điểm thuận lợi để “diệt sâu bọ” (các loại vi khuẩn, giun sán) trong cơ thể con người”, ông Vỹ nói.
Phong tục xưa kia, vào ngày Tết Đoan Ngọ, cha mẹ thường dẫn trẻ nhỏ đi hái lá cây có chứa tinh dầu thảo dược như lá bưởi, ngải cứu, tía tô, đinh năng… để treo lên người, đun nước tắm. Bởi nhiều người quan niệm ngày này dược tính của các loại lá sẽ đạt mức cao nhất.
“Tôi nghĩ ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt là lưu truyền ý thức tìm hiểu về cây thuốc, phòng và chữa bệnh. Vì vậy có thể coi ngày Tết Đoan Ngọ như ngày y dược toàn dân”, ông Vỹ nói.
Trước một số ý kiến về Tết Đoan Ngọ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng ngày này xuất phát từ đâu không quan trọng. Phong tục ngày Tết Đoan Ngọ phổ biến ở nhiều nước Đông Á, Việt Nam nằm trong số đó, chứng tỏ văn hoá của chúng ta hoà hợp chung với các nước trong khu vực.
Ý nghĩa món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ cho hay, theo phong tục vào ngày này mọi người thức dậy buổi sáng súc miệng sạch, rồi ăn một bát cơm rượu nếp để sâu bọ say, rượu nếp cái có tác dụng diệt trừ giun sán. Sau đó ăn tiếp một số loại trái cây như vải, đào, mận… để sâu bọ chết.
Theo TS Trần Thị Tuyết Mai, ĐH Văn hoá Hà Nội, món ăn trong Tết Đoan Ngọ mỗi vùng miền lại có điểm khác nhau. Ngày này, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cơm, gồm những đồ nguội cúng tổ tiên.
Người miền Bắc thường ăn rượu nếp cái, quả mận, vải vào buổi sáng. Ở một số vùng của miền Trung, người ta có thể cắt một vài lát chanh mỏng, cho vào đường để bớt chua. Họ quan niệm rằng, sâu bọ trong người sẽ chết khi ăn trái cây chua vào buổi sáng.
Người dân vùng nông thôn miền Nam thường làm bánh tro, nấu chè trôi nước và xôi gấc. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Bánh tro theo quan niệm xưa hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người, giải nhiệt cơ thể.
Món thịt vịt là món đặc trưng ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, thịt vịt có tính hàn, chất mát, ngọt có tác dụng làm chuyển động phong huyết. Ngày Tết Đoan Ngọ, khí trời nóng nực, nên người ta dùng thịt vịt để ăn hạ nhiệt.