Ấm tình người trong vùng rốn lũ

Mưa lũ vẫn còn để lại thiệt hại nặng nề cho người dân Bình Định, Phú Yên. Sau thiên tai, họ đang gắng gượng khôi phục cuộc sống, không ít câu chuyện ấm áp tình người, tương thân nhân ái...

Ấm tình người trong vùng rốn lũ - 1

Người dân thôn Tân Giản dọn dẹp phần đổ sập căn nhà của bà Nguyễn Thị Giàu. Ảnh: V.N.

Mưa lũ quét qua khiến hàng trăm ngôi nhà tại Bình Định, Phú Yên bị đổ sập, người dân lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Hàng ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi khiến kinh tế người dân kiệt quệ. Ở vùng “rốn lũ” Tuy Phước (Bình Định), Phú Yên những con người ấy bấu víu hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn.

Tình làng nghĩa xóm trong lũ dữ

Trời Bình Định hửng nắng. Con đường làng dẫn vào thôn Kim Tây (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn còn bùn lầy, trũng nước. Gần chục thanh niên, đàn ông, phụ nữ tất bật khiêng dọn đống gạch ngói trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1958) bị lũ cuốn sập hôm 4/11. 

Vừa nhặt nhạnh những viên ngói chưa vỡ còn sót lại, bà Tâm rơm rớm nước mắt kể: “Tối hôm đó ở Kim Tây trời mưa như trút nước lại thêm gió mạnh. Lũ dâng lên nhanh và chảy xiết, nước ngập ngang nhà bà Tâm đến 1,2 mét. Khoảng 8 giờ tối, căn nhà rung chuyển, mẹ con tôi hốt hoảng chạy ra khỏi nhà thì đúng lúc căn nhà đổ sập”.

Anh Dương Hùng Dũng (45 tuổi, hàng xóm bà Tâm) cho biết, hoàn cảnh bà Tâm rất khó khăn, bà Tâm và chồng ly hôn hơn chục năm nay, nhà chỉ có 2 mẹ con. Người con trai Nguyễn Trung Tín (SN 1990) sau lần bị tai nạn giao thông đầu óc ngây dại như đứa trẻ. Thương bà Tâm cảnh màn trời chiếu đất, mọi người đưa mẹ con bà Tâm về nhà lo chỗ ở, ăn uống trong những ngày mưa lũ. Đến khi lũ rút, bà con lại đến nhà bà Tâm dọn dẹp đống đổ nát, dựng tạm mái nhà bằng tre và tôn cũ để bà Tâm có chỗ tránh nắng mưa và nấu ăn. 

“Căn nhà ở mấy chục năm bị sập trong lũ, lúc đó mẹ con tôi không biết phải nương náu ở đâu. May được bà con hàng xóm thương tình giúp đỡ những ngày qua” – bà Tâm nghẹn ngào.

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, trong đợt mưa lũ từ ngày 30/10 – 5/11 tại Bình Định có 2 người bị chết, 2 người bị thương, 190 nhà sập, vùi lấp, 153 nhà tốc mái. Hàng chục Km đường giao thông, bờ sông sạt lở. 1.744 ha lúa mùa, 641ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi…

Tại thôn Tân Giản (xã Phước Hòa), ngôi nhà cấp 4 được xây từ năm 1985 bằng vôi của bà Nguyễn Thị Giàu (SN 1966) cũng tan hoang sau lũ. Bà Giàu cho biết căn nhà này là của cha mẹ bà để lại, bà Giàu không có chồng con nên sống cùng vợ chồng em trai Nguyễn Hữu Có (SN 1987). 

Khoảng 4h30' chiều 4/11, mưa lớn khiến nước sông Gò Bồi dâng cao, nước tràn lên mặt đường ngập vào nhà hơn nửa mét. Nước sông chảy xiết kèm gió lớn khiến nhà bị tốc mái. Chừng 5 phút sau căn nhà đổ sập dưới dòng nước bạc.

“Lúc đó nhà tốc mái, ngói rơi ào ào xuống nền nhà, em trai tôi vừa mổ tim phải nằm một chỗ. Thấy nhà có nguy cơ sập tôi chạy ra ngoài la lên. Bà con lối xóm đội mưa gió chạy sang sơ tán giúp đồ đạc và đưa em trai tôi sang nhà người anh ruột cùng thôn tránh lũ, lo ăn ở cho gia đình tôi suốt 4 ngày nay” – bà Giàu nhớ lại.

Theo bà Võ Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa, thống kê sơ bộ đợt lũ qua trên địa bàn xã có 58 nhà dân thuộc 9/10 thôn bị sập, nhiều nhà bị sập hoàn toàn. Chính quyền địa phương kêu gọi bà con hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn ban đầu. Sau khi có thống kê cụ thể về thiệt hại sẽ trình UBND huyện Tuy Phước có chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Tận tình với người mất của

Liên tục những ngày qua hơn 20 người dân các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) chia nhau đi tìm 3 con nghé bị lũ cuốn trôi của ông Trần Đại Hoàng (54 tuổi trú xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) trong đợt lũ vừa qua.

Ông Hoàng kể: Sáng 4/11, thấy mưa lớn lũ lên nhanh nên ông Hoàng dắt đàn trâu từ cánh đồng ở Phước Thắng lên đồng cao ở Phước Sơn để tránh lũ. Khi đi qua bờ tràn xã Phước Thắng thì 3 con nghé 1 năm tuổi trị giá 36 triệu đồng bị lũ cuốn trôi.

Hơn 20 người dân các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa chia nhau đi tìm nghé của ông Hoàng suốt mấy ngày nay nhưng chưa thấy. 

“Mất 3 con nghé tôi tiếc lắm, cả 1 gia tài của nông dân chứ đâu phải ít. Tìm không được nghé nhưng thấy tình cảm của bà con như vậy tôi thấy rất vui. Trong lúc khó khăn, chưa nhờ cậy mà bà con đã nhiệt tình giúp đỡ như vậy” – ông Hoàng chia sẻ.

Tại Phú Yên, người dân thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) chưa hết sự thán phục đối với ông Đặng Văn Tám và bà Trần Thị Kim Tân (trú khu phố Long An, thị trấn La Hai) vớt được bò trôi lũ trả lại cho chủ bò.

Trong đợt lũ vừa qua, huyện Đồng Xuân là một trong những nơi bị ngập sâu nhất tại Phú Yên. Bà Phạm Thị Hải (50 tuổi, trú khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai) bị lũ cuốn trôi 6 con bò. Trong đó 2 con bò trôi 1,5 km đến khu phố Long An được ông Tám và bà Tân vớt, mang về nhà cắt cỏ cho ăn, chăm sóc cẩn thận. Sau đó, 2 người này báo cáo với chính quyền địa phương tìm chủ bò để trả lại.

“Khi tôi đến nhận bò có gửi tiền cảm ơn anh Tám và chị Tân đã cứu, chăm nom bò của tôi nhưng họ cương quyết không nhận. Mặc dù đến nay còn 4 con bò vẫn chưa tìm thấy nhưng phần nào được an ủi vì tấm lòng của anh Tám, chị Tân” – bà Hải bộc bạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Nhân (Báo Giao thông)
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN