Năm Đinh Dậu, xin chữ gì để gặp may mắn?
Nhà thư pháp cho rằng chữ Hán – Nôm hay chữ quốc ngữ cũng chỉ là ngôn ngữ truyền đạt thông tin, nó không đem lại “phép màu” để người ta có thể cầu cúng.
Xin chữ đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt (ảnh: Dương Thanh)
Hình ảnh “câu đối đỏ” từ lâu đã trở thành một phần trong Tết truyền thống của người Việt. Mùng 3 đi Tết thầy, xin chữ đầu năm là việc quan trọng của nhiều gia đình xưa.
Sau thời gian bị lãng quên, gần đây phong tục này được tái hiện một phần thông qua những phố “ông đồ” ở Văn Miếu (Hà Nội) hay ở hội hoa xuân TP. HCM. Tuy nhiên, đến phố “ông đồ” nhiều người vẫn băn khoăn không biết mình nên xin chữ gì trong năm mới.
Đầu năm xin chữ “tự nhắc mình”
Nhà thư pháp Lê Trung Kiên, CLB Thư pháp Nhân Mỹ học đường Hà Nội cho rằng mọi người không nên quan niệm đi xin chữ về nhà để cầu may, tài lộc trong năm mới.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt vấn đề năm nay, năm sau hay năm sau nữa đi xin chữ gì để cầu may mắn, tài lộc hay thăng tiến. Chữ Hán – Nôm hay chữ quốc ngữ cũng chỉ là ngôn ngữ để truyền đạt thông tin. Người viết đẹp thì nâng chữ lên thành nghệ thuật thư pháp”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, thời phong kiến, chữ Hán – Nôm là công cụ truyền bá tư tưởng Nho giáo, để vua quan trị quốc, người học tự rèn mình. Tục xin chữ đầu năm thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, nét đẹp trong văn hóa Việt.
“Thầy cho trò chữ để mong trò tự rèn luyện bản thân. Bạn bè tặng chữ để chúc nhau, để làm kỷ niệm. Con cháu xin chữ chúc ông bà, bố mẹ khỏe mạnh. Đó mới là đẹp.
Muốn cầu đỗ đạt, thủ khoa, công thành danh toại phải dựa vào sự cố gắng của bản thân mỗi người, không phải xin chữ về treo mà thành”, ông Kiên nói.
Nhà thư pháp cho rằng mọi người có thể đi xin chữ để tự nhắc nhở bản thân kiên trì, bền chí, nhẫn lại. Xin chữ để cầu lợi bản thân, sẽ chẳng đem lại điều gì.
“Ai muốn có tiền bạc, mua may bán đắt tốt nhất đừng đi xin chữ để cầu. Tôi xin nói luôn đó mê tín. Chữ viết thế nào cũng không đem lại phép màu giúp con người đổi vận được”, ông Kiên nói.
Năm Dậu tặng chữ “thanh phong”, “kiên định”
Theo nhà thư pháp, họa sĩ Kiều Quốc Khánh hiện nay, người dân đến phố “ông đồ” giống như một hội xuân, “mua chữ” đẹp để thưởng thức nghệ thuật thư pháp hay đơn giản như một món đồ kỷ niệm. Sắc đỏ của giấy tượng trưng cho sự tươi sáng, rực rỡ, mùi giấy mực mới góp phần tăng hương vị trong ngày Tết.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh
“Xưa kia, người cho chữ là các ông đồ học cao, hiểu rộng hoặc người đỗ đạt khoa bảng cáo lão hồi hương. Người đi xin chữ với mong muốn thông qua chữ, xin được cái “khước” – sự may mắn, tài giỏi của ông đồ đem về, chứ không phải cầu may từ con chữ”, ông Khánh giải thích.
Ông Khánh cho rằng việc xin chữ ngày nay dù không mang nhiều ý nghĩa như trước kia nhưng người viết cũng không được dễ dãi tùy tiện. Chữ viết phải đảm bảo tính thẩm mỹ, hiểu được nghĩa để giảng giải chữ cặn kẽ.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh cho biết, dịp cuối năm, ông thường nhìn lại chuyển biến của xã hội, bản thân và gia đình để đêm giao thừa khai bút tặng mọi người.
“Người ta thường bảo con gà có bới mới có ăn, năm Dậu có thể sẽ có một vài thách thức. Tôi viết cho mình hai chữ “kiên định”, nhắc bản thân vượt qua những khó khăn, nắm bắt cơ hội. Tôi muốn tặng mọi người hai chữ “thanh phong” với mong muốn, năm mới sẽ có luồng sinh khí mới, tươi mát hơn”.