Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc đang “khát vợ”

Trong các ngôi làng nằm ở ngoại ô tỉnh Hàm Đan, Trung Quốc, đàn ông độc thân muốn lấy vợ phải cần đến 64.000 USD – chi phí để cất một ngôi nhà và những món quà bắt buộc, một số tiền quá sức đối với nhiều nông dân địa phương.

Bởi vậy, theo tờ Beijing News, trong những năm gần đây, đàn ông ở Hàm Đan phải nhờ đến các dịch vụ môi giới hôn nhân để tìm kiếm cô dâu “giá rẻ” ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Khi sử dụng dịch vụ môi giới này, họ chỉ phải trả khoảng 18.500 USD để “nhập khẩu” vợ, và trong trường hợp cô dâu bỏ trốn thì họ sẽ được hoàn trả lại số tiền đã bỏ ra.

Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc đang “khát vợ” - 1

 Của hồi môn quá cao khiến hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ  

Gần đây, dư luận chấn động khi biết tin 100 cô dâu Việt Nam cùng với người môi giới đã biến mất mà không để lại bất cứ dấu vết nào, và đây được coi là một trường hợp điển hình về gian lận trong môi giới hôn nhân nước ngoài ở Trung Quốc.

Các nạn nhân là hàng triệu người nghèo, hầu hết là nông dân không thể lấy vợ vì tình trạng thiếu hụt phụ nữ nghiêm trọng ở Trung Quốc. Hồi tháng Giêng, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 33,8 triệu trong tổng số dân hơn 1,3 tỉ.

Số đàn ông độc thân là một thử thách đối với Trung Quốc và có thể với cả những nước láng giềng trong vài thập kỷ nữa. Rõ ràng hoạt động gian lận trong môi giới cô dâu nước ngoài qua mạng chỉ là điểm khởi đầu của một vấn đề lớn hơn.

Nguyên nhân trực tiếp của sự mất cân bằng giới tính là truyền thống trọng nam khinh nữ lâu đời của Trung Quốc. Trong văn hóa phụ hệ của Trung Quốc, các gia đình đều mong đợi có người nối dõi tông đường.

Trong những năm 1970, chính sách “Một con” của Trung Quốc đã khiến một số ông bố bà mẹ lựa chọn giới tính cho con thông qua nạo phá thai có chọn lọc (điều này được dễ dàng thực hiện bằng hình thức siêu âm), hậu quả là hàng triệu bé gái đã bị phá bỏ.

Ví dụ, vào năm 2013, chính phủ cho biết cứ 100 bé gái thì có khoảng 117,6 bé trai, trong khi tỉ lệ tự nhiên là cứ 100 bé gái thì có khoảng 103 đến 106 bé trai. Ở vùng quê, tỉ lệ này có thể cao hơn.

Trong cuốn sách Chọn lọc không tự nhiên xuất bản năm 2011, Mara Hvistendahl đã nghiên cứu ở một thị trấn Trung Quốc và phát hiện ra rằng tỉ lệ này lên đến 150 trên 100. Về lâu dài, việc mất cân bằng giới tính có thể tăng số lượng nam giới lên 20% trước năm 2020.

Tất nhiên, mong đợi xã hội không chỉ hạn chế về nam giới. Ở Trung Quốc, nơi mà số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới thì cơ hội kết hôn của nữ giới rất cao, đặc biệt ở các thành phố nơi phụ nữ nông thôn đến sinh sống.

Kết quả là giá trị của hồi môn cần thiết cho gia đình cô dâu ngày càng tăng, đặc biệt là ở nông thôn. Một nghiên cứu năm 2011 về giá cô dâu cho thấy rằng của hồi môn tăng bảy mươi lần từ những năm 1960 và 1990 trong một vùng nông thôn được lấy làm đại diện.

Đây là một vấn đề mang tính xã hội sâu sắc, nhưng đặc biệt ở vùng quê Trung Quốc, nơi có tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao, và sự nghèo khó có khiến những phụ nữ trẻ ở độ tuổi kết hôn bỏ làng ra đi.

Hai yếu tố này đã làm gia tăng “những ngôi làng độc thân” – hàng ngàn thị trấn nhỏ và thôn xóm ở Trung Quốc chỉ có đàn ông độc thân và một số phụ nữ sinh sống. Mặc dù chưa có nghiên cứu cuối cùng về vấn đề này nhưng những ngôi làng độc thân đã nhận được nhiều chú ý từ các nhà nghiên cứu và nhà báo.

Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc đang “khát vợ” - 2

Nhiều đàn ông Trung Quốc sẵn sàng tìm vợ nước ngoài qua các dịch vụ môi giới    

Theo một nghiên cứu năm 2011, chỉ riêng ở xã Baoshi, tỉnh Sơn Tây với dân số 1.013 người đã có tới 87 đàn ông độc thân trên 35 tuổi. Ở miền quê Trung Quốc nơi đàn ông thường kết hôn trước tuổi 30 thì 87 người này có thể sẽ độc thân dài dài. Họ đều là những người nghèo và ít học. Theo một nghiên cứu vào năm 2006, 97% đàn ông độc thân Trung Quốc từ 28 đến 49 tuổi chưa học xong phổ thông.

Vào năm 2007, một nghiên cứu gây nhiều tranh cãi dựa vào số liệu phạm tội cấp tỉnh trong 16 năm đã chỉ ra rằng việc mất cân bằng giới tính có thể chiếm một phần mười bảy tỉ lệ phạm tội, trong khi một cuốn sách xuất bản cùng năm đó lại cho rằng việc tăng tỉ lệ nam giới đe dọa tính ổn định trong nước cũng như thế giới.

Một hậu quả không thể bàn cãi là đối với một thị trường nơi mà nhu cầu cô dâu vượt quá nguồn cung thì chắc chắn tạo điều kiện cho các ngành môi giới hôn nhân. Trong những năm gần đây, những người môi giới hôn nhân đang chú trọng vào phụ nữ nước ngoài, chủ yếu là quốc gia láng giềng với Trung Quốc.

Có khoảng 90% phụ nữ Triều Tiên bỏ trốn bị đe dọa cưỡng hôn và hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục. Phụ nữ ở vùng xa xôi hẻo lánh và nghèo khổ của Việt Nam cũng là một mục tiêu của nạn buôn người. Bộ Công an Việt Nam cho hay có 5.800 phụ nữ đã bị buôn ra nước ngoài trong những năm gần đây, phần lớn là đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ Việt Nam đến các vùng nông thôn Trung Quốc cũng cùng lý do như phụ nữ nông thôn Trung Quốc lên thành thị: họ ra đi để có cơ hội kinh tế tốt hơn.

Vụ 100 cô dâu Việt biến mất bí ẩn ở Hàm Đan cho thấy rằng đang tồn tại một nhóm con buôn với đầy đủ những mánh khóe lừa đảo đằng sau những cuộc hôn nhân này. Và rất có khả năng sẽ có thêm nhiều trường hợp nữa, khi hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc độc thân vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để cưới một người vợ nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN