Ngày đầu tăng mức phạt vi phạm giao thông, nhiều người ngơ ngác
Ngày 1/8, nhiều người dân Thủ đô tỏ ra bất ngờ, chưa biết về quy định tăng mức hình phạt vi phạm giao thông khi bị CSGT dừng xe, lập biên bản xử phạt.
Nhiều người chưa biết về quy định tăng mức phạt vi phạm giao thông từ 1/8.
Bắt đầu từ sáng nay (1/8), Phòng CSGT Công an Hà Nội ra quân thực hiện quy định theo Nghị định 46, tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hình vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171, 107.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người dân Thủ đô khi bị CSGT dừng xe, lập biên bản xử phạt vi phạm giao thông đã tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy mức phạt tăng.
Bị dừng xe tại ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo, anh Dương Đình Thế (sinh năm 1987, Hoàn Kiếm, Hà Nội) không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy điện, phương tiện không đăng ký, cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi nghe CSGT nói mức phạt người đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH tăng từ hôm nay, nhưng tôi thấy nghị định mới rất hợp lý, mang tính răn đe, người dân sẽ chấp hành tốt hơn khi tham gia giao thông”.
Anh Trần Dũng (ở Ba Đình, Hà Nội) khi bị dừng xe vì lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm, cũng tỏ ra bất ngờ, anh cho biết: "Tôi không biết gì về quy định tăng mức xử phạt nhưng tôi cũng đồng tình với quy định này".
Đại úy Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng đội 1 CSGT Hà Nội cho biết: “Hoạt động tham gia giao thông là nhu cầu tất yếu của người dân Thủ đô. Nghị định 46 có hiệu lực kể từ ngày hôm nay thay thế Nghị định 171, 107, tăng mức hình phạt nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đảm bảo an toang giao thông”.
Đối tượng, hành vi vi phạm tập trung xử lý: Người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy vi phạm các quy định của pháp luật về mũ bảo hiểm, tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, các đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo... kể cả trong giờ cao điểm sáng và chiều.
Nhiều người khi bị cảnh sát dừng xe lập biên bản, tỏ ra rất bất ngờ khi bị tăng mức hình phạt.
Anh Dương Đình Thế (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ với mức tăng phạt nhưng anh cũng đồng tình với Nghị định 46 dù vừa mới biết.
Các tổ tuần tra, chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xử phạt nhiều trường hợp xe đạp điện, mô tô chưa đăng ký biển số, thiếu mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nhiều trường hợp đỗ sai quy định, vượt đèn vàng cũng bị cảnh sát giao thông dừng phương tiện, lập biên bản xử phạt.
Với các chủ phương tiện cũ vi phạm luật giao thông trước ngày 1/8 vẫn áp dụng mức xử phạt theo khung cũ.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong buổi sáng ra quân xử lý vi phạm tại ngã tư Quang Trung - Trần Hưng Đạo, rất nhiều trường hợp xe đạp điện, xe điện bị xử phạt
Nghị định 46 được ban hành, tăng mức phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông. Trong đó nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.
Những thay đổi cần chú ý trong Nghị định 46 Người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Tài xế ôtô vi phạm, mức phạt 2 triệu đồng so với Nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Người điều khiển ô tô vi phạm về nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (so với mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người điều khiển môtô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tối đa 4 triệu đồng (so với 3 triệu đồng trước đó), đồng thời tài xế bị tước GPLX 5 tháng (mức cũ 2 tháng). Người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng nhưng sẽ bị tước GPLX đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/h có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng. Người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt đến 6 triệu đồng... Nghị định 46 cũng đưa nhiều quy định mới vào khung phạt. Cụ thể, hành vi ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ bị đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức. Ngoài ra, Nghị định 46 quy định cũng quy định, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng. Kể từ 1/1/2017, người điểu khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, bị phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này. |
Hơn 500 người mắc lỗi đội mũ bảo hiểm bị phạt theo nghị định mới Trong ngày đầu tổng kiểm tra, xử lý với người vi phạm về mũ bảo hiểm, CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 500 trường hợp vi phạm theo nghị định 46 vừa có hiệu lực. Theo đó, Phòng CSGT Hà Nội đã tổng kiểm tra, xử lý 566 trường hợp, tạm giữ 24 phương tiện và 122 bộ giấy tờ liên quan. Trong đó vi phạm về dừng, đỗ sai quy định 47 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 519 trường hợp. Theo quy định ở Nghị định 46, với lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai quy định người vi phạm sẽ bị xử lý từ 100.000 -200.000, mức phạt lỗi này không thay đổi so với quy định cũ. Xuân Lực |