Đêm trắng trước mùa hoa anh túc

Phà Cà Tún là dãy núi phân định ranh giới Việt - Lào ở huyện Quế Phong, nơi xa nhất, nghèo nhất tỉnh Nghệ An. Dưới chân Phà Cà Tún, những bản làng người Mông, người Khơ Mú, người Thái... chất chứa những nỗi đau, những bi kịch, những phận người lầm lũi.

Theo tiếng Thái thì Phà Cà Tún có nghĩa là vùng đất trồng cây thuốc phiện, loài cây chưa bao giờ chết ở miền biên viễn, kể cả thời điểm nhiều năm sau khi có lệnh xóa bỏ. Mùa hoa anh túc lại đến, một cuộc chiến nữa lại bắt đầu.

Vào cứ địa cuối cùng của hoa Dinh

Suốt một thời gian dài, độ khoảng vài chục năm, huyện Quế Phong là thủ phủ cây thuốc phiện của cả nước. Loài cây có cái tên khá mĩ miều là hoa anh túc này được trồng ở tất cả các bản làng ở huyện vùng cao xứ Nghệ. Từ trên núi Phà Cà Tún, xuống các xã Châu Thôn, Tiền Phong, Đồng Văn rồi đến tận những vùng trung tâm như thị trấn Kim Sơn, xã Châu Kim, Mường Nọc... Cây thuốc phiện mang nhiệm vụ chủ lực trong công tác “xóa đói giảm nghèo”, loài hoa anh túc như một ma lực đẩy người Mông, người Thái, người Khơ Mú vào những vụ mùa đầy mê hoặc.

Sau khi có lệnh xóa bỏ cây thuốc phiện của Chính phủ, thủ phủ Quế Phong liên tiếp bước vào những cuộc chiến. Cây thuốc phiện cứ bị bao vây, đẩy lùi dần, đến bây giờ chỉ còn sót lại trên nương rẫy của các bản làng người Mông tít tận xã biên giới Tri Lễ. Nơi mà Chủ tịch xã Lô Văn Thu cứ nằng nặc khuyên nhà báo không nên vào vì gian khổ lắm, đường đất, đi bộ, lỡ may trời mưa có khi phải ở lại cả tuần.

Đêm trắng trước mùa hoa anh túc - 1

Cây thuốc phiện vẫn được trồng trên vùng cao Tri Lễ

Tổ công tác của Đồn biên phòng 519 nằm ở bản Mường Lống, chịu trách nhiệm theo dõi những mùa rẫy của 410 hộ bà con người Mông ở các bản vùng cao của xã Tri Lễ là Mường Lống, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mương, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 và bản Nậm Tụt. Người Mông ở những bản làng này gọi thuốc phiện là hoa Dinh, một cách gọi gần gũi hơn rất nhiều so với ruộng lúa hay nương rẫy.

Mùa hoa anh túc khá ngắn, bắt đầu gieo hạt từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau là có thể thu hoạch. Mỗi một đám cây thuốc phiện chỉ tầm 20 m2 có thể đem đến cho người Mông vài chục triệu đồng, bằng khoảng chục năm làm nương rẫy hay trồng lúa. Cứ gieo hạt xuống, chẳng cần chăm sóc, đến kỳ hoa nở, họ khứa dọc theo bông hoa có bề ngoài giống quả sung lấy nhựa đem về. Trừ lại một phần hút để “leo núi cho giỏi”, một phần bán hoặc đổi trâu bò.

Bởi thế nên mấy bận cán bộ huyện, xã, bộ đội biên phòng dạy cho dân bản cấy lúa nước để thay cho những buổi lên nương rẫy vừa xa xôi vừa khó nhọc mà họ cứ lờ đi. Một vài hộ thấy cán bộ nằn nì nhiều quá cũng nể, bất đắc dĩ phải xuống ruộng. Xuống kiểu miễn cưỡng nên cứ cấy vây vòng tròn quanh người rồi dẫm lên, lấy cớ không biết làm mà bỏ.

Thượng úy Đào Văn Minh, Tổ trưởng tổ công tác nói rằng “tổ chẳng bao giờ hoàn thành nhiệm vụ vì không ngăn cản nổi “sở thích” trồng cây thuốc phiện của người Mông”. Tuyên truyền ra rả, có thưởng có phạt, nhưng đến mùa, hoa anh túc vẫn cứ nở tím trong những khoảnh rừng, trên nương rẫy người Mông.

Đêm trắng trước mùa hoa anh túc - 2

Trưởng bản Chống phổ biến người dân cấm trồng cây thuốc phiện

Tám năm công tác ở Đồn 519 là 8 mùa hoa anh túc mà anh Minh cùng đồng đội tham gia những đợt nhổ bỏ loài hoa độc. Chỉ mới đầu năm nay, khi UBND huyện Quế Phong ra Quyết định số 143 về việc thành lập đoàn kiểm tra, xử lý diện tích tái trồng cây thuốc phiện xen lẫn cây màu, Tổ công tác của thượng úy Minh cùng với đoàn kiểm tra liên ngành phá nhổ 23 đám trồng thuốc phiện với tổng diện tích 3.070 m2 tại Huồi Mương.

Tiếp tục vượt rừng leo đến chân dãy núi Phà Cà Tún triệt phá thêm 13 đám trồng thuốc phiện có tổng diện tích 1.940 m2. Chưa kịp nghỉ ngơi thì đầu tháng 3 có tin báo một rẫy thuốc phiện sắp thu hoạch ở gần suối Nậm Tụt. Tại khu vực này, sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện phá nhổ 3 đám trồng thuốc phiện có diện tích 1.800 m2. 1,2 ha thuốc phiện trong vụ vừa rồi, chả trách tổ công tác của Đồn biên phòng 519 thêm một lần không hoàn thành nhiệm vụ.

“Nghị quyết” cấm trồng... rau cải

Cây thuốc phiện còn nhức nhối quá. Chỉ thị cấp trên yêu cầu thành lập các ban quản lý (BQL) ở các bản người Mông bao gồm bí thư, trưởng bản và đại diện các đoàn thể. Mỗi BQL có hơn chục người, trách nhiệm chính là tuyên truyền vận động và giám sát việc trồng cây thuốc phiện của người dân dưới chân dãy Phà Cà Tún.

Mùa hoa anh túc năm ngoái bị chỉ trích quá nhiều vì để người dân trồng cây thuốc phiện xen lẫn rau cải nên chuẩn bị “xuống vụ” năm nay, Bí thư chi bộ bản Mường Lống Thào Thống Lỳ và Trưởng bản Và Nhia Chống quyết định chọn thời điểm này tổ chức họp BQL và dân bản để quán triệt không được tái trồng cây thuốc phiện nữa.

Nghe đâu huyện Quế Phong treo thưởng cho bản nào không trồng sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng nên không khí chuẩn bị cuộc họp của BQL khá nhộn. Dù vậy Thào Thống Lỳ cũng phải chọn địa điểm họp ở gần nhà Và Dí Sinh, hộ dân đang làm nhà, nơi tập trung nhiều dân bản nhất. Chọn kỹ như thế nhưng cũng phải đến gần 9 giờ tối mới có vài chục người dân đến tham gia.

Đem vấn đề làm thế nào để đảm bảo việc không tái trồng cây thuốc phiện khi đã đến vụ, dân bản chẳng có ý kiến gì. Bí thư Lỳ và Trưởng bản Chống lại có quan điểm khác nhau. Theo Bí thư Lỳ thì việc trồng cây thuốc phiện của dân bản là do loài cây này khi mới mọc rất giống rau cải. Dân bản chỉ việc gieo hạt trộn với rau cải là BQL không phát hiện được, chỉ đến lúc trổ hoa mới phân biệt thì đã cận ngày thu hoạch rồi. Vì vậy, Bí thư Lỳ đề xuất nên có nghị quyết cấm người dân trồng rau cải để diệt luôn cây thuốc phiện. Nghe cũng hay hay nhưng Trưởng bản Chống vội bác: “Dân bản ăn bằng rau cải, nếu không trồng thì không có rau để ăn. Vì vậy cấm trồng rau cải cũng khó”.

Đêm trắng trước mùa hoa anh túc - 3

Cuộc họp trước mùa hoa anh túc

“Theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện đối tượng trồng cây thuốc phiện sẽ bị khởi tố. Tuy nhiên ở các bản Mông thuộc xã Tri Lễ việc xác định đối tượng là rất khó. Đất nương rẫy của bà con thường do phát đốt mà có nên không xác định được của ai. Mà giả sử phát hiện ở bản Mường Lống cũng chưa chắc là do dân bản trồng, người bản khác sang cũng nên. Thành thử việc khởi tố là rất khó”, thượng úy Minh phân tích.

BQL đang bàn bạc phía trên thì bên dưới đã lác đác vài tiếng ngáy. Công an viên tên là Xông Bá Dìa phải làm nhiệm vụ đi đánh thức các đại biểu. Bị phá mất giấc ngủ, một số người tấm tức bỏ ra về. Công an Dìa vội mắng: “Muộn rồi bây còn đi mô? Đi hút hay là đi ăn trộm? Hay là đi bàn nhau để trồng thuốc phiện? Quá 10 giờ mà đi lang thang trong bản là choa bắt đó”. Từng tốp người vẫn cứ lầm lũi đi.

Chuyện cấm trồng rau cải có vẻ không khả thi, Bí thư Lỳ chuyển sang phương án quán triệt từng dòng họ. Mường Lống có 8 dòng họ cả thảy. Họ Và có 39 hộ, họ Xông 15 hộ, họ Thò 26 hộ… tất cả có 90 hộ, 862 khẩu. Đại diện các họ đều lấn cấn bằng tiếng Mông, đại ý là cấm trồng cây thuốc phiện thì lấy gì mà ăn đây. Diện tích đất sản xuất của cả bản cũng có khoảng 24 ha nhưng tập quán chỉ quen trồng cây thuốc phiện, không quen làm lúa, làm nương nên 44 hộ còn nằm trong diện đói nghèo.

2 giờ sáng mà cuộc họp bản vẫn chưa thống nhất được các phương án. Đại diện các dòng họ, các hộ dân cũng ký vào biên bản cam kết không trồng cây thuốc phiện xen lẫn cây cải. Cái việc mà nhiều cuộc họp những năm trước họ đã làm. Ký thì ký nhưng trồng thì vẫn trồng. Cuối cùng Bí thư Lỳ và Trưởng bản Chống chỉ dám đặt chỉ tiêu không trồng với hơn chục cán bộ, đảng viên trong BQL. Ấy vậy mà chỉ tiêu này có vẻ cũng khó hoàn thành.

“Cán bộ, đảng viên trong bản từ trước đến nay vẫn trồng mà. Nhà ta khổ lắm, tỉnh nói huyện, huyện nói xã, xã nói bản, bản chẳng nói được ai. Năm nay sẽ làm quyết liệt nhưng cấm được hay không thì ta không dám hứa”, Bí thư Lỳ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN