Hàng trăm phu trầm “ngậm ngải” vào rừng tìm vận đỏ
Chỉ từ một tin đồn về người đàn ông dẫn đầu một nhóm đào được trầm, bán được hàng chục tỷ đồng và... biến mất, không ít kẻ đã bất chấp tất cả, mạo hiểm vào rừng để săn trầm.
Huyện miền núi Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) là một lần nữa đối mặt với cơn sốt kỳ nam. Chỉ từ một tin đồn về người đàn ông dẫn đầu một nhóm đào được trầm, bán được hàng chục tỷ đồng và... biến mất, không ít kẻ đã bất chấp tất cả, mạo hiểm vào rừng để săn trầm. Sự thật sau câu chuyện “đổi đời” không hề được kiểm chứng và hệ lụy từ cơn sốt “ngậm ngải tìm trầm” đang bùng phát này là gì?
Lực lượng chức năng kiểm tra nhiều người đột nhập trái phép vào rừng để săn trầm
Chân tướng người đàn ông “may mắn”
Mấy ngày gần đây, xuất hiện thông tin về một người đàn ông sau khi âm thầm vào rừng đã tìm thấy một khối trầm (kỳ nam) trong khu vực rừng thuộc núi Đá Ông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Sau đó, người này đã mang bán số trầm này được hơn 20 tỷ đồng. Thực hiện thành công vụ giao dịch bí mật, người đàn ông nói trên đã lặng lẽ biến mất khỏi địa phương. Thông tin này sau đó nhanh chóng được lan truyền đi khắp tỉnh bình thuận khiến dư luận xôn xao.
Trở lại huyện miền núi Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng được nghe người dân tụm năm, tụm bảy bàn tán về “câu chuyện thời sự” nói trên. Người đàn ông đào trúng kỳ nam được đồn đã đổi đời. Hơn thế, không chỉ người đàn ông này hưởng số tiền bán kỳ nam hàng chục tỷ mà là cả nhóm người. Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện, một người dân trong vùng cho biết: “Bây giờ, hỏi chuyện người đàn ông trúng kỳ nam thì ai trong xã này, thậm chí cả huyện này đều biết. Nghe đâu, anh ta dẫn đầu một nhóm vào rừng đào kỳ nam và được trời Phật run rủi cho ăn “lộc”. Chỉ có điều, số tiền ấy là bao nhiêu, 10 tỷ hay 20 tỷ như lời đồn đại thì không ai khẳng định chính xác được”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tin về người đàn ông trúng trầm này rộ lên từ cách đây hơn nửa tháng. Ban đầu, thông tin về người trúng trầm này chỉ được cánh đàn ông kháo nhau. Sau đó, các chị phụ nữ cũng bàn tán lúc đi chợ, khi đi làm ngoài đồng. Dần dần, những người già, đám trẻ nít cũng biết chuyện. Thế rồi, thông tin này lan ra khỏi địa phương, đến cả các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, khiến giới tìm trầm một lần nữa lại lên cơn sốt. Nhiều người dân địa phương khi nói về chuyện này đều thông tin vanh vách rằng người đàn ông trúng trầm đó tên Bình, gần 50 tuổi. May mắn mỉm cười với ông Bình sau hơn 20 năm lăn lộn, lùng sục tìm trầm khắp các khu rừng của Bình Thuận. Dù chưa từng “mục sở thị”, nhiều người vẫn nói chắc “như đinh đóng cột” rằng: Ông Bình sau khi trúng trầm thậm chí không dám về nhà. Ông phải ôm hàng chục tỷ đồng tiền mặt, bỏ đến một địa phương khác rồi mới dám liên lạc về gia đình. Đến giờ, không ai biết ông Bình (hay Bính) đang ở nơi nào.
Cố gắng xác minh thông tin về người đàn ông nói trên, chúng tôi được bà con cung cấp một vài manh mối mơ hồ. Anh Hoàng Trọng Q. (một người dân địa phương – PV) cho biết: “Tôi nghe người ta nói ông Bình là dân chuyên săn kỳ nam, sống ngay ở huyện. Lúc ông ấy dẫn đầu nhóm người vào rừng tìm trầm thì có người đã chứng kiến. Sau một thời gian trở ra khỏi rừng, ông Bình nghe đâu đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Giờ ít người biết tung tích của ông ấy. Cho nên, mọi người đều đồn đại ông Bình trúng hàng chục tỷ từ kỳ nam, đã bỏ đi nơi khác hưởng thụ rồi”. Một số thông tin còn khẳng định, ông Bình từng muốn ở lại quê hương. Nhưng do sợ giang hồ đến “xin đểu”, đòi “chia lộc” nên phải trốn tránh mọi người, rồi bán xới đi nơi khác.
Giữa “ma trận” thông tin, chúng tôi cố gắng lần theo chút manh mối để tìm kiếm sự thật về người đàn ông này. Nhưng dù đang “nổi tiếng” khắp trong, ngoài huyện Tuy Phong, ông Bình cứ như thể “bốc hơi”. Tung tích về người đàn ông này không ai biết đã đành. Ngay tại xã Phong Phú, nơi nhiều người cho là quê của ông Bình, chúng tôi cũng nhờ chính quyền địa phương cất công rà soát kỹ lưỡng; thậm chí xuống tận nơi hỏi thăm. Tuy nhiên, không một ai biết về người đàn ông tên Bình, chuyên nghề săn kỳ nam và mới bán nhà đi khỏi địa phương. Đến đây, câu hỏi đặt ra là phải chăng, thông tin về người đàn ông trúng hàng chục tỷ từ trầm chỉ là truyền miệng thất thiệt. Và nó dường như không vô tình xuất hiện, mà chỉ là cách nhiều nhóm săn trầm đang từng ngày, từng giờ cày nát các khu rừng ở huyện Tuy Phong lấy làm lý do giải thích cho hành động của mình.
Rừng già “nổi sóng”
Theo chính quyền huyện Tuy Phong, phần lớn người dân trong huyện vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Những năm trước, thời điểm nông nhàn thì một số người dân trong vùng có rủ nhau vào núi tìm trầm mong có cơ hội đổi đời. Lời đồn về một số ít người trúng được chút ít kỳ nam, bán được vài chục, hay vài trăm triệu đồng theo đó xuất hiện. Người ta rỉ tai nhau những người này mua đất, xây nhà, tậu xe và đổi đời. Để rồi phát sốt với “lộc trời”, “ngậm ngải” tìm trầm trở thành một cơn sốt.
Từng có lúc, một số người sẵn sàng vay nóng, thậm chí liều lĩnh cầm cố sổ đỏ, thế chấp nhà cửa để có tiền làm lộ phí cho những chuyến săn trầm dài ngày. “Lộc trời” chẳng thấy đâu, chỉ có những tấm thân tàn tạ và món nợ khổng lồ treo lơ lửng khi ra khỏi rừng. Khi giấc mơ “đổi đời” phũ phàng đi qua, những thợ săn trầm lại trở về thực tại, quần quật làm lụng trả nợ. Hai năm trở lại đây, tình trạng người dân bỏ công việc, vay mượn tiền bạc vào rừng săn trầm đã lắng xuống. Nhưng rồi, sau tin đồn người đàn ông tên Bình trúng trầm hàng chục tỷ đồng, một “cơn sóng ngầm” lại bùng lên dữ dội.
Thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu, chính quyền địa phương xác nhận có nhiều nhóm người từ các tỉnh khác đã mang theo vật dụng, lén lút vào khu rừng ở núi Đá Ông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), nơi được cho là khu rừng có trầm để tìm trầm. Trong ngày 27/4/2016, một nhóm khoảng 10 người đàn ông mang theo rựa và dụng cụ đào đất đi xe vào rừng đào trầm nhưng bị kiểm lâm phát hiện đẩy đuổi. Vài ngày sau đó, 3 ôtô chở 41 người từ Khánh Hòa đến địa phương, định đột nhập vào rừng cũng bị lực lượng chức năng ngăn chặn. Được mời về trụ sở làm việc, những người này khai do nghe tin đồn có người trúng khúc trầm 20 tỷ ở rừng này, nên đánh liều vào đây tìm trầm với ước mong đổi đời. Lực lượng chức năng đã giải thích đây là khu vực rừng khộp, không có trầm. Bên cạnh đó, việc đột nhập vào rừng trái phép là vi phạm phát luật. Nhóm tìm trầm này sau đó đã được đưa ra Quốc lộ 1A, đón xe khách về quê trong đêm. Tuy nhiên những ngày sau đó, lại có thêm nhiều nhóm khác tiếp tục kéo đến rừng núi Đá Ông. Lực lượng tuần tra đã lập biên bản, yêu cầu họ quay trở về.
Ông Phan Phú Tân - Phó Trưởng công an xã Đại Nghĩa xác nhận: “Chuyện người đàn ông trúng trầm nhiều tỷ đồng thì chưa biết thực hư như thế nào. Nhưng từ khi xuất hiện tin đồn, tình hình an ninh tại địa phương đã trở nên phức tạp. Chính quyền đã lập tức cử người xuống ghi nhận tình hình và trình báo lên Công an huyện Tuy Phong. Hiện nay chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao để giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trong địa bàn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Trực, Phó Chủ tịch UBND H.Tuy Phong cho biết: “Chúng tôi giải thích để họ hiểu, trầm chỉ có trên cây dó. Trong khi đó, vùng núi Tuy Phong, nắng nóng kinh thế này, không hề có cây dó sống sót. Mà rừng không có cây dó thì làm gì có trầm mà đi tìm. Hiện tại chúng tôi đã ghi nhận tình hình và đang tuyên truyền vận động bà con không nên tiếp tục đồn đại gây mất an ninh trật tự trong địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm các đối tượng gây rối, “khủng bố” người dân”.
Ông Huỳnh Văn Điển - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cũng cho biết, hiện tại Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phong giao cho Hạt Kiểm lâm của huyện thành lập đoàn tuần tra liên ngành gồm: Kiểm lâm, công an, đơn vị chủ rừng và chính quyền xã Phong Phú cùng phối hợp thắt chặt an ninh. Tính đến nay, lực lượng đã truy đuổi 71 người ra khỏi rừng. Hiện nay tình hình đã tạm ổn. Các cơ quan chức năng tại địa phương cũng đang duy trì 2 chốt chặn đóng tại cửa rừng, nếu có người đến tìm trầm sẽ kịp thời truy đuổi. Đồng thời, UBND huyện Tuy Phong cũng đã gửi hai văn bản ra địa phương có người tìm trầm để tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết thông tin có người trúng hàng chục tỷ là tin đồn sai sự thật. |