Lạ lùng cụ ông chỉ thích ở trên… ngọn cây!
Phải mất hàng chục năm ròng rã, cụ Dương mới hoàn thành công trình tòa tháp bằng tre được kết chặt vào 4 cây gòn cao chót vót.
Nhiều người dân ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) và một số vùng lân cận đều biết đến cụ Dương Văn Dương (93 tuổi) bởi cụ đã tự tay làm nên công trình dựa trên mô hình “cửu trùng đài” cao hơn 20m trong vườn nhà để làm chỗ nghỉ ngơi, thư giãn.
Xuất phát từ nghề đan lợp
Cách nay không lâu, người dân ở khu vực ấp An Bình, xã Hòa An hết sức bất ngờ khi chứng kiến trong vườn nhà của cụ Dương xuất hiện một tòa tháp được làm toàn bằng tre. Tuy nhiên, mọi người chỉ biết đứng nhìn rồi thầm cảm phục sự kiên trì, nhẫn nại của ông cụ chứ chẳng ai dám leo lên tòa tháp này vì sợ nguy hiểm.
Theo lời kể của ông Dương Văn Tại (49 tuổi), gia đình có đến 10 anh, chị, em và ông Tại là con trai út của cụ Dương. Do đông con nên ngay từ thời còn trẻ, cụ Dương phải làm thuê với đủ các nghề nhưng gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Quá khốn khổ vì đàn con nheo nhóc, cụ Dương vào tận vùng sâu ở vùng Tứ giác Long Xuyên để khai khẩn 200 công đất hoang làm ruộng. Làm lụng vất vả chưa được bao lâu trên cánh đồng chua phèn thì chẳng may người vợ qua đời, cụ Dương phải một thân một mình trong cảnh “gà trống nuôi con”. Những năm sau đó, cụ Dương tình cờ quen biết rồi chấp nối với một phụ nữ quê ở tỉnh Bến Tre nhưng không sinh thêm người con nào. Thế rồi, người bạn đời của cụ Dương cũng khăn gói về lại quê hương. Từ đó, hễ mùa khô thì cụ đi làm ruộng và làm thuê với đủ các nghề từ xúc đất, cắt lúa, nhổ cỏ, đắp bờ ruộng… Đến mùa nước nổi thì cụ đi giăng lưới, đặt lợp bắt tôm cá… Khi nước cạn đồng thì cụ tìm bóng mát phía sau nhà ngồi đan lợp, đan ghế tre… để những người con lớn mang đi bán khắp nơi.
"Cửu trùng đài" của cụ Dương trước đây
Hơn 20 năm trước, cụ Dương có trồng 4 cây gòn trong vườn nhà để khi nó lớn lên sẽ cho bóng mát. Theo đó, cụ đặt 4 cây gòn này với khoảng cách rất đều để tạo nên 4 góc vuông. Khi các cây này cao được khoảng 2 m thì cụ Dương lấy tấm cao su buộc vào 4 thân cây để che mát. Việc mưu sinh của cụ cứ thế trôi qua cho đến khi các con ngày một lớn khôn rồi lập gia đình riêng. Những năm gần đây, do kinh tế gia đình khấm khá hơn nên cụ Dương có điều kiện đi tham quan du lịch ở một số nơi. Cũng nhờ những chuyến đi này mà cụ Dương mới nảy sinh ý tưởng xây tòa tháp toàn bằng tre trên 4 cây gòn theo mô hình “cửu trùng đài”. Hễ cây gòn cao tới đâu thì cụ dùng nhiều cây tre buộc chúng vào thân cây gòn theo lối chằng chéo để tạo thành căn nhà hình tháp. Cứ mỗi tầng, cụ lấy tấm đăng tre để ngăn và có chừa lỗ thông lên tầng trên. Mặc dù mục đích ban đầu là để che mát nhưng càng về sau, cụ Dương càng hứng thú với việc xây “cửu trùng đài”. Theo đó, cứ trung bình khoảng 2 năm là cụ Dương xây thêm được một tầng với chiều cao mỗi tầng khoảng 2m.
Quá công phu
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xoàng (vợ ông Tại) cho biết khi cha chồng xây “cửu trùng đài” đến tầng thứ 5 thì con cái trong gia đình đều phản đối vì thấy cụ đã lớn tuổi rồi nên sợ gặp nguy hiểm mỗi khi lên xuống. Tuy nhiên, cụ vẫn một mực làm theo ý tưởng của mình. Thấy không thể can ngăn và sợ cha buồn nên những người con không còn ai dám nói nữa. Để không làm phiền con cháu, cụ Dương cứ âm thầm lặng lẽ xây cất một mình cho đến khi cụ hoàn thành công trình với tầng thứ 9.
Nguyên vật liệu chính để cụ Dương làm nên “cửu trùng đài” này là những gốc tre già, dây bẹ... Khi cất lên tầng cao hơn thì cũng một mình cụ tự bê kéo từng cây tre lên cất, mặc dù chuyện chuyển cây lên cao rất khó và nguy hiểm. Cụ dùng dây thừng buộc một đầu cây tre, đầu còn lại buộc vào cục đá lớn. Sau đó, cụ luồn sợi dây qua cây tre đã buộc dính vào các cây gòn ở tầng dưới để thay cho hệ thống ròng rọc. Cụ đứng trên cao phăng sợi dây kéo cây tre khác lên một cách rất kỳ công. Còn những tấm đăng phân tầng như người ta xây nhà lầu thì cũng tự tay cụ tỉ mỉ ngồi vót và bện thành. Cứ thế mà năm này sang năm khác, cụ Dương đã làm nên tòa tháp cao chót vót trong sự ngỡ ngàng từ bà con lối xóm.
Bà Xoàng chỉ tay lên "cửu trùng đài" của cha chồng
Tuy nhiên, bà Xoàng cũng tỏ ra lo ngại vì tòa tháp do cụ Dương xây mỗi ngày cao hơn nên quá nguy hiểm. Bởi chỉ cần trận giông lớn là nhà sập, cây cối đè chết người. Chẳng may lúc ấy cụ Dương đang ở trên tòa tháp đó thì khó bảo toàn tính mạng. Thấy cụ cất xong rồi và hay leo lên đó nằm ngủ trưa, con cái sợ cụ té nên khuyên đừng làm nhà nữa. Vậy mà cụ vẫn cương quyết làm.
“Nhà có mấy bụi tre nhưng tối ngày cha cứ hì hục ra đốn sạch từ bụi này đến bụi khác để xây thêm. Đến mấy tấm thiếc để lợp nóc nhà mà cha cũng mang lên “cửu trùng đài”. Tôi nhớ lúc cha cất đến tầng thứ 2 thì ông anh thứ 6 ra dỡ bỏ nên bị ổng chửi quá trời. Từ đó về sau, ổng muốn làm sao thì làm, chứ con cái không dám phản ứng nữa. Cứ mỗi tầng như vậy là cha tôi đều giăng trên đó cái võng để nằm ngủ trưa. Do cha bị lãng tai nên mấy ông anh trong nhà có mua cái loa cầm tay để kêu cha xuống ăn cơm. Khổ cái là ổng chỉ chịu xuống khi nào cảm thấy quá đói bụng. Khoảng 8 tháng trước, chính quyền địa phương tới hỏi ổng cất nhà để làm gì vì người ta sợ ổng làm chuyện mê tín dị đoan gây hiếu kỳ. Sau khi nghe người nhà giải thích rằng cha tôi làm cho vui thì địa phương có khuyên dỡ bỏ đi nhưng ổng cũng đâu có chịu”- bà Xoàn cho hay.
Tòa tháp bất khả xâm phạm
Cũng theo người nhà của cụ Dương, sau khi công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì chỉ có mỗi cụ Dương mới đủ bản lĩnh để “chinh phục” tòa tháp này vì 2 lí do chính là mọi người sợ độ cao và trên đó có nhiều loại ong đang trú ngụ, nhất là ong lá trong các ống tre.
Trước đây, sau khi phát hiện tòa tháp này, một số thanh niên xin cụ Dương trèo lên tầng cao nhất để chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, khi vừa chạm tay vào tổ ong lá thì cả bầy ong bay ra chích túi bụi nên nhóm thanh niên hoảng sợ, tụt nhanh xuống đất. Ngay sau đó, cụ Dương mới cho nhóm người này biết là trong tòa tháp còn có nhiều bầy ong dữ khác. Ngay cả bản thân cụ Dương cũng từng suýt mất mạng vì bị cả bầy ong mật túa ra “đánh” trong lúc cụ dùng cưa tay để mé nhánh gòn. Rất may, do cụ nằm giả chết trên tấm đăng nên bầy ong không “đánh” nữa. Ngoài ra, do tòa tháp này được cất quá sơ sài mà lại quá cao nên khiến người trong nhà cũng như hàng xóm muốn trèo lên xem thử cũng đành “bó tay” vì sợ sập. Chính vì vậy, “cửu trùng đài” này trở nên bất khả xâm phạm vì chỉ mỗi mình cụ Dương mới dám sử dụng trong sự hiếu kỳ của nhiều người.
Cụ Dương tiếc nuối về "cửu trùng đài" của mình
Bà Xoàng cho biết cách nay hơn một năm, sau khi ông Tại chặt bỏ một số cây tạp xung quanh vườn nhà thì mọi người mới phát hiện ra “cửu trùng đài” của cụ Dương. Có một số người hay tin này đã đến tìm hiểu rồi mua bia mời cụ Dương uống để chụp ảnh chung cho vui. Tuy nhiên, sau đó cụ bị tiêu ra máu nên phải mất hàng tháng trời điều trị. Một lần khác, một vài người mang bia đến uống chúc mừng cụ đã khỏi bệnh nhưng không ngờ sau khi nhậu xong cụ bị tai biến nằm liệt giường cho đến nay. Trong mấy trận mưa lớn vừa qua, tòa tháp này đã bị hư hỏng nặng nên ông Tại phải cưa bỏ đọt gòn, tháo dỡ mái thiếc và một số tầng để tránh cây rớt xuống nguy hiểm.
“Hiện tại bây giờ cái “cửu trùng đài” của cha tôi đã hư gần hết rồi. Cha bị tai biến nằm một chỗ như vậy nên mỗi khi có ai nhắc tới cái công trình này là ổng cứ khóc vì tiếc. Tôi định sẽ khôi phục lại công trình của cha một cách chắc chắn hơn để làm chỗ nghỉ ngơi và trông coi vườn dừa phía sau nhà”- ông Tại cho biết.