Hi vọng của gia đình phi công Su-30MK2 thứ hai

Hai chiến sĩ phi công trên chiếc Su – 30MK2 gặp tai nạn ngày 14/6 có điểm chung đều là người con Bắc Giang. Hai gia đình cách nhau hơn 50 km, tuy chưa trọn vẹn trong niềm vui chung nhưng vẫn tin tưởng vào sự trở về của những người con yêu thương.

Hi vọng của gia đình phi công Su-30MK2 thứ hai - 1

 Ông Ngọ - bố của Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (trái) xúc động trước sự trở về của con trai.

Sáng ngày 15/6, niềm vui tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ thuộc xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang của gia đình Thiếu tá Cường (SN 1977, Phó Phi đội trưởng Phi đội bay Su – 30MK2, Trung đoàn 923). Nơi đây anh đã sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, bạn bè. 

Thiếu tá Cường vốn sinh trưởng trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều có thời gian hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Ông Nguyễn Hữu Ngọ (SN 1944), bố của Thiếu tá Cường từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cho tới năm 1966 trở về làm cán bộ của Huyện ủy Lục Ngạn. Bà Lương Thị Bích Đề, mẹ anh Cường cũng có một thời gian khá dài làm Xã đội trưởng trước khi chuyển về công tác cùng chồng tại Huyện ủy Lục Ngạn. 

Thiếu tá Cường là con thứ hai của gia đình ông bà, ngoài anh Cường thì còn người anh cả cũng đang làm việc tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, người anh cả và em út đều đang có mặt tại Nghệ An để chăm sóc, động viên Thiếu tá Cường sau khi được ngư dân cứu về an toàn.

Tuy nhiên, những giây phút chưa biết được thông tin anh Cường còn sống, cả gia đình trong tình trạng căng thẳng, buồn bã. Với mọi người trong gia đình, anh Cường luôn là một người sống chân thành, cởi mở nên khi nghe tin máy bay của anh bị mất liên lạc, mọi người nhớ về anh với những hình ảnh đẹp nhất. 

Ông Ngọ cho biết, khi biết tin con gặp nạn, ông lẳng lặng đi viết lên tờ lịch rằng đó là ngày con trai ông hy sinh. Gia đình đã lập cả bàn thờ cho Thiếu tá Cường. Thế nên khi nhận được thông tin anh Cường còn sống, cả gia đình như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. “Lúc đó, không hiểu vì sao tôi lại khóc mà trước đó tôi hoàn toàn bình tĩnh khi nghe tin Cường có thể không trở về”, ông Ngọ nghẹn ngào nhớ lại. 

Còn bà Đề tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ lái Su-30 MK2, Cường chia sẻ với tôi là đó là nhiệm vụ mà tất cả những chiến sĩ phi công đều mơ ước. Tôi bảo Cường rằng đây là tự hào của con nhưng cũng là của mọi người trong gia đình, con phải luôn cẩn thận trong mọi tình huống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Cùng thực hiện bài bay với Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và cũng là “đồng hương” với anh là Thượng tá Trần Quang Khải (SN 1971), ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang), cách nhau khoảng hơn 50km. 

Từ sáng 14/6, tại nhà riêng của anh ở thôn Tân Văn 2, bà con chòm xóm, đồng đội, đại diện chính quyền địa phương, Ban CHQS huyện Lạng Giang đã có mặt để động viên gia đình. Gia đình anh Khải có 11 người con, anh Khải là con thứ 10 và cũng là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp nhà binh. 

Ông Trần Văn Đạt, chú ruột phi công Trần Quang Khải cho biết, ngay trong ngày 14/6, Trung đoàn 923 đã cử cán bộ về địa phương để đón 5 người thân của phi công vào Nghệ An, trực tiếp theo dõi công tác tìm kiếm, cứu nạn. Biết tin đoàn cứu hộ đã tìm thấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, gia đình vừa mừng cho gia đình anh Cường, vừa hy vọng anh Khải cũng sẽ an toàn trở về.

Đại tá Trần Văn Ngọc, Chủ nhiệm chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, mặc dù hai anh không cùng đơn vị nhưng với nghĩa tình đồng đội, Bộ CHQS tỉnh đã cử người về cùng với hai gia đình Thiếu tá Cường và Thượng tá Khải để chăm lo, động viên mọi người. Đặc biệt, với gia đình của Thượng tá Trần Văn Khải do có bố mẹ anh Khải đều đã già, yếu, các cơ quan quân sự đã cử nhiều đoàn y, bác sĩ đến túc trực ở nhà để kịp thời xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra. “Tất cả mọi người đều đang hi vọng, anh Khải sẽ trở về an toàn”, Đại tá Ngọc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trường ([Tên nguồn])
Máy bay Su-30MK2 và CASA 212 gặp nạn trên biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN