Người dán chữ “Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao” có bị xử phạt?

Các luật sư cho rằng, hành vi dán băng keo kèm chữ "Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao" lên ô tô dù không gây thiệt hại thì người dán chữ này vẫn bị phạt nếu chủ xe báo công an.

Người dán chữ “Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao” có bị xử phạt? - 1

Xe ô tô Suzuki  màu đỏ bị dán đầy băng keo, kèm dòng chữ: "Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao”.

Hai ngay qua, trên mạng xã hội và diễn đàn về ô tô chia sẻ rộng rãi hình ảnh chiếc ô tô Suzuki  màu đỏ đỗ ở đường Vũ Phạm Hàm (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị dán đầy băng keo, kèm dòng chữ: "Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao”.

Liên quan tới sự việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, người thực hiện hành vi dán băng keo kèm theo dòng chữ với ý đe dọa có bị xử lý hay không?

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) và luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, trong trường hợp, chủ phương tiện trình báo cơ quan công an đề nghị xử lý người tự ý dán băng keo và dòng chữ: "Lần sau đỗ xe ở đây đừng trách tao”  thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý.

“Trong trường hợp, chủ xe trình báo công an sự việc chiếc xe mình bị xâm phạm trái phép và đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra vào cuộc điều tra xác định động cơ của đối tượng, mức độ thiệt hại để làm căn cứ xử lý.

Giả sử việc gây ra thiệt hại với xe ô tô là tróc sơn, khiến chủ xe phải mang đi sửa chữa với chi phí trên 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trên có thể bị xử lý về tội “Hủy hoại tài sản” theo Bộ luật Hình sự hiện hành.

Nếu hành vi trên gây ra thiệt hại nhưng chưa tới mức xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo Nghị định 167/2013 với số tiền phạt từ 2 tới 5 triệu đồng”, luật sư Kiên nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh và luật sư Lê Văn Kiên, trong trường hợp hành vi dán băng keo không gây ra thiệt hại cho chiếc xe thì người thực hiện hành vi này vẫn bị xử phạt hành chính về hành vi “Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác” theo Nghị định 167/2013 với mức phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

“Không ai có quyền tự ý xâm phạm tài sản của người khác khi chưa được phép”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) thì cho rằng, nếu hành vi dán băng keo chưa gây ra thiệt hại về tài sản thì hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết với nhau.

Theo luật sư Thơm, nhiều người dân hiện nay vẫn giữ ý thức chủ quan cho rằng, khu vực đường phố, vỉa hè trước nhà mình là “của mình” nên khi thấy phương tiện nào đó dừng đỗ gây cản trở là thể hiện thái độ khó chịu, thậm chí cố ý làm hư hại tài sản. Hành vi như vậy là trái pháp luật và thực tế đã có nhiều trường hợp bị xử lý.

Tuy nhiên, luật sư Thơm cũng cho rằng, các tài xế khi dừng đỗ cũng nên chú ý tránh gây cản trở giao thông khiến người dân bức xúc.

“Nhiều lái xe cứ thấy không có biển cấm đỗ là đỗ tràn làn mà không nghĩ tới việc dừng đỗ của mình gây cản trở giao thông. Tôi cho rằng, dù trong trường hợp nào, người dân và tài xế nên bình tĩnh giải quyết, tránh xâm phạm tài sản người khác. Nếu cần thiết thì nhờ lực lượng chức năng can thiệp xử lý”, luật sư Thơm nói.

Ô tô đậu trong ngõ bị đè đá, viết chữ ”NGU” trên thân xe

Chiếc xe bán tải bị xịt sơn màu hồng viết chữ “NGU” và vẽ chằng chịt quanh thân xe, đèn chiếu sáng, biển số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN