“Buýt nhanh nhanh hơn buýt thường 5 phút”
“Xe buýt nhanh sẽ nhanh hơn so với xe buýt thường từ 5-10 phút. Bởi vì, xe buýt nhanh có những đoạn đường riêng, toàn bộ lộ trình trên tuyến buýt nhanh tiếp cận hành khách ở nhà chờ trên tuyến”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nói.
Tuyến xe buýt nhanh sắp đưa vào vận hành, khai thác
Chiều 19/12, Sở GTVT Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tuyến buýt nhanh BRT (từ Kim Mã- bến xe Yên Nghĩa).
Buýt nhanh chậm gần 10 năm có còn phù hợp?
Tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội được phê duyệt vay vốn Ngân hàng Thế giới năm 2006. Dự kiến, dự án sẽ chính thức vận hành vào năm 2008. Nhưng thực tế, sau ngày 31/12 tới đây, xe buýt nhanh mới chính thức hoạt động. Như vậy, tuyến buýt nhanh trễ hẹn gần 10 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm xây dựng dự án (năm 2006), dân số và mật độ giao thông khác nhiều so với hiện nay. Vậy đến bây giờ tuyến buýt nhanh mới đi vào vận hành liệu có còn phù hợp, hiệu quả?
Liên quan đến nội dung này, bà Jung Eun Oh, Trưởng ban Giao thông (Ngân hàng Thế giới, đồng Giám đốc dự án) nói rằng, dù tuyến buýt nhanh bị chậm trong khoảng một thời gian dài nhưng với tuyến đường thường xảy ra ùn tắc thì việc phát triển buýt nhanh là cần thiết. Bởi vì, hệ thống buýt nhanh có thể giúp vận chuyển được nhiều người, hiệu quả cao.
“Tuyến buýt nhanh tuy có sự chậm trễ nhưng hiện nay nó là cách tiếp cận đúng đắn, bởi nó sẽ giúp cho người dân Hà Nội tiếp cận phương tiện giao thông công cộng tốt hơn trong tương lai”, bà Jung Eun Oh khẳng định.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội nói : “Xe buýt nhanh sẽ nhanh hơn so với xe buýt thường từ 5-10 phút. Bởi vì, xe buýt nhanh có những đoạn đường riêng.Toàn bộ lộ trình trên tuyến buýt nhanh tiếp cận hành khách ở nhà chờ trên tuyến. Lái xe cũng không mất nhiều thời gian ra vào bến”.
Theo ông Viện, thực tế cho thấy, hiện nay buýt nhanh phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Đây là dự án trong tương lai sẽ đem lại hiệu quả cao, nhất là tại các tuyến đường đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
“Phương tiện cá nhân đông thì chúng ta phải thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng. Chính vì thế, khi tuyến BRT đi vào hoạt động, tương lai lượng phương tiện cá nhân sẽ giảm đi. Khi đó phương tiện giao thông công cộng sẽ tiện ích hơn”, ông Viện nói thêm.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Lý do xe buýt nhanh chậm gần 10 năm
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án buýt nhanh tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa là dự án đầu tiên của Việt Nam. Dù ngân thế giới, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nhiều, tuy nhiên, do tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật của tuyến BRT chưa có nên gặp khó.
“Chúng tôi vừa làm vừa phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật BRT và trình qua các bộ ban ngành xin phê duyệt kỹ thuật. Như vậy, khi triển khai mất thêm nhiều thời gian. Thêm nữa, tuyến buýt nhanh có nhiều đoạn trùng với truyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Do đó, dự án buýt nhanh phải “nhường” tuyến đường sắt số 2 hoàn thành trước”, ông Viện nói.
Ông Viện cho biết thêm, trong tương lai Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhanh nữa, trong đó, 3 dự án trùng với các tuyến đường sắt đô thị. Theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, kinh phí để xây dựng buýt nhanh chỉ bằng 1/10 đường sắt trên cao, 1/20 tàu điện ngầm.
Bà Jung Eun Oh, Trưởng ban Giao thông (Ngân hàng Thế giới, đồng Giám đốc dự án) thông tin thêm, nguyên nhân khác khiến buýt nhanh bị chậm nữa là do tốc độ phát triển giao thông, phương tiện cá nhân ở Thủ đô Hà Nội quá nhanh so với thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Các cơ quan chức năng Hà Nội thay đổi quy định về hành lang dành cho buýt nhanh, do vậy, dự án này cũng phải làm lại quy hoạch, thiết kế cho đúng quy định của thành phố.