Lễ hội chùa Hương: “Sẽ không còn cảnh vòi tiền khách”

Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 thừa nhận vẫn còn hiện tượng ép giá, vòi tiền đi đò của du khách.

Lễ hội chùa Hương: “Sẽ không còn cảnh vòi tiền khách” - 1

Mỗi năm khu di tích chùa Hương đón hàng triệu lượt khách

Chiều 3.1, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho hay, hiện tại kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội đã hoàn tất.

Trước vấn đề lái đò ép giá, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng gây bức xúc cho du khách từ nhiều năm nay, ông Hậu khẳng định sẽ xử nghiêm những trường hợp này trong mùa lễ hội 2017.

“Chúng tôi thừa nhận tình trạng xin lộc đầu xuân của khách đi xuồng đò là vẫn còn, thấy khách vui vẻ thì xin. Hiện tượng ép giá, ép khách, vòi xin tiền đi đò của du khách là vấn đề đã xử lý nhiều năm. Đến giờ vẫn còn nhưng rất ít. Tất cả các trường hợp ép khách, vòi tiền của du khách là phải loại bỏ”, ông Hậu nói.

Ông Hậu cho hay, số điện thoại của ông cũng là đường dây nóng để tiếp nhận các hiện tượng tiêu cực trong mùa lễ hội, được in trên tờ hướng dẫn phát cho du khách.

Trưởng BTC lễ hội chùa Hương 2017 cho biết biết điểm mới trong tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 là miễn phí vệ sinh đối với du khách. Trước đây, các nhà vệ sinh tại chùa Hương đều thu tiền. Năm nay từ nhà vệ sinh của dân, của ban tổ chức, của nhà chùa đều miễn phí với du khách.

“Miễn phí nhưng vẫn đảm bảo sạch sẽ. Nghe thì đơn giản nhưng chi phí cho một nhà vệ sinh ở trên núi là rất tốn kém, nước sạch ở trên núi giá 600.000 đ/m3 nước, còn phải thêm chi phí hoá chất, xử lý... nhưng chúng tôi quyết tâm miễn phí hết”, ông Hậu nói.

Bên cạnh đó, ban tổ chức lễ hội cũng yêu cầu tất cả xuồng đò đều phải có phao cứu sinh. Việc sử dụng xuồng máy cũng sẽ hạn chế, các cơ quan sử dụng xuồng máy như điện, y tế, phòng hộ rừng, công an, thanh tra khi sử dụng xuồng máy phải mặc trang phục của ngành để cho thấy đi làm việc

Về việc bày bán thực phẩm, thịt động vật gây phản cảm, ông Hậu khẳng định năm 2017 không còn quán bán thịt động vật hoang dã.

“Thịt lợn rừng, nhím, đà điểu thì cũng có, do các nơi nuôi đưa về. Khách hỏi thì chủ quán hay trả lời là đồ rừng xịn, nhưng thực chất đó là đồ nuôi”, ông Hậu cho hay.

Để đảm bảo an ninh trật tự cho du khách, huyện Mỹ Đức sẽ bố trí 200 công an làm nhiệm vụ tại chùa Hương trong suốt 3 tháng lễ hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN