Đề nghị lấy tiền tham nhũng để bồi thường oan sai
Chánh án TAND Tối cao đề nghị lấy tiền từ thu hồi tài sản tham nhũng, buôn lậu… để thành lập quỹ bồi thường oan.
Khi phát biểu ý kiến về Luật Bồi thường nhà nước tại buổi thảo luận tổ chiều 27-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói: “Ở đây có cả phóng viên báo chí, tôi xin nói thẳng về vấn đề bồi thường oan, sai mà dư luận rất quan tâm”. Trước đó, ông Bình cũng khẳng định nguyên tắc rằng: “Nhà nước làm sai thì phải bồi thường cho dân”.
Chánh án TAND Tối cao cho biết, bản thân ông đang theo dõi mấy vụ án oan gần đây và thấy rằng: bồi thường oan, sai kiểu gì cũng bị phản ứng.
“Nếu theo đúng quy định của luật, Bộ Tài chính yêu cầu phải có giấy tờ, chứng từ… xác nhận các khoản đã chi cho việc kêu oan, thì người bồi thường không có bao nhiêu cả. Ví dụ như vụ ông Nén ở Bình Thuận hiện nay, nếu theo đúng quy định thì bồi thường sẽ rất ít. Nhưng nếu ít như vậy, dư luận sẽ nói mười mấy năm bị oan mà bồi thường có thế thôi sao”, ông Bình nêu thực tế.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Luật Bồi thường nhà nước chiều 27-10. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Bình, có nhiều khoản mà người bị oan sẽ không thể “chứng cứ hóa” được. Chẳng hạn như thiệt hại về danh dự, tinh thần là rất khó định lượng. “Điều này lại tùy vào việc vận dụng chính sách, quy định. Có hai luồng ý kiến, một là yêu cầu vận dụng thật nhiều, hai là vận dụng quy định, chính sách như thế sẽ tạo ra sự tùy tiện”, ông Bình phân tích.
Đề cập đến những vụ án oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Trần Văn Thêm mới đây, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng: khi không thương lượng được thì có thể kiện ra tòa. “Nhưng khi kiện ra tòa cũng khó vì phải có căn cứ về các thiệt hại”, ông Bình nói.
Về vấn đề quy trách nhiệm để xảy ra oan, sai, ông Bình cho rằng: khi xảy ra oan sai là lỗi tổng hợp, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử và lỗi ở khâu nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. “Tôi đã từng đề nghị ý kiến phải có trách nhiệm liên đới giữa các cơ quan tố tụng”, ông Bình cho biết.
“Nếu giai đoạn xét xử gây ra oan, sai thì tòa án phải xin lỗi. Nhưng việc đền bù thì phải là cả ba cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Vì một vụ oan, sai là “sản phẩm” chung của cả ba cơ quan này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Ông Bình cũng đồng ý rằng: nhân dân lên án việc để xảy ra án oan là đúng và câu chuyện nóng hơn hiện nay là lấy tiền đâu để bồi thường cho những người bị oan.
“Dư luận đặt ra câu hỏi: tiền nhân dân đóng thuế không phải để trả cho các ông gây ra oan, sai. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền bù à?”, ông Bình phát biểu và cho rằng: câu hỏi của dân là chính đáng.
Ông Bình cho biết: thế giới đã giải quyết được bài toán này. Theo đó, tất cả những khoản tiền thu được từ những vụ tham nhũng, buôn lậu, ma túy… đều được đưa vào một quỹ. Và khi xảy ra oan, sai… thì lấy tiền từ quỹ này để bồi thường cho dân. Ông Bình đề nghị nên cân nhắc phương án này và cho rằng: việc người dân băn khoăn về việc lấy tiền thuế để bồi thường là chính đáng.