Bò tót Việt Nam: Những cuộc "ngoại tình" sinh lợi

Chưa rõ do đi lạc hay vì bị sa thải sau cuộc giao tranh thống lĩnh bầy đàn mà một con bò tót đực lực lưỡng đã bỏ rừng già về sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình.

Chúng oanh tạc vô số nàng bò nhà và sản sinh hàng chục con lai F1 - báu vật để các nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gien đại gia súc.

Bò tót xuống núi

Đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng nhiều người vẫn nhớ như in cái ngày con thú rừng đen trũi, to gấp 3 con bò nhà (độ tuổi trưởng thành) đột nhiên xuất hiện và bình thản gặm cỏ non trên ngọn đồi khá trống trải giáp với những rẫy bắp, rẫy khoai của các hộ đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận).

Dẫn chúng tôi đến tận nơi lần đầu tiên con vật khổng lồ xuất hiện, anh Nguyễn Văn Chuẩn (44 tuổi) kể: Đó là một buổi chiều gần cuối năm 2009, con thú hoang rời cánh rừng ở Tiểu khu 20 Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình, tạt ngang đám chuối rồi tụt xuống đồi cỏ này.

Một số người hiếu kỳ rủ nhau đi xem nhưng chỉ dám đứng xa xa. Tuy vậy vẫn nhìn rõ cặp sừng to, cong vút, mút sừng nhọn hoắt vươn ra phía trước, bốn chân từ khuỷu trở xuống màu trắng ngà.

Bò tót Việt Nam: Những cuộc "ngoại tình" sinh lợi - 1

Bò tót nhập bầy với bò nhà

Từng khối cơ nổi lên trông thật oách, nhất là sóng cơ gồ lên trên sống lưng. Người thì áng chừng con bò cao 1,7 - 1,8m, thân dài hơn 2m, nặng chừng 8 tạ, kẻ ước dễ phải đến 1 tấn.

Người cho rằng đó là trâu rừng, kẻ lại bảo phải là bò hoang mới đúng. Cho đến khi cán bộ kiểm lâm nhận dạng đích thị là bò tót. Dường như ngửi thấy hơi người, bò tót lủi vào rừng mất dạng. 

Các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa vừa đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục cho triển khai đề tài nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng nhằm lai tạo và chọn lọc bò lai bò tót tại vùng rừng giáp ranh giữa ba tỉnh để bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen đại gia súc.

Những lần sau bò tót mò xuống các rẫy khoai, rẫy bắp ở lưng chừng núi để kiếm ăn, giẫm đạp, phá phách. Cán bộ và dân địa phương cùng hiệp lực đuổi bò về lại rừng, nhưng càng đuổi bò càng hung hăng ngông cuồng hơn. Những khi bị đuổi sát, bò tót quay lại mài sừng, ủi đất, phồng mũi, trợn mắt, dạng chân đe dọa. Nông dân phải bỏ hoang những đám rẫy lưng chừng núi vì sợ không kịp tháo chạy nếu bò tót tấn công.

Có lẽ ngày càng dạn hơi người nên dần dà bò tót xộc thẳng xuống các đám rẫy ven sông Cái. Hàng chục ha hoa màu của hơn 30 hộ dân bị giày xéo xác xơ, nhiều chòi canh rẫy bị húc đổ. Giờ đây, người dân chỉ lên rẫy ban ngày, đến khi mặt trời sắp khuất núi thì vội vã trở về nhà chứ không dám ở lại chòi canh rẫy như trước.

Người và bò đực cùng di tản

“Cuối năm 2010, hay tin bò tót lại xuống núi và lần này đã thâm nhập vào đàn bò nhà đang gặm cỏ dưới chân núi, tui vội vã chạy tới xem sao vì mấy chục con bò của gia đình cũng vừa được lùa ra khu vực này. Đến nơi thì hỡi ôi con bò đực đầu đàn cột ngoài bãi bị bò tót xốc cặp sừng nhọn hoắt vô nách, nhấc bổng lên rồi húc và quăng quật đến lủng bụng, lủng háng, gãy luôn chân trước. Con bò dùng làm giống giá hàng chục triệu đành phải mang ra xẻ thịt” - anh Chuẩn hồi tưởng.

Bò tót Việt Nam: Những cuộc "ngoại tình" sinh lợi - 2

2 con màu đen là bò lai giữa bò tót và bò nhà

Em Pinăng Biếp (10 tuổi) bị bò tót móc lòi ruột khi đang chăn bò, anh Thành bị bò rượt đuổi và quật vô mặt, còn Pinăng Kít bị bò đạp tróc da đầu khi dùng điện thoại chụp ảnh.

“Bò tót tách khỏi đàn thường rất hung dữ đúng như ông bà mình từng nói. Có hôm gây án xong nó nhởn nhơ xuống sông uống nước rồi nằm ngủ ngay tại rẫy chứ không thèm lên núi” - anh Nguyễn Thành Tích nói rồi than đã bị thiệt hại nặng từ những cuộc xuống núi ngày càng thường xuyên hơn của gã bò tót.

Vì muốn độc quyền cặp bầy, ve vãn, giao phối với các nàng bò cái trong thôn nên bò tót tấn công bất cứ con bò đực nào mà nó chợt nhìn thấy. 3 con bò đực to lớn dùng làm giống và kéo xe của gia đình anh Tích đã bị bò tót húc và quật đến lòi ruột, bể đầu, gãy chân nên phải lần lượt giết thịt.

Mỗi khi thấy bò tót xuất hiện, các chú bò đực lai Sind đều cong đuôi bỏ chạy nhưng đến nay đã có 7 con ngã gục trước những đòn hiểm của gã bò hoang này. “Từ đó, mỗi khi nghe tin bò tót xuất hiện là người dân dắt bò đực gởi sang bên kia sông” - anh Chuẩn nói.

Bất ngờ đàn con lai

Hung hăng, dữ tợn với bò đực là thế nhưng gã bò tót lại rất thân thiện với bò cái và bê con. Sáng sớm gã thường xuyên xuống núi bám theo các nàng bò nhà, đến chiều lại biến vào rừng. Mấy cô bò nhà cũng không xa cách, thậm chí vui vẻ gặm cỏ và chấp thuận giao phối cùng gã mãnh thú khổng lồ ấy trên cánh đồng.

Chỉ có điều sau những cuộc chiến không cân sức này, bò cái mệt rũ, nằm liệt, chóng thì 3-4 ngày, còn chậm thì vài ba tháng mới hồi phục, thậm chí có con quỵluôn phải mang ra giết thịt.

Nhiều người cho biết gã bò tót này tinh nhạy và si tình lắm. Bò cái nào động dục là gã bám riết ngay, thậm chí theo về tận chuồng vào ban đêm, quên cả chuyện về lại rừng khiến gia chủ bạt vía kinh hồn.

Ít nhất 4 lần người dân thấy bò tót bơi qua sông Cái vào ban đêm, leo lên bờ cỏ sát đường lớn thuộc khu dân cư. Từ đó, bò cái nào động dục thì gia chủ đưa ra bìa rừng chứ không dám nhốt trong thôn, sợ mang họa vì có thể bò tót sẽ mò đến tận chuồng, quần thảo suốt đêm.

Bò cái của gia đình anh Chuẩn là con đầu tiên giao phối với bò tót. Sau vụ đó, bò cái phải nằm chuồng; tiêm thuốc suốt 3 tháng mới lại nờm. Bò đực bị húc chết, còn bò cái phải nằm chuồng khiến anh Chuẩn bức xúc kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết con bò tót.

Thế nhưng, sau đó chính anh là người được hưởng lộc nhiều nhất từ mãnh thú si tình này. Đàn bò của gia đình anh lần lượt sinh những con bê lạ. Cộng với số bò mua của các hộ đồng bào Raglai, anh Chuẩn sở hữu tới 9 con nghi là bò tót lai. Chammale Hóa và 2 người khác trong thôn có 4 con bò tương tự.

Giữa bầy bò mẹ và những con bê cùng lứa lông vàng hoe thì các chú bê này có lông màu hung, xám hoặc nâu. Càng lớn, lông càng sẫm dần, dày và cứng như lông bò tót. Chúng không có u vai mà sở hữu đường gờ lông thô dày.

Vóc dáng cũng vượt trội so với bê nhà: Sau 2 - 3 năm nuôi dưỡng, trọng lượng bò lai đã lên đến 2,5-3 tạ, gần gấp đôi so với bò nhà cùng độ tuổi. Do mang trong mình dòng máu hoang dã nên tuy được người dân nuôi dưỡng từ nhỏ nhưng bò lai vẫn rất nhát, ít chịu gần người như bò nhà.

Nhiều cơ quan khoa học vào cuộc

Sự xuất hiện của mười mấy con bò nghi lai bò tót này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu bởi không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới hiếm khi xuất hiện các đàn bò tót lai tự nhiên.

Ninh Thuận và Lâm Đồng đã đầu tư 2 tỷ đồng để các Sở KH&CN phối hợp với VQG Phước Bình thực hiện đề tài Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà. Sau hơn một năm nghiên cứu, kết quả giám định di truyền và nhiễm sắc thể cho thấy đàn bò F1 nói trên là những cá thể thực thụ lai giữa bò tót và bò nhà.

Trao đổi với phóng viên, các nhà khoa học phấn khởi vì công trình nghiên cứu bước đầu cho kết quả khả quan nhưng phàn nàn vì bị nông dân bắt chẹt, bán những con bò lai với giá cao gấp 3 bò thường.

“Riêng ông Chuẩn đã thu lợi trên trăm triệu đồng từ các thương vụ mua bán này!” - một cán bộ Sở KH&CN Lâm Đồng nói. Còn các tiểu thương và nông dân thì cho rằng việc ông bò tót xuống núi ban cho đàn bò lai là cơ hội ngàn năm có một nên phải tận dụng thu chút lộc. Nếu các nhà nghiên cứu không mua thì bán cho người khác hoặc để lại nhân giống cũng có lời.

Thông thường bò tót lân la về gần các nông trường, khu dân cư là bỏ mạng; tiêu biểu như các vụ săn bắt, ngộ sát bò tót ở huyện Đồng Phú (Bình Phước), huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế)... Trường hợp bò tót được yên ổn sinh sống bầy đàn với bò nhà rồi đẻ ra đàn con lai như ở Bác Ái (Ninh Thuận) là rất hi hữu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN