Mệt mỏi vì nhà hai số, phố hai tên

Nhà hai số, phố hai tên là tình trạng đang tồn tại ở TP Hà Nội. Tình trạng này đã và đang khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi đi đến các tuyến phố đó. Đến bao giờ người dân Thủ đô mới thoát cảnh “bốc hỏa” khi rơi vào “ma trận” loạn số nhà, tên phố?

Mệt mỏi vì nhà hai số, phố hai tên - 1

Một phố hai tên gọi. Ảnh: H.P

Một nhà gắn hai số, một số gắn… hai nhà

Ngõ 192 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân dài hơn 1km. Con ngõ này đông dân cư như bao con phố ở Thủ đô. Có lẽ sẽ không có gì đặc biệt khi những căn nhà ở tuyến phố này cũng được đánh số chẵn lẻ cho hai bên để người dân dễ tìm nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những con số này thì người tìm sẽ rơi vào một ma trận khó hiểu bởi một số căn nhà được gắn tới 2 biển mang 2 địa chỉ của hai ngõ khác nhau của 2 tuyến phố khác nhau. Anh Phạm Thắng ở 192 Lê Trọng Tấn lý giải: “Trước đây các gia đình trong phố đã được đánh số nhà, tuy nhiên sau đó có sự thay đổi. Không ít gia đình đã sử dụng số nhà này vào các giấy tờ của gia đình hay của cá nhân như sổ hộ khẩu. Sau đó, số nhà được đánh lại, số hộ này ngại làm lại giấy tờ nên mới xảy ra tình trạng nhà hai số”.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nhà hai số là do dù đã được cơ quan chức năng đánh số nhà nhưng chủ nhà vẫn gắn thêm một số mới cho “hợp phong thủy”. Theo số chủ nhân của các căn nhà sở hữu hai số do được gắn thêm thì những con số phong thủy mang may mắn đến cho gia đình. Thậm chí cũng vì “phong thủy” nên nhiều số nhà được cho là đẹp lại được… nhiều chủ dùng chung. Tại quận Thanh Xuân, đường Tố Hữu có tới vài khu đất kinh doanh có chung địa chỉ 66, 88. Việc hai khu đất riêng biệt có chung địa chỉ lại lọt thỏm vào những dãy số nhà lạ hoắc không theo trật tự đánh số từ những nhà bên cạnh đã nói lên sự tùy tiện trong việc đánh số nhà ở đây. Cũng trên con đường này không khó để nhận thấy sự lộn xộn trong việc đánh số nhà, từ số 1 nhảy cóc qua một nhà không đánh số lên thẳng nhà số 9 và nơi đây hiện là một quán cà phê. Chưa dừng lại đó, tiếp tục từ số nhà 11 “nhảy” lên số nhà 15, tiếp theo có hai số nhà 42.

Theo chân anh Nguyễn Mạnh Hà, nhân viên cửa hàng bán quần áo thể thao trên phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy đi giao hàng cho khách, chúng tôi mới thấm sự khốn khổ khi gặp tình trạng số nhà được đánh một cách tùy tiện ở Thủ đô. Anh Hà ngán ngẩm: “Nhiều trường hợp oái oăm, một ngôi nhà cùng lúc có tới hai địa chỉ, hay số nhà lẻ nằm cạnh số nhà chẵn, nhiều lúc tôi phải gọi điện cho khách hàng để xác nhận hay nhờ khách chỉ đường toát mồ hôi mới tìm được nhà”. Việc biển số nhà lộn xộn không chỉ gây bất tiện cho sinh hoạt mà còn gây ra nhiều rắc rối trong công việc. Anh Hà cho biết, đã có nhiều đơn hàng không thể đến tay người nhận do không tìm được địa chỉ chính xác.

Những con đường mang tên… “kéo dài”

Cạnh việc phải đối diện với “ma trận” số nhà, người dân Thủ đô còn gặp khó không ít khi di chuyển tới các con phố có thêm đuôi… “kéo dài”. Khi đến các phố này, chỉ cần quên mất đuôi “kéo dài” hoặc nhớ nhầm thành phố có đuôi “kéo dài” là đã ăn đủ. Cái tên “kéo dài” được người dân tự đặt cho những tuyến đường mới mở mà cơ quan chức năng chưa kịp đặt tên, người ta lấy luôn tên đường nối với nó gắn thêm đuôi “kéo dài” vào. Ở Thủ đô Hà Nội không khó để điểm danh các con đường có tên cùng “đuôi” này. Nào là Lê Đức Thọ kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Xã Đàn kéo dài, Kim Liên kéo dài (hay có tên khác là Kim Liên mới), đường 5 kéo dài... Chính vì sự “nhanh nhảu” của người dân, hoặc sự chậm trễ của cơ quan chức năng khi chưa đặt tên cho các tuyến phố mới là nguyên nhân xuất hiện các con phố có tên cùng đuôi nêu trên. Hàng loạt địa chỉ có đuôi kéo dài xuất hiện sau đó để tiện cho việc giao dịch, buôn bán. Và khi tuyến đường chính thức được đặt tên mới đúng quy định thì trên các phố này vẫn tồn tại tên cũ. Từ đây, xuất hiện tình cảnh một phố hai tên, một nhà hai địa chỉ khác nhau.

Con đường Tố Hữu nối thẳng từ ngã tư Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến trước đây có tên là là Lê Văn Lương kéo dài. Với cái tên “kéo dài” này, các hộ dân bê luôn vào để gắn biển, in địa chỉ, hóa đơn… Sau này, khi UBND TP Hà Nội chính thức đặt tên đường mới thì không ít chủ nhà vẫn giữ nguyên thông tin về địa chỉ cũ vì… sự đã rồi. Sự bất nhất dễ nhìn ra ngay ở đầu đường Tố Hữu (phía ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến) khi Văn phòng Công chứng Thanh Xuân vẫn ghi địa chỉ 12 Lê Văn Lương kéo dài. Như để giải thích việc thiếu sự thống nhất đó, ở biển số nhà ngay sau biển cắm mang tên “phố Tố Hữu”, ghi với chú thích “12 Lê Văn Lương kéo dài (cũ)”. Trường hợp này cũng diễn ra ở đường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, dù đã được thay tên mới từ lâu nhưng nhiều nhà vẫn ghi tên cũ là phố Xã Đàn hay Xã Đàn Mới. Có những bảng hiệu sử dụng cả 2 tên. Khi được hỏi, nhiều người dân ở phố Ô Chợ Dừa cũng lúng túng không biết tên chính thức của con phố mình đang sinh sống là gì cho đến khi biển phố được cắm. Tuy nhiên, sau khi có tên phố chính thức không phải ai cũng sửa lại địa chỉ nhà mình.

TS.KTS Lê Đình Tri, Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng, cho rằng, nguyên nhân, tình trạng biển số nhà bát nháo là do thiếu sự kiểm soát từ phía chính quyền. Đúng ra trong một đô thị hiện đại văn minh thì việc đặt số nhà phải hợp lý khoa học, nhưng hiện nay do tình trạng không theo các quy định đó hoặc chưa được chấn chỉnh theo quy định đó nên đã gây ảnh hưởng đến việc định vị không gian của công tác quy hoạch đô thị và tính văn minh hiện đại.

Sẽ hết loạn số nhà?

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy chế gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng. Theo đó, đối với một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn. Còn nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà. Những tuyến giao thông chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), UBND quận, huyện, thị xã căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên toàn tuyến giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đó. Các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, phố cũ đã có số nhà sử dụng ổn định nếu phù hợp với các nguyên tắc quy định tại quy chế này được giữ nguyên số nhà cũ. Thời gian đánh số, gắn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận số nhà theo yêu cầu là 30 ngày, kể từ ngày người yêu cầu nộp tờ kê khai đăng ký nhà và đánh số, gắn biển hợp lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN