Hồ sơ về nguồn gốc cây cổ thụ “khủng” nghi bị làm giả
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và nghi ngờ hồ sơ nguồn gốc về 2 trong 3 cây cổ thụ bị CSGT bắt giữ tại Huế bị làm giả.
Liên quan đến nguồn gốc của 3 cây cổ thụ "khủng" bị Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt giữ vào tối 30-3, sáng 5-4, UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã vào cuộc xác minh nguồn gốc về 2 trong số 3 cây cổ thụ khi có thông tin cho rằng những cây này đã được khai thác trên địa bàn xã.
Trước đó, như Báo CAND Online thông tin, sau khi 3 cây cổ thụ “khủng” bị lực lượng CSGT bắt giữ, có người tự xưng là đại diện chủ của các cây cổ thụ kể trên đến trình 2 bộ hồ sơ liên quan cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Theo hồ sơ này, một trong 3 cây cổ thụ được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (51 tuổi, ở xã Ea Pil, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) và 2 cây khác được khai thác, vận chuyển đi từ xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Hồ sơ về nguồn gốc 2 cây cổ thụ được cho khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) nghi làm giả.
Từ thông tin này, Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương tiến hành xác minh. Theo đó, có một cây đa được khai thác tại rẫy ông Phạm Đình Thướng; riêng hai cây cổ thụ còn lại được khai báo trong hồ sơ là 2 cây đa sộp đều có đường kính 1,4m, cao 12m được bà H’Yô Na Buôn Yă (trú thôn 4, xã Ea Hồ) bán cho ông Đinh Công Quân (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về Hà Nội làm bóng mát ở ngôi chùa tại huyện này. Đơn xin khai thác và vận chuyển 2 cây đa này được bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận vào ngày 23-3.
Bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho biết, bà không hề ký xác nhận vào đơn xin vận chuyển cây cổ thụ.
Tuy nhiên qua trao đổi với PV, bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho hay, bà không hề ký xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển hai cây đa nêu trên vào ngày 23-3.
“Sáng nay địa phương cùng Hạt kiểm lâm vào làm việc với bà H’Yô Na Buôn Yă và bà này khẳng định không hề bán cây đa nào cho một người tên Quân ở Hà Nội. Gia đình bà Buôn Yă cũng không có diện tích đất lớn nào để có hai cây đa nêu trên. Chúng tôi đã làm việc và lập biên bản sự việc để báo cáo cấp trên”, bà H’Phi La Nê nói.
Hồ sơ về nguồn gốc 2 trong 3 cây cổ thụ bị CSGT bắt giữ tại Huế nghi bị làm giả.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết thêm, sau khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, đơn vị đã phối hợp với địa phương vào gặp gia đình bà H’Yô Na Buôn Yă nhằm xác mình một lần nữa xem có việc hai cây đa đang bị tạm giữ có phải xuất phát từ địa phương hay không.
Đại diện lãnh đạo Hạt kiểm lâm Krông Năng khẳng định, đã làm việc và ghi nhận không có cây đa nào được khai thác và vận chuyển vào thời gian trên.
Về việc có phải hồ sơ hai cây đa này có bị làm giả hay không, phía Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng cho rằng, hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định vấn đề này.
Sáng 4/4, lại xuất hiện một người mang 2 bộ hồ sơ khác liên quan cây cổ thụ đến làm việc với Chi cục Kiểm lâm TT-Huế.