Hà Nội sẽ vét toàn bộ bùn hồ Hoàn Kiếm
Các nhà khoa học cho hay, nước hồ Hoàn Kiếm đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, chứa nhiều kim loại nặng.
Hà Nội đang lên kế hoạch nạo vét cải tạo hồ Hoàn Kiếm (ảnh minh họa: Hồng Phú)
Chiều ngày 15.2, Hà Nội tổ chức hội khoa học về cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, TP đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Ông Hùng cho hay, trước đây, TP đã tổ chức nhiều hội thảo nhưng chưa có giải pháp cụ thể để xử lý nước hồ Hoàn Kiếm. Qua khảo sát của các chuyên gia, hiện trạng hồ đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động vật trong hồ không được bảo vệ.
Khảo sát bằng trực quan, màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng.
Đặc biệt lớp bùn lắng đọng rất dày, chứa nhiều kim loại nặng, khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật trong hồ.
Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm qua 2 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ.
Cụ thể sẽ nạo vét tổng thể, thanh thải bùn, phế thải tồn đọng dưới đáy hồ, xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy 3C, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường nước, bảo tồn hệ thủy sinh.
GS Hà Đình Đức cho rằng, việc cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm như hiện nay đã là muộn. Tuy nhiên, vẫn là việc cần thiết phải làm, nếu không hồ sẽ biến thành đầm lầy, thậm chí thành đất liền.
GS Đức dẫn chứng, một phần hồ Thiền Quang nằm giữa hồ Bảy Mẫu đã biến mất. Hồ Hoàn Kiếm cũng có thể phải chịu cảnh tương tự.
Theo các nhà khoa học, nguồn nước bổ sung là quan trọng nhất. Có thể đưa nước sạch, nước giếng khoan, sông Hồnghay bổ sung nước mặt các hồ khác như hồ Thiền Quang sau khi đã xử lý.
Theo TS Trần Đức Hạ, Bộ môn cấp thoát nước, ĐH Xây dựng chức năng điều tiết của Hồ Gươm không đáng kể, chủ yếu là hồ tâm linh, văn hóa, cảnh quan nên chất lượng nước phải bảo tồn ổn định, giữ màu nước xanh đặc trưng.
“Hồ phải duy trì chế độ động tạo sự luân chuyển nước. Chất lượng tảo đặc trưng của Hồ Gươm có chịu được nước bơm vào như nước giếng khoan, hay công suất bơm bổ cập cần tính toán xem thành phần thủy hóa có thay đổi không?”, TS Hạ nêu quan điểm.