Giáp mặt với gia đình “người rừng” trong khu vườn kì bí
Sau nhiều năm sống ẩn dật, từ một thiếu nữ xinh đẹp, học giỏi văn, con gái bà Thành xuất hiện với hình ảnh rách rưới, nước da xám xịt, giọng nói ma mị đến khó hiểu…
Cách đây gần 20 năm, gia đình bà Thành từng làm ăn có tiếng ở lâm trường Thành Vân, xã Thạch Thành, Thanh Hóa). Con gái của bà Thành là Nguyễn Thị Thanh (SN 1980) khi đó học lớp 11, là học sinh giỏi văn của trường, con trai út Nguyễn văn Toàn (SN1985) học cấp 2, cũng là học sinh giỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian thì đồng loạt nghỉ học để cùng mẹ mình thực hiện những việc kỳ quặc, khó hiểu.
Hàng xóm kéo đến xem khu vườn cũng như muốn nhìn thấy bà Thành cùng các thành viên trong gia đình sống ra sao
Họ sống cùng nhau trong “khu vườn kì bí”, những người hàng xóm làm công nhân cùng lâm trường cũng không dám đến gần ngôi nhà. Nếu có người lạ đến, hai con của bà Thành sẽ cầm gậy, hung khí xua đuổi… Cứ như vậy, khu vườn nhà bà Thành sống trở thành nơi “bất khả xâm phạm”, từ đó xuất hiện nhiều lời đồn thổi rợn người về gia đình này.
Bà Bùi Thị Mười (Bí Thư huyện Thạch Thành) cùng người dân đến thăm hỏi gia đình bà Thành
Ngày đầu tiên, chúng tôi “đột nhập” khu vườn nhưng bị ông Thái (chồng bà Thành) chặn ngay từ cổng. Ngày thứ hai, ông Thái cho phép mọi người được tiến vào sâu hơn nhưng vẫn không được vào bên trong. Ông Thái nói: "Muốn tiến vào bên trong phải được sự đồng ý của bà ấy (vợ ông Thái - pv), tôi chỉ làm theo mệnh lệnh”. Nói xong ông Thái quay vào nhà hỏi vợ, một lúc sau ông đi ra nói với mọi người “bà ấy không đồng ý cho ai vào hết".
Lãnh đạo huyện nhờ ông Thái nói với bà Thành cho mọi người vào bên trong, hỏi thăm sức khỏe xem nhà có thiếu thốn gì không để chính quyền giúp đỡ
Lối vào “khu vườn kì bí” hoang dại, bí ẩn
Hệ thống sắt giăng khắp khu vườn
Các túp lều được kết nối với nhau bởi những thanh thép
Quanh ngôi nhà lớn có khoảng 8 túp lều nhỏ
Lưỡi cày cắm thành hàng dọc thân cây
Ngôi nhà chính giữa nằm sâu bên trong được lợp một lớp tôn bên trên
Đang đứng nói chuyện với ông Thái ở cổng, bỗng xuất hiện giọng nói ồm ồm không phân biệt được nam hay nữ, nghe rất ma mị “lui đi, nhà tôi chưa mở cửa cho ai vào”. Người này ăn mặc giống ông Thái, trên tay cầm một đoạn gậy dài, đầu gắn con dao, vừa đi vừa xúc đất hắt về phía chúng tôi và nói “lui ra thì sống, vào thì chết”, khiến mọi người sợ hãi.
Nghe tiếng động bên ngoài, con gái bà Thành – chị Nguyễn Thị Thanh xuất hiện với hình ảnh kì dị, tay cầm hung khí vừa đi vừa hất đất về phía người lạ
Đi cùng vào bên trong có chị Tâm (học cùng thời phổ thông với Thanh) bỗng cất tiếng gọi: “Thanh à, có nhận ra bạn không? Tâm đây. Thanh có nhớ ngày xưa Thanh đọc bài văn hay cho cả lớp nghe không?”. Tuy nhiên, chị Thanh im lặng.
Có người gọi và nhắc lại kỷ niệm trong những lần đọc văn khi còn học phổ thông nhưng đáp lại là sự im lặng
Chị Thanh vừa đóng cổng vừa lẩm bẩm những lời khó hiểu…
Ông Thái tiếp tục vào khuyên nhủ con gái và xin ý kiến bà Thành cho mọi người vào. Tuy nhiên, lần này cũng như lần trước, người dân cùng đoàn lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành đành bất lực ra về.
Trước khi vào nhà, ông Thái còn cho mọi người xem “vũ khí bất ly thân”, được kết từ những sợi nhựa quấn trước ngực và sau lưng.
Phía bên ngoài bà Mười động viên, hỏi thăm gia đình nhà bà Thành và xin ông Thái vào nói với bà Thành cho đoàn vào
Ông Thái vào hỏi bà Thành cho mọi người vào nhà
Đoàn lãnh đạo của huyện Thạch Thành cho biết, rất muốn vào trong tặng quà, cố gắng thuyết phục gia đình bà Thành trở lại cuộc sống bình thường và xem gia đình có thiếu thốn gì không để giúp đỡ nhưng không được vào, nên đành phải chờ dịp khác quay lại thuyết phục.
Bà Loan, công nhân làm cùng lâm trường với bà Thành cho biết: "Từ năm 1998 tôi không gặp chị Thành nữa, ngày xưa chị ấy đẹp lắm, gia đình lại giàu nhất vùng này, 3 đứa con xinh xắn. Giờ nhìn thấy gia đình chị như vậy thật tội nghiệp, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để giúp đỡ họ".
"Hiện tại gia đình bà Thành đã nuôi gà, ở ngoài trồng sắn, trồng chuối… chứ ngày xưa họ toàn ăn chay, khổ lắm. Ăn chay đến nỗi thiếu chất làm một người con trai chết do phù nề. Năm đó, công đoàn phụ nữ lâm trường muốn vào thắp nhang cho cháu nhưng không ai được vào, chỉ có chị đội trưởng vào một lúc", bà Loan chia sẻ.
Những ngày gần đây, người dân tò mò tìm đến nhà bà Thành rất đông, xem gia đình họ sống như thế nào sau gần 20 năm không giao tiếp với bên ngoài. Tuy nhiên, họ chỉ giám đi vào tới cổng ngoài, hễ có tiếng động hay có bóng người xuất hiện là chạy tán loạn.
Clip giáp mặt với gia đình “người rừng” trong khu vườn kì bí
Các thành viên trong gia đình thường trốn trong lùm cây, nếu có ai đột nhập họ lập tức xuất hiện với dao, gậy trên tay.