Không có chuyện hầm chui Thanh Xuân bị nứt

Không có chuyện hầm chui Thanh Xuân hiện đại nhất Thủ đô bị nứt, đó là những khe co giãn giữa những đốt hầm.

Không có chuyện hầm chui Thanh Xuân bị nứt - 1

Không có chuyện hầm chui Thanh Xuân bị nứt

Ngày 20/4, trên một số trang thông tin điện tử có đăng tải bài viết “Hầm chui 551 tỷ đồng vừa khánh thành đã nứt” kèm theo một số hình ảnh tại tiểu dự án xây dựng hầm chui Thanh Xuân, Hà Nội. Để làm rõ vấn đề này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với đại diện Ban QLDA Thăng Long - đại diện chủ đầu tư dự án.

Ông Phạm Anh Tú, Giám đốc điều hành dự án cho biết, hầm chui Thanh Xuân được khánh thành ngày 8/1/2016. Sau khi đưa vào khai thác, hạng mục này còn tồn tại một số vấn đề cần phải xử lý để đảm bảo về mặt mỹ quan cho dự án tại các vị trí mối nối ván khuôn, khe nối giữa các đốt hầm.

Ngày 14/3/2016, Ban QLDA Thăng Long, tư vấn giám sát và nhà thầu đã tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ bề mặt bê tông hạng mục hầm kín, hầm hở và tường chắn của hầm chui.  “Sau khi thống nhất, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu tiến hành sửa chữa các hạng mục còn tồn tại để đảm bảo mỹ quan bề mặt tông tại các vị trí khe co giãn giữa các đốt hầm, chênh cao độ giữa các đợt đổ bê tông… trong thời gian từ ngày 14 đến 24/4”, ông Tú nói.

Theo đại diện chủ đầu tư, việc xử lý khe co giãn giữa các đốt hầm sẽ được các nhà thầu cắt lại khe V thẳng theo vạch, mài phẳng và sơn lại bê tông. Đối với phạm vi tiếp giáp hai bên của khe không bằng phẳng, đơn vị thi công tiến hành tẩy, mài bề mặt bê tông sau đó bả và sơn lại bề mặt. Riêng một số vị trí bị rỗ bề mặt, Ban QLDA Thăng Long đã chỉ đạo nhà thầu tiến hành bả ma tít rồi sơn lại bề mặt.

Không có chuyện hầm chui Thanh Xuân bị nứt - 2

Hầm chui Thanh Xuân hiện đại nhất Thủ đô Hà Nội

 “Việc xử lý các vị trí khe co giãn giữa các đốt hầm nhằm đảm bảo mỹ quan cho bề mặt bê tông của hầm, không có chuyện hầm chui bị nứt như thông tin một số phương tiện truyền thông đăng tải”, ông Tú nhấn mạnh và cho biết thêm, kinh phí để sửa chữa các hạng mục tồn tại của hầm do nhà thầu chịu trách nhiệm.

“Do hầm chui đang khai thác nên Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép phân luồng tổ chức gia thông qua hầm từ ngày 5/4 đến hết ngày 30/4/2016 để các đơn vị tổ chức thi công sửa chữa, đồng thời đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Hiện nay, nhà thầu đã và đang tiến hành thực hiện các công tác sửa chữa tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định trong hợp đồng, được tư vấn giám sát chặt chẽ về tiến độ và chất lượng”, ông Tú thông tin.

Tiểu dự án xây dựng hầm chui Thanh Xuân và đường dẫn với tổng mức đầu tư 551 sử dụng vốn dư của dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2 do Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hạng mục này là mảnh ghép hoàn chỉnh cho nút giao Thanh Xuân, vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa QL6, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt trên cao.

Theo thiết kế, tiểu dự án có tổng chiều dài 980m, bao gồm phần hầm kín dài 125m, hầm hở hình chữ U dài 280m và đường dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN