“Gọi người sống là danh nhân, buồn cười”

“Người còn sống không nên gọi là danh nhân. Nếu bây giờ gọi tôi hay một ông A, bà B nào đó là danh nhân, thật buồn cười”. Đó là ý kiến của GS Văn Như Cương khi trao đổi về dự thảo các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, danh nhân.

Trước đó, ngày 21/3, dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo đã bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, danh nhân.

“Nếu gọi tôi là danh nhân, thật buồn cười”

Theo ban soạn thảo, danh hiệu danh nhân nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt cho đất nước (Quốc tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc...).

Nguyên trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, ông Phạm Tất Dong cho rằng, “danh nhân” không phải là chức tước, danh hiệu. Danh nhân là người nổi danh được nhiều người biết đến. Do vậy, đây không phải là “cái” đem ra hội đồng xét duyệt.

Danh nhân chỉ nên dùng cho người đã mất, có giá trị để lại to lớn cho xã hội. Khi viết sách, báo, nhắc lại... chúng ta gọi danh nhân để trân trọng. Ví dụ, nước ta có danh y Tôn Thất Tùng, danh tướng Trần Hưng Đạo...

Ngược lại, không nên gọi người sống là danh nhân. Đặc biệt, không gọi trực tiếp đây là danh nhân A, danh nhân B... Ví dụ, tại hội nghị, dẫn chương trình xướng lên: mời danh nhân Nguyễn Văn A lên phát biểu. Có lẽ ai cũng thấy rất khó nghe.

Nếu muốn tôn vinh người tài, Nhà nước có thể tặng người ta một một phần thưởng tinh thần lớn. Ví dụ Bác Hồ trước đây tặng áo lụa, người đó được cả nước biết đến, đó là một thứ tôn vinh.

“Gọi người sống là danh nhân, buồn cười” - 1

Nguyên trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Phạm Tất Dong

GS Văn Như Cương cũng không đồng tình người còn sống được gọi là danh nhân. Ông Cương nói: “Nếu bây giờ gọi tôi hay một A, ông B nào đó là danh nhân, thật quá buồn cười”.

Theo ông Văn Như Cương, không có nước nào nhà nước phong danh nhân, chỉ có nhân dân tự phong cho người tài. Có những người cống hiến giá trị to lớn, nhưng sau thời gian dài, có khi chết vài chục năm sau người ta mới nhận ra. Không phải cứ ai giỏi, được công nhận ngay. Nếu có người được bầu danh nhân lúc sống, khi chết không ai nhớ đến nữa, quá buồn.

Đại biểu QH Dương Trung Quốc cũng cho rằng, danh hiệu danh nhân là vấn đề phức tạp, đã có chuẩn mực. Đây không phải là thứ có thể định lượng được.

“Nếu phong anh hùng dân tộc là danh nhân như dự thảo, tôi thấy bản thân chữ “anh hùng dân tộc” đã có sự tôn vinh mang tính nhà nước, nhân dân rồi”, ông Quốc cho hay.

Nước ta đã quá nhiều danh hiệu

Theo ông Quốc, chức danh “nhà khoa học nhân dân” dùng để vinh danh các nhà khoa học. Nhưng đã có học hàm, học vị giải thưởng khoa học... để vinh danh họ. Thêm nhà khoa học nhân dân không giải quyết được gì.

Ông Phạm Tất Dong có quan điểm, không phải cái gì cũng thêm chữ “nhân dân”. Thí dụ người làm ngân hàng giỏi không thể gọi là kế toán nhân dân. Nhân dân chỉ dùng cho những người có sự nghiệp gắn với phong trào quần chúng, tiếp xúc với nhân dân. Nhà giáo, nghệ sỹ, thầy thuốc... là những người như vậy.

Nhà khoa học sống bằng thí nghiệm, có người gắn bó với phòng thí nghiệm cả đời. Giới khoa học vẫn nói với nhau: “Làm khoa học phải dám chịu cô đơn”. Nghĩa là có những phát minh, sáng chế bị coi là điên khùng, cả thế giới phản đối, nhưng nhiều năm sau người ta mới thấy giá trị đóng góp.

Nếu muốn vinh danh, ở trường học gọi là giáo sư, trong viện nghiên cứu có thể gọi là viện sỹ. Có phát minh, gọi là “nhà sáng chế”, đó cũng là vinh dự lớn lao.

“Tôi và bạn bè thấy mình được phong giáo sư là tốt lắm rồi”, vị GS từng làm phó Ban Khoa giáo Trung ương chia sẻ.

Theo GS Văn Như Cương, các danh hiệu của nước ta đã quá nhiều, quá nhàm, không thực chất. Ví dụ nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Nếu xóa bỏ được, có thể bỏ các chức danh ấy, gây sự lãng phí, mất đoàn kết. Ngoài ra, không nên thêm chức danh nào nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN