Lũ lịch sử trong 30 năm qua: Người Bình Định điêu đứng
Nhiều người dân ở Bình Định đang gồng mình với đợt lũ cao nhất trong vòng 30 năm qua, đã có hàng chục ngàn nhà dân bị ngập, nhiều khu vực bị chia cắt.
Nhiều khu vực ở huyện Hoài Ân chìm trong “biển nước”. Đây là đợt ngập năng nhất trong vòng 30 năm qua ở huyện Hoài Ân
Do mưa lớn kéo dài, đến chiều ngày 16.12, tỉnh Bình Định đã có 7 người chết và mất tích. Hàng chục ngàn nhà dân bị chìm trong lũ lịch sử.
Ông Hoàng Anh Dũng, Bí thư huyện ủy Hoài Ân cho biết, đến chiều nay toàn huyện bị ngập sâu trong lũ từ 3-4m. Tại các khu vực ở xã Ân Thạnh, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Hảo bị chia cắt hoàn toàn, nhiều nhà dân bị ngập tới mái ngói. Chỉ có thị trấn Tăng Bạt Hổ nước ngập từ 0,5-1m.
“Đây là đợt lũ lịch sử và lớn nhất trong vòng 30 năm qua. So với năm 1987, nước chỉ gây ngập một số khu vực trũng nhưng đợt lũ lần này gây ngập toàn huyện. Nhiều khu vực nhà dân nguy hiểm đã được huyện di dời đến nơi an toàn”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, do nước lũ ngập lịch sử nên lực lượng cứu hộ địa phương đang phối hợp lực lượng chức năng của tỉnh cùng nhiều ca nô đến các khu vực bị chia cắt trong nhiều ngày qua để cứu trợ cho dân.
Bí thư huyện ủy Hoài Ân cho biết, mưa lũ trong những ngày qua đã khiến 1 học sinh lớp 11 bị nước cuốn trôi tử vong, đã tìm thấy thi thể. Ngoài ra, còn có 1 trường hợp bị nước cuốn trôi ở thôn Du Tự (thị trấn Tăng Bạt Hổ) vào sáng 16.12, vẫn đang mất tích.
Về thông tin vỡ đập Vạn Hội (xã Ân Tín), khiến nhiều người dân hoang mang, ông Dũng cho biết đó là thông tin không chính xác. Hiện đập Vạn Hội vẫn an toàn. Các cửa xả của đập đã được kéo lên để nước chảy qua.
Toàn bộ huyện Hoài Ân bị chia cắt trong lũ. Nhiều khu vực khác của tỉnh Bình Định cũng bị chia cắt hoàn toàn.
Tại huyện Hoài Nhơn mưa lũ cũng đã làm nhiều nhà sập và tốc mái, hàng chục ngàn nhà dân bị ngập sâu. Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết do mưa lũ đã làm ông Nguyễn Văn Kỳ (xã Hoài Hải) bị nước cuốn trôi mất tích.
Còn tại huyện Phù Cát đã có 3 người chết, 2 người đã tìm thấy thi thể, hơn 4000 ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ. Lãnh đạo huyện trực tiếp xuống địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác cứu hộ. Tại huyện An Lão mưa lũ chia cắt và cô lập nhiều địa phương; đặc biệt sạt lở tại nhiều điểm trên các tuyến đường từ An Hòa lên An Toàn với khối lượng đất đá hơn 3.000 m3.
Người dân Bình Định đang gồng mình chống đợt lũ lần thứ 5 từ cuối tháng 11 đến nay
Phó Chủ tịch UBNPD huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang cho biết đợt lũ lịch sử đã này đã khiến một người dân tên Nguyễn Trinh Liêm (36 tuổi, ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) khi đi qua tràn Mỹ Cang bị nước cuốn trôi vào chiều 15.12 đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Theo ông Quang, đợt lũ này ngang bằng với lũ lớn năm 2013 nhưng nước ngập sâu hơn. Hiện toàn huyện đã ngập trong nước lũ.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định toàn tỉnh có gần 65 ngàn hộ dân bị ngập, gần 5 ngàn hộ gia đình phải di dời.
Trong 24 giờ tới khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Chiều và đêm nay (16/12) mực nước lũ vẫn còn duy trì ở mức BĐII - III và trên BĐIII.
Trước đó, trong đợt lũ cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa lũ đã làm 18 người dân bị thiệt mạng, hàng ngàn nhà bị chìm trong lũ. Thiệt hại ước tính hơn 1 ngàn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã gửi thư kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… ủng hộ người dân tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng do mưa lũ