ĐBQH: “Chúng ta làm dân thường một vài giờ xem”
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, hiện nay đất nước ta kém an toàn hơn so với nhiều năm trước đây. Vì vậy Quốc hội khóa 14 phải tăng giám sát việc thi hành pháp luật để đảm bảo an toàn, hạnh phúc, quyền công dân của người dân.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 11, chiều 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016. Mở đầu phần thảo luận của mình về báo cáo nhiệm kỳ công tác của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, ông muốn nhấn mạnh hai khoản nợ của Quốc hội với cử tri, đó là thái độ, hành động, lời nói với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo ông Sơn, đây là thách thức lớn. Những ngày vừa qua, Bộ trưởng Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam và thống nhất không làm căng thẳng tình hình biển Đông nhưng họ đã mang tên lửa, máy bay ra các đảo.
“Cử tri nói rất mạnh về tham nhũng, nhưng chống không được bao nhiêu. Đó cũng là món nợ của Quốc hội”, ông Sơn nói.
Đề cập đến hoạt động chất vấn trong nhiệm kỳ vừa qua của QH, ông Sơn cho biết, các đại biểu QH đã nêu cao trách nhiệm trước cử tri khi thẳng thắn nêu ra những bức xúc của cử tri để đưa lên Quốc hội. Các đại biểu không ngại chất vấn, không ngại va chạm. Thông qua hoạt động chất vấn các đại biểu ngày đã càng trưởng thành, tự tin hơn. Các Bộ trưởng cũng không ngại chất vấn nữa, cũng không còn quan hệ căng thẳng giữa các Bộ trưởng khi bị chất vấn nữa.
“Tuy nhiên, trong hoạt động chất vấn còn hạn chế. Còn câu hỏi chỉ để nắm thông tin, nắm tình hình. Cử tri còn cho rằng, có đại biểu bồi cho Bộ trưởng trả lời. Có đại biểu hỏi chưa đúng lắm nhưng Bộ trưởng vui vẻ trả lời”, ông Sơn nhận xét.
Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội nêu được rất nhiều điều. Tuy nhiên, dù Quốc hội đã có nghị quyết xây dựng luật nhưng nhiều lần cơ quan soạn thảo vẫn xin lùi, chuyển sang nhiệm kỳ sau là không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Trương Trọng Nghĩa nêu ra ví dụ như Luật biểu tình, Luật lập hội mà Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị từ năm 2005 đã đưa vào, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn lần lữa chưa hoàn thiện. Do đó, phải có chế tài, nếu không người dân có cảm giác cơ quan hành pháp có quyền lực hơn cơ quan lập pháp.
Theo đánh giá của vị ĐBQH TP.HCM, Quốc hội không chỉ là cơ quan ban hành luật mà Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật.
"Tôi thấy tình hình phạm pháp cần được báo động. Pháp luật bị vi phạm ở mọi địa phương, mọi cấp độ. Những người hoạt động pháp luật đều thấy pháp luật càng chặt chẽ, tội phạm càng tinh vi. Do đó, pháp luật phải càng hoàn thiện hơn, phòng chống tội phạm phải càng chặt chẽ hơn. Đây là cuộc rượt đuổi mang tính quy luật. Vì vậy, pháp luật phải cao hơn, nhanh hơn", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ sự trăn trở khi ở Việt Nam, tội phạm không cần tinh vi mà lại rất trắng trợn, rất công khai, kéo dài, ví dụ vấn đề khai thác cát, phá rừng, xây biệt thự trên đất cấm, xây nhà cao tầng trái phép tại đô thị không phải "chuyện đi đêm" nhưng vẫn diễn ra thường xuyên với quy mô ngày càng lớn.
"Chúng ta phải suy nghĩ nguyên nhân nằm ở đâu?". Ông Nghĩa nêu câu hỏi và cho rằng công tác phòng chống tội phạm có vấn đề khi người ta vi phạm pháp luật mà không còn sợ nữa!
"Nếu chúng ta làm dân thường một vài giờ xem, chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản dễ bị xúc phạm, bị xâm hại ra sao", ông Nghĩa nói.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, hiện nay đất nước ta kém an toàn hơn so với nhiều năm trước đây. Vì vậy, Quốc hội khóa XIV phải tăng giám sát việc thi hành pháp luật để đảm bảo an toàn, hạnh phúc, quyền công dân của người dân.
Cùng tham gia thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ công tác của Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, báo cáo này với những nhà nghiên cứu, người ngoài đọc chưa hiểu rõ lắm những sâu sắc của hoạt động QH.
Do đó, ông Tiên bổ sung 2 vấn đề, đó là việc QH khóa này đã khuyến khích, tạo điều kiện để giải oan, án oan. Theo ông Tiên, vấn đề này có công rất lớn của các ĐBQH, Quốc hội. Do đó, phải ghi trong báo cáo.
Vấn đề thứ hai theo ông Tiên là QH có rất nhiều điểm mạnh nhưng chưa rõ trong báo cáo cho nên "đọc rất nghị quyết, văn chương" nhưng hồn sâu xa chưa có.
“Qua thực tế chúng tôi thấy rằng sang khóa tới đề nghị QH quan tâm phân công thẩm tra các dự án luật. Khuyến khích các đại biểu đề xuất luật, ngắn gọn và phải kiên định, ủng hộ các ý tưởng mới. Phải có dũng khí thì mới làm được cái này. Nếu không có hàng trăm ý kiến đưa ra sẽ rất khó bảo vệ”, ông Tiên nêu.
Ông Tiên cũng cho rằng phải khuyến khích các đại biểu đi cơ sở, như thế mới có thực tế. Nếu không cử tri người ta bảo đại biểu chỉ ngồi làm luật trong phòng lạnh.
“Trong báo cáo của Ủy ban các vấn đề gửi đến Quốc hội khóa sau có mấy vấn đề nhưng tôi thì quan tâm đến việc tại sao làm đường ở Việt Nam đắt nhất thế giới. Hiện chúng ta đang vay vốn ODA của nước ngoài, vậy làm đường đắt gấp đôi thế giới rất gay go”, ông Tiên nói.