Hà Nội trồng phượng đại trà: “Ngột ngạt và đơn điệu”
Các chuyên gia cây xanh cho rằng, việc trồng phượng đại trà trên các dải phân cách phù hợp về mặt kỹ thuật nhưng thiếu tính thẩm mỹ.
Nhiều tuyến phố của Thủ đô trồng toàn cây phượng
Thời gian gần đây, dọc một số tuyến phố ở Thủ đô như Láng Hạ, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Ô Chợ Dừa… những hàng phượng vĩ mọc lên san sát. Việc trồng đại trà giống cây này giữa dải phân cách khiến dư luận quan tâm, cùng nhiều ý kiến trái chiều.
Theo TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam, cây phượng có đặc tính tán lá phát triển ngang, không vươn lên cao, gỗ phượng giòn, dễ gãy. Tán phượng thưa, đảm bảo tỉa cành thường xuyên cây sẽ ít gãy đổ vào mùa mưa bão.
“Hải Phòng trồng gần như toàn thành phố, Hà Nội cũng đã trồng phượng trên nhiều tuyến phố từ hàng chục năm nay. Phượng vĩ phù hợp làm cây đô thị nhưng không phải lựa chọn duy nhất để trồng đại trà trên dải phân cách”, ông Hiệp nói.
TS Hiệp cho hay việc lựa chọn cây đô thị không những phải đảm bảo cây thích nghi, sống sót mà phải chú ý đến cả yếu tố mỹ quan, phối cảnh.
“Tất nhiên, con mắt thẩm mỹ của mỗi người khác nhau. Mùa hè, Hà Nội có những đợt nắng nóng hơn 40 độ C, đi trên những tuyến phố ngập màu đỏ hoa phượng, tôi thấy không khí ngột ngạt hơn. Khoảng xanh mát sẽ làm người đi đường cảm thấy bớt oi bức.
Màu đỏ hoa phượng sẽ bớt đơn điệu hơn khi được điểm xuyết khéo léo. Có lẽ Hà Nội vẫn lười suy nghĩ trong việc chọn, trồng cây”, ông Hiệp bày tỏ.
TS Hiệp cho rằng dải phân cách có khoảng không rộng, nên trồng những cây có tán lớn. Tán phượng thấp, lãng phí khoảng không. Có thể trồng ở dải phân cách những loại cây họ dầu như sao đen, thân thẳng, cao.
Chuyên gia cây xanh cho rằng, trồng quá nhiều cây phượng ở Hà Nội sẽ tạo cảm giác đơn điệu, ngột ngạt trong những ngày nắng nóng
Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc Hà Nội chọn phượng để trồng đại trà “không có gì lạ cả”.
Tuy nhiên, GS Đăng lại chỉ ra những yếu tố chưa phù hợp khi loại cây này trồng trên dải phân cách, bởi phượng là loại cây rễ chùm, cây cần không gian đất rộng để sinh trưởng.
“Dải phân cách mở rộng, thu hẹp theo thời gian, có thể mở đường, làm điện ngầm, xây cầu vượt ở đó. Khoảng đất dải phân cách chưa ổn định lâu dài cho một cây trồng lâu năm phát triển. Trồng vài năm rồi lại phá bỏ thì thực sự lãng phí”, ông Đăng nói.
Chuyên gia cây xanh này cho hay, tại nhiều thành phố lớn ở nước ta cũng như các thành phố trên thế giới, dải phân cách trồng các loại hoa, cây thấp. Hoặc những loại cây bụi có thể tạo hình như cây xanh, si, phi lao...
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội khẳng định việc trồng phượng đại trà trên dải phân cách vẫn “đúng quy trình, kỹ thuật”. Độ sâu mỗi hố trồng ít nhất 1m, khoảng cách giữa các cây là 6-7 mét. Những cọc cố định cây khiến khi nhìn có cảm giác mật độ dày, nhưng thực tế, mật độ cây vẫn đảm bảo.