Đập thủy điện xây kiểu... hàng mã
Nguyên nhân làm đập thủy điện Đăk Mek 3 vỡ vụn là do chủ đầu tư đã cho thi công đập sai so với hồ sơ thiết kế.
Sáng nay (29/11), UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo công bố thông tin về sự cố vỡ đập tràn công trình thuỷ điện Đăk Mek 3, nằm trên địa bàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum).
Ông Đặng Thanh Long, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum chủ trì buổi họp báo. Ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ điện Hồng Phát - Đăk Mek (chủ đầu tư công trình thuỷ điện Đăk Mek 3) được UBND tỉnh Kon Tum mời tham dự họp báo, song đã không có mặt.
Thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum cho hay, công trình thuỷ điện Đăk Mek 3 thuộc quy hoạch vừa và nhỏ tỉnh Kon Tum, với cấp thiết kế công trình theo TCVN 285-2002 (công trình thiết kế cấp III), có công suất 7,5 MW do Công ty Cổ phần thuỷ điện Hồng Phát - Đăk Mek làm chủ đầu tư.
Ông Đặng Thanh Long, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum
Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, về sự cố vỡ đập thuỷ điện Đăk Mek 3 xảy ra ngày 22/11/2012, gây chết người, nguyên nhân là chủ đầu tư đã thi công đập sai so với hồ sơ thiết kế cơ sở đã được Sở Công thương tỉnh Kon Tum tham gia ý kiến (hồ sơ thiết kế cơ sở do Công ty Cổ phần tư vấn thuỷ lợi thuỷ điện miền Nam lập, Công ty tư vấn xây dựng Điện 1 thẩm tra).
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó giám đốc Sở Công thương Kon Tum, về thiết kế, thân đập thủy điện được đổ bằng bê tông liên tục, mác 150. Tuy nhiên khi kiểm tra hiện trường đã phát hiện thân đập toàn đất, cát, đá dẫn đến việc đập chịu lực yếu, dẫn đến sự cố. Ngoài ra, với thiết kế chiều dài toàn thân đập là 165m, qua kiểm tra đã phát hiện hơn 109m thân đập bị vỡ toác, điều này khác xa so với con số báo cáo của đơn vị thi công.
Trong 24 giờ sau khi xảy ra sự cố, Công ty Cổ phần thuỷ điện Hồng Phát Đăk Mek chưa báo cáo cho Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kon Tum và các cơ quan chức.
Ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ điện Hồng Phát - Đăk Mek kiểm tra hiện trường vụ vỡ đập
Để giải quyết vụ việc nói trên, thay mặt UBND tỉnh, ngày 28/11, ông Phạm Thanh Hà đã ký ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hồng Phát – Đăk Mek đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình thuỷ điện Đăk Mek 3; đồng thời báo cáo ngay sự cố cho Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kon Tum và các ngành chức năng. Chủ đầu tư cũng phải nộp toàn bộ hồ sơ của công trình từ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công, tổ chức thi công, giám sát của công trình, hồ sơ chất lượng công trình (kể cả hồ sơ nghiệm thu từng bước, từng hạng mục công trình) cho Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum trước ngày 1/12/2012; có phương án, kế hoạch cụ thể và thực hiện khắc phục hậu quả sự cố xảy ra. Trong đó, thực hiện ngay việc khai thông đảm bảo dòng chảy trên lưu vực sông Đăk Mi, bảo vệ môi trường tại khu vực này.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Xây dựng chọn đơn vị tư vấn xây dựng có đầy đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm theo quy định để thực hiện khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của người gây ra sự cố công trình xây dựng. Sở Xây dựng phối hợp Sở Công thương và các đơn vị có liên quan kiểm tra toàn bộ hồ sơ có liên quan đến công trình thủy điện Đăk Mek 3 do chủ đầu tư cung cấp, đối chiếu với các quy định hiện hành, hồ sơ hiện đang lưu trữ và kết quả thẩm định của đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập thuỷ điện Đăk Mek 3; tham mưu báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoang tàn công trường đập thủy điện Đăk Mek 3
UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ vụ việc chết người tại công trình thuỷ điện Đăk Mek 3; xử lý theo quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc có hay không chuyện “ém” thông tin về vụ vỡ đập thuỷ điện Đăk Mek 3, ông Đặng Thanh Long: UBND tỉnh sẽ xác minh lại trách nhiệm của UBND huyện Đăk Glei, Sở Công thương, Sở Xây dựng… trong vụ vỡ đập xảy ra lúc 18 giờ ngày 22/11 vừa qua, và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi sự việc xảy ra ngày 22/11, song đến ngày 26/11, qua thông tin báo chí phản ảnh, UBND tỉnh Kon Tum mới biết được.
Đồ hàng mã GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, một chuyên gia đầu ngành về các công trình đập nước, Viện Trưởng Viện Thủy lợi TP.HCM nói: Hơn 43 năm gắn bó với các công trình chứa nước chưa bao giờ nghe chuyện vỡ đập kiểu này. Để gây vỡ thân đập như nhà đầu tư giải thích chiếc xe ben phải chạy với tốc độ rất cao mới đủ lực tác động. Thực tế tại công trường đang xây dựng, đến sát thân đập xe khó chạy nhanh được. Cứ cho xe chạy với tốc độ kinh hồn thì cũng chỉ gây vỡ một đoạn nhỏ tối đa chục mét thôi, đằng này vỡ đến 60m chiều dài chỉ vì một chiếc xe ben nghe lạ tai quá. Điều này có lẽ do chất lượng thân đập được thi công kém, mong manh quá, như đồ hàng mã. Bê tông không đúng kỹ thuật, sắt thép cho thân đập không đúng, không đủ, việc lèn đất ở giữa không đảm bảo. Có thể do nhà đầu tư bất chấp tất cả để giảm chi phí, cố làm cho nhanh nên không đảm bảo chất lượng cho công trình. Cùng nhận định, GS.TS Nguyễn Thế Hùng, khoa xây dựng thủy lợi và thủy điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhận định ban đầu: xe ben va vào làm vỡ đập, thì khi đi vào tích nước làm sao chịu nổi áp lực nước. Lỗi do thiết kế hay thi công phải kiểm tra hồ sơ thiết kế, quá trình kỹ thuật thi công, nhưng các đơn vị thiết kế khó sai kiểu như thế này. “Lần đầu tiên nghe một thân đập vỡ vụn gần hết chỉ vì một chiếc xe ben như thế này”, GS.TS Hùng nói. Thái Ngọc |