Hướng dẫn mua vé tàu trực tuyến nhanh chóng
Hành khách chỉ cần thực hiện 4 bước đơn giản để mua được vé tàu nhanh chóng, sau đó có thể tự in vé hoặc sử dụng ngay vé điện tử trên điện thoại, máy tính bảng khi lên tàu.
Ngành đường sắt Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống bán vé tàu trực tuyến tại địa chỉ www.dsvn.vn từ ngày 21.11.2014, bán được 436.516 vé tính đến hết ngày 26.8.2015. Tuy nhiên, thời gian qua hành khách vẫn phải tới ga lấy vé.
Theo kế hoạch dự kiến, từ 2h sáng ngày 1.9, hành khách có thể tự in vé tàu mà không cần phải ra ga như trước. Trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống vé điện tử (từ 23h ngày 31.8 đến 02h ngày 1.9), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tạm thời không bán vé trực tuyến mà sẽ bán tại ga cho các hành khách có nhu cầu mua vé đi ngay.
Ảnh thực tế một thẻ lên tàu dạng giấy in và trên smartphone, máy tính bảng.
Hành khách có thể đặt mua vé qua website www.dsvn.vn, hoặc truy cập trung gian từ www.vietnamrailway.vn và www.vetau.com.vn. Song song đó, hành khách vẫn có thể mua vé trực tiếp tại ga.
Các bước đặt vé trực tuyến
Bước 1: Đối với hình thức mua vé trực tuyến, sau khi truy cập vào một trong ba địa chỉ trên, hành khách chọn “Ga đi”, “Ga đến” và các thông tin liên quan (ngày đi, ngày về, một chiều hay khứ hồi) ở bên trái màn hình. Xong, nhấn nút “Mua vé” ở phía trên góc phải màn hình.
Chọn ga và thời gian đi.
Lưu ý, ở ô “Ga đi” và “Ga đến” sẽ tự hiển thị gợi ý sau khi gõ ít nhất một ký tự, và hành khách chỉ được lựa chọn tên ga trong danh sách hiện ra.
Bước 2: Chọn toa và ghế ngồi cho hành trình. Các toa và ghế được tô màu để phân biệt toa chưa bán vé, toa còn vé, toa hết vé, hay ghế trống, ghế đã đặt,…
Chọn toa và ghế.
Bước 3: Sau đó, trang web sẽ chuyển sang phần khai báo thông tin. Tương ứng với mỗi ô, hành khách nhập thông tin chính xác, gồm “Họ và tên”, “Số CMND”, “Số di động”, “Email”,… Cũng tại màn hình này, chọn phương thức thanh toán là “Thanh toán trực tuyến” hay “Trả sau”.
Khai báo thông tin.
Xong, nhấn “Tiếp theo”.
Đọc kỹ các điều khoản trước khi nhấn “Đồng ý” để chuyển qua bước thanh toán.
Bước 4: Khai báo thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán trực tuyến, hay các thông tin liên quan cho việc thanh toán sau.
Vé in, tin nhắn hoặc thư điện tử
Nếu hành khách hoàn tất việc đặt vé và thanh toán trực tuyến thành công, thông tin vé sẽ được gửi đến hộp thư điện tử (email) cá nhân của người mua vé.
Cách 1: Với những thông tin này, hành khách có thể tự in vé lên tàu bằng máy in thông dụng trên giấy A4 mà không nhất thiết phải ra ga lấy vé như trước. Những hành khách không có máy in có thể in trực tiếp tại các ki-ốt đặt sẵn tại ga hoặc nhờ nhân viên bán vé in hộ.
Cách 2: Hành khách có thể dùng điện thoại thông minh hay máy tính bảng lưu thông tin vé điện tử thay cho vé giấy. Khi lên tàu, hành khách chỉ cần xuất trình vé (có mã QR Code) trên màn hình điện thoại, máy tính. Tất nhiên thông tin cá nhân cần khớp với giấy tờ tùy thân.
Cách 3: Trong trường hợp không sử dụng email, hành khách có thể đăng ký dịch vụ nhận mã đặt chỗ qua tin nhắn điện thoại.
120 thiết bị soát vé, 30 ki-ốt để hành khách tự in vé
Theo FPT, đơn vị triển khai hệ thống, hiện đã có 120 thiết bị soát vé được lắp đặt trên các tàu (trung bình mỗi tàu có 2 thiết bị). Dự kiến trong tháng 9, FPT sẽ trang bị 30 ki-ốt (máy in vé có kết nối mạng internet) tại các ga để hành khách có thể tự in vé, tạo sự thuận tiện hơn và giảm tải các trường hợp in vé hộ tại các quầy bán vé.
Hành khách cũng có thể tra cứu hóa đơn điện tử qua trang web www.hoadon.vantaiduongsathanoi.vn (đối với các ga từ Kim Liên trở ra phía Bắc) và www.hoadon.vantaisaigon.vn (đối với các ga từ Đà Nẵng trở về phía Nam).
Trên vé điện tử có mã bảo mật QR Code để thiết bị kiểm soát đọc được các thông tin trong vé điện tử. Mỗi vé chỉ có một mã duy nhất nên nếu hành khách mua vé từ “cò vé” mà không đúng thông tin cá nhân thì tấm vé đó không hợp lệ và không có giá trị đi tàu. Vì vậy, hành khách cần cung cấp chính xác thông tin cá nhân, đồng thời giữ bí mật thông tin vé để đảm bảo quyền lợi và tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Lưu ý, dịch vụ thu tiền vé tàu theo hình thức trả sau, bao gồm thanh toán tại các bưu cục, các điểm giao dịch của VIB, chuyển khoản sau bằng Internet Banking và ATM sẽ tạm dừng đến hết ngày 15.9. Trong thời gian đó, hành khách chỉ được mua vé bằng cách thanh toán trực tuyến ngay lập tức (như với thẻ thanh toán quốc tế VisaCard, MasterCard,…) hoặc tại các điểm bán vé.