Mùa bão, ngư dân kể chuyện đụng "thủy quái biển"
Trước khi cơn khi cơn bão Thần Sét tiến vào Vịnh Bắc Bộ, tàu cá của ngư dân Đào Văn Huân kịp cập bến chở theo con cá mặt trăng nặng gần 1 tấn lên bờ. Mùa bão, ngư dân vùng biển này đánh được cá khủng không phải hiếm gặp.
Con cá mặt trăng nặng gần 1 tấn mà anh Huân đưa vào bờ trước khi bão Thần sét đổ bộ. Ảnh: TL
Tàu cá của ngư dân Đào Văn Huân (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đưa con cá mặt trăng nặng gần 1 tấn cập cảng trước khi bão Thần sét đổ bộ ít ngày.
Theo lời ngư dân Huân kể lại, con cá mặt trăng khủng này vô tình vướng vào lưới, các thuyền viên trên tàu đã dùng máy tời để đưa cá lên tàu và cho xuống khoang tàu ướp lạnh. Trong chuyến đi trước bão ấy, ngoài cá mặt trăng “khủng” trên, tàu anh Huân cũng đã đánh bắt được một con cá mặt trăng khác có trọng lượng khoảng hơn 200kg. Tuy nhiên, sau khi đưa lên thuyền, phát hiện con cá còn sống nên các thuyền viên đã thả lại về biển.
Anh Huân còn cho biết, khoảng nửa tháng trước, có tới 4 con cá mặt trăng có trọng lượng trên 1 tấn sa lưới đánh cá của anh. Sau khi cập cảng, anh Huân đã liên lạc với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để hiến tặng cả 4 con cá trên để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.
Ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu bảo rằng, mùa bão đi biển gặp cá lớn như cơm bữa, không chỉ cá mặt trăng mà còn nhiều loại cá mà họ gọi là “thủy quái biển” như cá voi, thậm chí cá mập. Những lần gặp “thủy quái biển” thiệt hại kinh tế không phải ít.
“Tiền dầu chạy ra, chạy vào một vòng Vịnh Bắc Bộ rất tốn kém, đưa cá về hoặc chôn, hoặc đưa cho nhà khoa học, ít khi người ta mua cá to về ăn. Gặp cá to là lỗ. Tuy nhiên, đối với người đi biển, gặp “thủy quái biển”, đặc biệt là cá voi thì chúng tôi coi đó là điềm lành”, anh Vũ Ngọc Diên ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nói.
Anh Diên 47 tuổi đời, theo cha đi biển từ thuở 13 và chuyện gặp “thủy quái biển” quá nhiều đến mức không thể nhớ hết: “Có lần, anh em đang lơ mơ ngủ thì bất ngờ thuyền chúi hẳn xuống. Tôi giật mình trộm nghĩ lưới vướng phải vật gì rồi. Nhưng rồi thuyền lại im lìm. Được một lúc, thuyền nghiêng hẳn một bên. Quái lạ! Chỗ này đã nhiều lần đi qua, có thấy vấn đề gì đâu? Bỗng có tiếng hớt hải “Cá! Cá to! Hình như là cá mặt trăng dính lưới”. Lúc đầu anh em nghĩ cá voi. Nhưng rồi không phải, cá voi phải ngoi lên thở, chứ đây quần nhau cả giờ đồng hồ chẳng thấy nó ngoi lên”.
Cần trục của thuyền không tời nổi con cá lên vì nặng, đành chỉ để thuyền tha chạy lòng vòng mấy tiếng đồng hồ, để đến khi cá không thể vùng vẫy gì nữa, mọi người mới xúm lại kéo lên thuyền. Tất cả giật mình nhìn nhau: Cá mập! Đó là con cá mập nặng 800kg và có chiều dài 5m. Sau khi tời cá lên boong thì cũng lúc trời sáng. Thuyền quay đầu chạy một mạch đến 4h chiều mới vào bờ. Xẩm chiều, con cá được kéo vào bờ với sự hiếu kỳ của hàng trăm người.
Tuy nhiên anh Diên thở dài: “Gặp cá mập như gặp hạn. Chúng tôi mang tiếng đánh được cá to, nhưng không ai mua thịt loại cá to như thế này cả. Hôm đánh được cá mập phải quay về trước dự kiến thành ra chuyến đi thất bại. Tiền bán cá không đủ tiền dầu. Lúc về đến đất liền, theo đúng tục lệ của người đi biển, bắt được cá to phải mời thầy cúng đến làm lễ tạ ơn trời biển. Thế là lại mất thêm một khoản tiền nữa”.
Ngư dân Vũ Ngọc Diên đánh được cá mập nặng khoảng 800 kg. Ảnh: H.Phương
Theo kinh nghiệm đi biển của anh Diên, mùa bão là mùa ngư dân thường đánh được “thủy quái biển”. Quả vậy, ngược thời gian, những câu chuyện xưa mà ngư dân truyền khẩu lại đến ngày nay cho thấy nhận định của anh Diên rất đúng.
Ông Kính ngư dân biển Bãi Ngang năm nay 73 tuổi, hơn nửa thế kỷ sống với nghề đi biển ở Bãi Ngang cho hay về loài cá mà người dân nơi đây lập đền thờ.
“Chúng tôi thấy tận mắt những con cá voi to gấp đôi cái thuyền, nổi lên thở phì phò tạo nên những cột nước cao bằng nóc nhà. Những lúc ấy, ngược với việc bắt gặp những “thủy quái” khác chúng tôi tin rằng chuyến đi của mình nhất định thắng lợi”, ông Kính kể.
Cá voi được người dân nơi đây rất kính trọng và lập đền thờ. Người ta gọi cá voi với cái tên tôn kính: cá Ông. Vừa rồi, người dân đã phải đào mương, dùng đòn bẩy để giải cứu một chú cá voi mắc cạn. Cũng có trường hợp, cá voi chết dạt vào, người dân đào mộ chôn cất, thờ cúng chu đáo.
Ở Bãi Ngang không biết có bao nhiêu ngôi mộ cá voi mà đếm, nhưng có một ngôi mộ lớn nhất nhìn ra biển và nằm dựa lưng vào một ngọn núi đá đâm ra biển. Một địa thế tuy nhìn ra biển khơi rộng lớn nhưng lại không bằng phẳng bởi núi đá lởm chởm. Những câu chuyện về cá voi, về huyệt mộ loài cá “khủng” của đại dương này luôn gắn liền với những lần bão đến, mưa gió mịt mùng.