Giải mã khả năng siêu phàm của "cao thủ trí nhớ"

Sau khi luyện tập các phương pháp khai phá bộ não và nắm các phương pháp mã hóa, nhớ có hệ thống, thì khả năng nhớ dãy 1.800 con số như cao thủ trí nhớ Nguyễn Phùng Phong không có gì lạ.

Phải hiểu hoạt động của bộ não

Anh Nguyễn Phùng Phong (34 tuổi) là kỷ lục gia trí nhớ của Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 29.8.2015. Nếu như tại thời điểm xác lập kỷ lục, anh Phong có thể ghi nhớ và đọc lại lưu loát dãy 900 con số thì chỉ sau hơn 3 tháng, khả năng đó của anh đã tăng lên 1.800 con số.

Giải mã khả năng siêu phàm của "cao thủ trí nhớ" - 1

Theo anh Phong, quá trình luyện tập trí não bao gồm nhiều giai đoạn

Theo anh Phong, quá trình luyện tập trí não bao gồm nhiều giai đoạn, bước đầu là khởi động, rồi đến đọc nhanh, nhớ nhanh và cuối cùng là nhớ lâu. “Đầu tiên, cần phải hiểu về bộ não trước khi dùng nó. Sau đó, học kỹ thuật khởi động, tốc độ đọc, tốc độ nhớ, rồi liên kết đưa vô bộ nhớ dài hạn”, anh Phong chia sẻ.

Anh Phong giải thích thêm: Nhớ ngắn hạn là những cái như cầm tiền ra chợ phải nhớ mua cái gì, sau đó không cần nhớ nữa; còn nhớ màu cờ, thông tin địa lý, thơ ca thì phải nhớ dài hạn.

Ghi nhớ bằng cách mã hóa, vẽ ảnh…

Với bài học ghi nhớ màu cờ, anh Phong cho biết: Cờ của các nước có nhiều màu khá giống nhau. Tuy nhiên, chỉ cần nắm được mã màu và phương pháp liên kết thì sẽ thuộc hết cờ của tất cả các quốc gia chỉ trong khoảng 1 giờ.

Riêng bài học nhớ dãy số thì có nhiều kỹ thuật, trong đó người mới học có thể sử dụng phương pháp gán hình ảnh lên hành trình. “Đầu tiên tôi chỉ gán 1 hình ảnh lên 1 điểm, bây giờ thì tôi có thể gán 6 hình ảnh lên 1 điểm. Có nghĩa là trước nay, thay vì để nhớ 500 số, tôi phải nhớ đến 100 điểm; thì bây giờ câu chuyện đã khác rồi - số điểm phải nhớ giảm đi rất nhiều”, anh Phong chia sẻ.

Giải mã khả năng siêu phàm của "cao thủ trí nhớ" - 2

Anh Phong cho biết, với bài học nhớ dãy số thì có nhiều kỹ thuật, trong đó người mới học có thể sử dụng phương pháp gán hình ảnh lên hành trình

“Thậm chí bậc thầy kỷ lục thế giới còn có phương pháp nhớ 18 hình trên 1 điểm nên rất tiết kiệm bộ nhớ. Nói chung là phải có phương pháp mã hóa”, anh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, còn có phương pháp ghi nhớ thứ hai là vẽ bức tranh. Theo đó, chỉ cần nghe người khác đọc ra các con số là người nghe đã có thể vẽ được ngay 1 bức tranh trong đầu.

Anh Phong cho biết thêm, quá trình luyện tập của anh nhằm mục tiêu cuối cùng là khai phá bộ não, phát triển khả năng tiềm ẩn của con người. Sau khi bộ não phát triển và biết cách nhớ có hệ thống, bất kỳ ai cũng có thể nhớ được nhiều kiểu dữ liệu khác, như bảng lương, giá điện thoại, khuôn mặt người…

Được biết, anh Phong đã tham gia đào tạo cho các nhân viên của một hãng điện thoại để họ nhớ giá của mọi dòng máy chỉ sau 15 phút. Ngoài ra, một hệ thống bán cà phê cũng nhờ anh đào tạo nhân viên nhớ khuôn mặt của khách hàng để tạo sự thân thiện.

“Tại sao có người mình gặp rồi sẽ nhớ, mà có người lại không thể nhớ được? Đầu tiên phải hiểu chuyện gì xảy ra? Gặp một người và mình nhớ được họ ngay là do có cảm xúc mà cảm xúc thuộc về não phải. Cái gì nằm bên não phải thì rất “to” nên dễ ghi nhớ, như một cô gái đẹp, một anh chàng điển trai, hay một người làm mình bực, ghét, nhưng những điều đó phải rõ ràng”, anh Phong nói.

Khi được hỏi về sự khác nhau giữa phương pháp nhớ và tính nhẩm (phương pháp tính nhẩm phổ biến hiện nay là phối hợp giữa Soroban và Finger), anh Phong giải thích: Mặc dù phương pháp trí nhớ siêu tốc khác Soroban và Finger, nhưng tất cả đều có chung mục tiêu cuối cùng là khai phá năng lực tốt nhất có thể.

“Thật ra mình vẫn sử dụng bộ não mỗi ngày, nhưng không luyện tập thì khả năng sử dụng của bộ não rất ít. Do đó, phải có phương pháp để hệ thống hóa và phải có quy trình. Nhớ là tưởng tượng và tạo hình ảnh trong đầu, còn tính nhẩm liên quan tới khả năng tư duy và tính toán”, anh Phong nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Những "dị nhân" giữa đời thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN