Dân Philippines phản đối việc quân Mỹ quay trở lại

Dù chính phủ rất cần một đồng minh quân sự mạnh, người dân Philippines lại không muốn thấy sự hiện diện lớn của lính Mỹ ở đất nước từng là thuộc địa của Mỹ này.

Ngày 28/4, đông đảo người dân Philippines đã đổ ra đường biểu tình và đốt hình nộm Tổng thống Mỹ Barack Obama để phản đối thỏa thuận hợp tác quân sự 10 năm mở đường cho việc quân Mỹ ồ ạt trở lại Philippines.

Theo thỏa thuận quân sự này, quân đội Mỹ sẽ được phép triển khai binh sĩ, tàu chiến, máy bay tới các căn cứ quân sự lớn ở Philippines trong bối cảnh Washington đang nỗ lực giúp đỡ Manila tăng cường năng lực quốc phòng trước các nguy cơ đến từ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo.

Dân Philippines phản đối việc quân Mỹ quay trở lại - 1

Người biểu tình đốt hình nộm ông Obama ở thủ đô Manila

Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Mỹ là một vấn đề vô cùng nhạy cảm ở Philippines, nước từng là thuộc địa của Mỹ. Năm 1991, Thượng viện Philippines đã buộc Mỹ phải rút hết quân ra khỏi nước này và đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Subic và Clark.

Đến năm 1999, trong bối cảnh tình hình tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, Thượng viện Philippines đã thông qua một đạo luật cho phép Mỹ triển khai quân tạm thời tới nước này.

Trong cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Manila, người dân Philippines đã đốt hình nộm ông Obama và giương cao các khẩu hiệu đòi quân Mỹ không được quay trở lại nước này. Cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình và không có những đụng độ đáng tiếc xảy ra.

Sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ đã đưa hàng trăm binh sĩ tới miền nam Philippines để tổ chức các cuộc diễn tập chống khủng bố cho quân đội Philippines đang chiến đấu với các phiến quân Hồi giáo tại đây.

Dân Philippines phản đối việc quân Mỹ quay trở lại - 2

Dân Philippines không muốn lính Mỹ quay trở lại nước này

Còn trong bối cảnh hiện nay, Philippines đang phải tập trung đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ bên ngoài, đặc biệt là trong tình hình tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông, và Manila đang muốn Mỹ can thiệp sâu hơn vào cuộc tranh chấp này.

Thỏa thuận hợp tác quân sự lần này được ký trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama tới Philippines, và nó được cho là sẽ “thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Theo các quan chức Mỹ, thỏa thuận quân sự này sẽ giúp đồng minh Philippines đạt được nhiều mục đích.

Với lực lượng quân sự nhỏ bé của mình, Philippines đang phải chật vật để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực trong các tuyên bố lãnh thổ phi lý của mình trên Biển Đông.

Dân Philippines phản đối việc quân Mỹ quay trở lại - 3

Tổng thống Mỹ Obama gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigno Aquino

Chuyên gia phân tích chính trị Ramon Casiple ở Manila nhận định: “Động cơ cấp thiết hiện nay của Philippines là tăng cường sức mạnh quân sự và tìm kiếm một lá chắn bảo vệ cho quân đội còn non yếu của mình. Trong khi đó, Mỹ lại đang tìm cách trở lại châu Á, nơi vị thế siêu cường của họ đang bị lung lay.”

Theo ông Casiple, Mỹ và Philippines có thể hợp tác để ngăn ngừa Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa và càng tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN