Giao thừa năm Đinh Dậu không nên ra đường vì giờ xấu?
Một số thông tin cho rằng giao thừa năm Đinh Dậu là giờ “Không vong” nên tạm hoãn việc ra khỏi nhà.
Chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng không có cơ sở gì để khẳng định giao thừa năm Đinh Dậu là giờ xấu, mọi người tránh ra khỏi nhà.
Gần đây, xuất hiện một số thông tin rằng giao thừa năm Đinh Dậu 2017 giờ Tý, không đẹp, vì vào giờ Không vong, xuất hành đầu năm không có lợi. Thậm chí, còn có ý kiến khuyên mọi người không nên đi ra ngoài vào lúc giao thừa, để tránh điều xui xẻo cho năm mới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Cương, người từng nhiều năm nghiên cứu về lịch pháp, Kinh Dịch, ngày mùng 1 Tết năm nay lại là ngày cát, rất tốt. Mọi người nên xuất hành, đi lễ chùa, hội họp, khai bút. Không có tài liệu, căn cứ nào khuyên mọi người tránh ra ngoài đường giao thừa năm nay.
Hướng xuất hành tốt nhất là Tây Bắc, Đông Nam, những tuổi kỵ trong ngày này là: Mậu, Kỷ, Nhâm, Quý, Tý, Dậu. Giờ tốt: Mão, Ngọ, Mùi, Dậu
GS. Ngô Đức Thịnh, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên về thông tin giao thừa năm Đinh Dậu 2017 là giờ xấu.
“Tôi chưa từng thấy giao thừa năm nào là giờ xấu, mọi người nên ở nhà cả. Cá nhân tôi thấy khỏe, thời tiết đẹp thì đi ra ngoài tận hưởng không khí Tết, không thì ở nhà”, GS Thịnh nói.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, phong tục của người Việt đêm giao thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, người ta thường đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, công việc suôn sẻ.
Việc nhiều người kiêng ngày xấu bắt nguồn từ sự những sự việc không may lặp lại trùng hợp trong lịch sử.
Dịp đầu năm, người Việt xem việc xuất hành là quan trọng, người ta sẽ tránh ra khỏi nhà trong xấu theo Âm lịch. Dân gian vẫn lưu truyền các câu để nhắc nhau về ngày xấu như: “Mùng 5, 14, 23, đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn” hay “chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3”.
Ở phương Tây, người ta coi thứ 6 ngày 13 là ngày xui xẻo, có nhiều giả thuyết lý giải do Chúa Jesus bị hành hình vào thứ 6. Nhiều vụ tai nạn, thiên tai lớn cũng xảy ra vào ngày này. Người ta tránh bắt đầu công việc, dự án mới hay kết hôn, thậm chí có người còn hạn chế ra khỏi nhà, đi mua sắm, du lịch.
“Tôi từng trao đổi với một số nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây, họ cũng không lý giải được một cách cụ thể vì sao thứ 6 ngày 13 bị coi là ngày xui xẻo. Thực tế cũng chưa ai kiểm chứng được có thật kết hôn, quyết định dự án mới vào này đó sẽ đổ vỡ. Tôi nghĩ không nên kiêng kỵ quá nhiều, vận rủi chưa tới mà tâm lý mình đã bị ảnh hưởng, mất vui trong ngày Tết”, GS Thịnh nói.