Nhà đầu tư BOT: "Nếu là dân, tôi cũng bức xúc vì trạm BOT dày đặc"
Các dự án BOT được dựng lên dày đặc khiến ngay cả nhà đầu tư BOT cũng phải bức xúc.
Các dự án BOT được dựng lên dày đặc khiến ngay cả nhà đầu tư BOT cũng phải bức xúc.
Theo thống kê của Bộ GTVT trong giai đoạn 2011 – 2015, nguồn vốn huy động từ tư nhân để đầu tư hạ tầng giao thông là hơn 186 nghìn tỉ đồng. Từ số vốn này đã triển khai 58 dự án đường bộ theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).
Đến nay đã có 26 dự án đưa vào khai thác, chưa kể 18 dự án được khởi công trước năm 2011 cũng được đưa vào sử dụng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111 nghìn tỉ đồng.
Bên cạnh lợi ích cải thiện hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian đi lại những dự án từ “phong trào làm đường BOT” trong thời gian qua cũng khiến người dân cảm thấy ngột ngạt vì mật độ và mức thu phí.
Dù là nhà đầu tư dự án BOT đường bộ, nhưng ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tasco cũng phải thừa nhận các trạm BOT bố trí dày đặc như hiện nay đã gây bức xúc.
Ông Dũng cho hay: “Nếu là người dân, doanh nghiệp vận tải thì tôi cũng bức xúc. Điều này cần xem lại việc đầu tư dự án BOT cả quốc lộ dày đặc. Bởi việc đồng loạt khiến người dân không còn sự lựa chọn nào cả, ngả nào đi vào cũng dính trạm BOT, đến tôi cũng bức xúc”.
Theo nhà đầu tư BOT này Nhà nước nên có sự điều chỉnh. Cụ thể là phải quy hoạch chỗ nào đầu tư đường mới, chỗ nào quốc lộ cũ hiện hữu nhà nước không có tiền đầu tư thì kêu gọi xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng: “Các trạm thu phí được bố trí quá gần nhau, manh mún làm cho phí đường đắt hơn phí xăng dầu. Cái này anh em thành viên hiệp hội kêu mãi rồi”.
Ông Thanh dẫn ra một loạt những bất hợp lý về vị trí của các trạm thu phí để dẫn chứng. Như trạm thu phí QL5 cũ hiện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã hoàn thành nhưng vẫn phải duy trì để hỗ trợ vốn GPMB cho nhà đầu tư hay Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài bao năm qua thu phí của những người không đi qua đường tránh TP Vĩnh Yên. Sắp tới đây trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia cũng sẽ lặp lại hiện tượng trên.
Chính lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định việc triển khai đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ theo hình thức hợp đồng BOT cũng khiến các phương tiện ô tô đang được sử dụng đường bộ miễn phí không còn sự lựa chọn.
Ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá: “Có thể nói quy định pháp luật chưa lường hết tác động đến các đối tượng ảnh hưởng. Việc xây dựng quy hoạch trạm thu phí hiện chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn”.
Hiện Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư về quy trình nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại, đảm bảo tính minh bạch.
Đồng ý với đề xuất trên, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng trong giai đoạn tới các dự án BOT khi triển khai phải xin ý kiến rộng rãi của nhân dân để người dân thấy dự án có cần thiết không, để công khai minh bạch mức thu phí, thời gian thu phí.
Bà Vũ Thị Mai đề nghị: “Cần công khai minh bạch việc đầu tư dự án ngay từ đầu để tạo được sự đồng thuận, tránh để đến khi hoàn thành dự án rồi người dân mới biết mức phí, trạm thu phí đặt ở đâu gây bức xúc như hiện nay”.
Hiện trên các tuyến quốc lộ đang có 88 trạm thu phí, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Trên các tuyến đường cao tốc có 13 hệ thống thu phí trên các tuyến đường cao tốc. Về khoảng cách giữa các trạm thu phí, có đến 20 trạm trên các quốc lộ có khoảng cách dưới 60km, trong khi theo quy định các trạm thu phí phải nằm cách nhau ít nhất 70km. |