Người đàn bà 13 năm đi hốt xác khâm liệm
Bất cứ ở đâu trên địa bàn Hà Tĩnh có người chết do tai nạn giao thông, nhảy cầu, treo cổ, hay những bào thai bị bỏ rơi… là bà đều có mặt để làm cái việc “rợn gai ốc”, hốt xác, tắm rửa, khâm liệm cho người xấu số.
Đó là bà Lê Thị Hương, sinh 1959, trú tại số nhà 02, ngõ 4, đường Nguyễn Biểu, phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh.
Công việc "đặc biệt"
Chúng tôi tìm gặp người phụ nữ "gan thép" mà nhiều người không khỏi ớn lạnh khi nói về việc làm của bà tại một quán nước nhỏ ở đường Hải Thượng Lãn Ông đối diện cổng Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Vừa gặp, người phụ nữ trạc tuổi đã hỏi vội "có người thân mất phải không, ở đâu…". Phải thuyết phục mãi, bà mới chịu trải lòng về công việc “khác người” của mình.
Năm 1999, có một cô gái bị người tình giết thả trôi ở sông Cụt (TP. Hà Tĩnh), tò mò nên bà cùng nhiều người dân đi xem. Đến nơi, nhìn thấy xác chết nổi giữa sông và cứ trôi xa dần mà không ai giám xuống vớt…
"Lúc đó tự nhiên như ai xui, tôi bất ngờ nhảy xuống bơi ra kéo cái xác lên mà không biết sợ hãi gì cả. Mọi người ai cũng sững sờ nhìn mà khiếp luôn" - bà Hương kể. Cũng từ đó, bà bén duyên với "nghề" này luôn. Hễ có ai chết đuối, chết tai nạn... cần khâm liệm là người ta gọi đến bà.
Có lần bà Hương khâm liệm nhiều thi thể nhất là vụ sập mỏ đá Rú Mốc ở xã Thạch Lĩnh, huyện Thạch Hà tháng 12/2007 có 6 người chết.
"Lần đó phải làm liên tục từ 22h đến 5h sáng ngày hôm sau mới xong. Thức trắng đêm, trời thì mưa lạnh nên về ốm mấy ngày" - bà Hương nhớ lại.
Bà Hương, người đã thâm niên 13 năm đi hốt xác, khâm liệm
Rồi vụ chiếc xe khách bị cuốn trôi trong trận lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2010 trên sông La đoạn qua huyện Nghi Xuân bà cũng tham gia.
Bà Hương cũng cho biết thêm, nhiều đêm trời mưa gió, đang ngủ say sưa bỗng có tiếng điện thoại reo gọi bà đi khâm liệm cho người chết, nếu chỉ vì tiền bà sẽ không đi. Nhưng vì lương tâm thôi thúc nên bà đành vùng dậy cầm xe máy, mặc áo mưa một mình chạy giữa màn đêm.
“Làm để tích đức"
Theo bà Hương, làm bất cứ việc gì cũng phải có cái tâm, nhất là công việc của bà lại càng phải thật sự nghiêm túc, cẩn thận, "nếu không sẽ có tội với vong hồn người đã chết".
Nhiều năm trước đây, khi nhà ai có người chết tìm đến nhờ khâm liệm, xong việc họ nghĩ đến trả cho bao nhiêu cũng được, không có thì thôi, xem như làm phúc, tích đức cho con cháu.
Nhưng mấy năm gần đây, con cái học hành, cuộc sống khó khăn nên bà phải lấy tiền công rõ ràng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bà cũng cầm tiền của người ta được.
“Xác định đi làm là nhiều ít chi cũng phải có tiền công. Nhưng gặp những gia đình quá khó khăn, người ta trả tiền nhưng tui không đành lòng nhận. Nói họ dành số tiền đó mà thêm vô cho việc tang lễ, khi nào có điều kiện ra nhà trả sẽ nhận sau” - bà Hương tâm sự.
Năm 2008, khi khâm liệm cho một phụ nữ ở xã Cẩm Quang bị tai nạn giao thông mà trong người có 14 triệu đồng và 2 chỉ vàng, bà đã trả lại cho người nhà ngay. Còn số tiền vài triệu, mấy trăm ngàn là phổ biến nhất bà cũng trả lại hết.
Chia sẻ về công việc "khác người" của mình, bà Hương cho biết, ban đầu chồng, con, người thân, bạn bè khuyên đừng có làm cái công việc “ghê rợn” đó, nhưng sau khi nghe bà phân tích, đó là việc làm để tích thêm phúc đức nên sau đó họ cũng hiểu và ủng hộ.
Với bà, công việc của mình bà không có cảm giác sợ hãi.
"Bởi xác chết chỉ là trạng thái ngừng hoạt động của con người mà thôi. Mà mình lại làm phúc. Chỉ có làm những gì khuất tất, trái với đạo lý thì mới đáng sợ" - bà tâm sự.