Giải thể BCĐ Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ: Nhiều người hồi hộp
Điều khó nhất khi giải thể 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là xử lý nhân sự bởi có thể đụng chạm tới tâm tư, tình cảm, việc làm và địa vị của mỗi con người.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Theo một cán bộ công tác tại BCĐ Tây Nguyên, sau khi nghe thông tin sẽ dừng hoạt động của ban, nhiều cán bộ buồn, hụt hẫng. Đặc biệt, các cán bộ trẻ lo lắng, hoang mang không biết đi đâu, về đâu.
Hiện nay, trong BCĐ Tây Nguyên có khoảng 50 cán bộ nhân viên, trong đó 40% là cán bộ trẻ. Việc bố trí sắp xếp cán bộ chắc chắn trung ương sẽ có lộ trình, tháo gỡ vướng mắc nhưng dù sao thì đây cũng là nơi gắn bó nhiều năm.
Được biết hiện nay BCĐ Tây Nguyên có 1 trưởng ban, 1 phó ban thường trực, 3 phó ban, 3 ủy viên chuyên trách. Khối cơ quan thường trực gồm: Văn phòng, Vụ Kinh tế, Vụ Văn hoá - Xã hội, Vụ An ninh - Quốc phòng, Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Vụ Xây dựng hệ thống chính trị. Chức danh phó ban tương đương với thứ trưởng, chức danh vụ trưởng tương đương với cục trưởng.
"Trong những năm qua, BCĐ Tây Nguyên đã làm rất nhiều việc, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải không làm được gì như một số ý kiến" - vị cán bộ này cho biết thêm.
Trong khi đó, một cán bộ của BCĐ Tây Nam Bộ cho biết trước đây từng làm cán bộ ở UBND một tỉnh, khi được chuyển về ban thì ông làm lại từ đầu. Bây giờ, BCĐ Tây Nam Bộ giải tán thì ông có thể xin chuyển về lại UBND tỉnh đó và tiếp tục làm lại từ đầu nhưng không biết thế nào.
"Cách đây không lâu, UBND tỉnh có ý định xin tôi trở về nhưng Ban không đồng ý. Giờ Ban phải giải thể thì tôi không biết sẽ đi về đâu" - vị này tâm sự bằng giọng buồn buồn.
Giải quyết con người: Làm lơ mơ là không ổn Nói về việc giải thể 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, một lãnh đạo nhiều năm làm công tác tổ chức ở trung ương chia sẻ về quy trình "hậu giải thể". Theo ông, về mặt bộ máy, ba ban sẽ tiến hành giải thể, không còn tồn tại nữa. Nhưng về mặt con người, câu chuyện sắp xếp, tổ chức lại không hề đơn giản. Giải thể này không phải là giảm biên chế. Trong trường hợp này chỉ giải thể bộ máy chứ không đụng chạm đến con người. Còn giảm biên chế nằm trong một chủ trương chung, xử lý trong một hoàn cảnh khác. Đơn vị chủ quản 3 ban phải có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại theo hoàn cảnh từng người, có kết hợp nguyện vọng cá nhân để phân công lại. Tuy nhiên, căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể, có thể kết hợp giảm biên chế với giải thể bộ máy. Ví dụ như người còn một hai năm nữa nghỉ hưu; người bị bệnh, không đủ sức khỏe hoặc muốn nghỉ luôn. Đa số những lần giải thể sẽ có chính sách đặc biệt, khuyến khích cán bộ để kết hợp giảm biên chế. Tất nhiên không phải ép buộc mà tất cả đều phải đúng luật. Sau khi sàng lọc những người muốn nghỉ, cơ quan chủ quản sẽ tiến hành bố trí công việc mới cho những cán bộ còn lại trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng chính đáng và đánh giá năng lực từng người cũng như tuổi tác và sức khỏe, thời gian công tác còn lại. Nói về lo lắng nơi mới sẽ không tiếp nhận nhân sự từ ba ban, ông cho biết cấp trên có quyền điều phối và phân công cán bộ, cấp dưới không có quyền từ chối. Tóm lại, giải thể ba ban chỉ mới giải quyết về mặt bộ máy khi mạng lưới tổ chức bị hủy bỏ, còn con người thì vẫn vậy. Điều lo âu nhất, nan giải nhất, khó nhất khi giải thể là xử lý con người. Bởi giải quyết con người là cực kỳ khó khăn, đụng chạm tới tâm tư, tình cảm, công ăn việc làm và địa vị của mỗi con người. Việc này đòi hỏi phải làm kỹ, làm tốt, hài hòa, chăm lo đầy đủ chứ làm lơ mơ là không ổn. |
Về vấn đề thu hồi số tiền được quy kết sai phạm, đến nay số tiền khắc phục hậu quả được nộp vào tài khoản...