"Cuộc chiến" giành lại vỉa hè quận 1: "Hơi quá đà"
Cuộc chiến “giành lại vỉa hè” đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng quận 1 làm “hơi quá đà”.
Những ngày qua, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 đã trực tiếp xuống hiện trường để xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè
Những ngày qua, lực lượng chức năng Q.1, TP.HCM đã đẩy mạnh công tác xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để thực hiện quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc làm này đã nhanh chóng được lan truyền như một “cơn lốc” và được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng Q.1 “hơi quá đà” khi xử lý các vi phạm.
Trao đổi với PV, Th.S Trần Quang Trung - Giảng viên khoa Hành chính nhà nước (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, theo đúng quy trình, cơ quan chức năng phải cho người dân một thời hạn cụ thể để dọn dẹp, khắc phục vi phạm rồi sau đó mới ra quân cưỡng chế bằng cách thành lập một nhóm, ban chuyên ngành. Khi đó, các hộ kinh doanh sẽ không bị sốc và đảm bảo tính minh bạch, thuyết phục hơn.
“Cơ bản tôi vẫn ủng hộ cách làm quyết liệt như vậy. Trong luật xử lý vi phạm hành chính, cơ sở pháp lý cho việc này là không thiếu nhưng khi vận dụng vào thực tế thì cần xem xét tới quy trình”, ông Trung nói.
“Trong quản lý hành chính nhà nước, biện pháp đầu tiên là tuyên truyền vận động, áp dụng đồng thời với các biện pháp kinh tế, dùng vật chất hỗ trợ, cuối cùng mới tới cưỡng chế. Khi đã tuyên truyền, vận động một cách tích cực và thực hiện mọi việc theo làm đúng quy trình thì sẽ không còn những thông tin kiểu nói ra nói vào như mấy nay”, ông Trung nói thêm.
Một mô hình con gà trống “khổng lồ” lấn chiếm vỉa hè đang bị cẩu lên xe đưa đi nơi khác
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, việc đầu tiên là phải cho người dân thời gian tự tháo dỡ, sau đó mới tới bước cưỡng chế nhưng cưỡng chế phải có quyết định rõ ràng.
“Tôi ủng hộ việc làm của Q.1 nhưng quy trình có gì đó chưa ổn. Tuy nhiên, đây là vấn đề hai mặt, bởi nếu đúng quy trình thì sẽ lâu hơn và khó lòng tạo được hiệu ứng tích cực như thời gian qua”, luật sư Vũ nhận định.
Theo luật sư Vũ, khi xử lý vi phạm cần cân nhắc tổng thể và lấy lợi ích chung làm nền tảng, một số trường hợp gần đây có vẻ hơi quá đà. Chẳng hạn với vọng gác ở ngân hàng nhà nước, ông Vũ cho rằng nó chỉ chiếm một diện tích tương đối và điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho khách giao dịch tại đây, nên việc giữ lại vọng gác đó rõ ràng sẽ tốt hơn.
“Liệu khi dẹp vọng gác trên vỉa hè thì ngân hàng có thể di chuyển vào trong sân? Nếu không thể thì nên giữ nguyên và cho ngân hàng thêm thời gian hoàn thành các giấy tờ, thủ tục cần thiết. Và trên thực tế, các bên liên quan đã kịp thời lắp đặt lại vọng gác ở trước ngân hàng”, luật sư Vũ nói.
Vọng gác trước Ngân hàng Nhà nước đang được lực lượng chức năng Q.1 tháo dở vào chiều 27.2, nhưng sau đã được lắp đặt lại vào tối cùng ngày.
Còn theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), trước tình hình lấn chiếm vỉa hè đã và đang là một vấn đề trầm kha lâu nay, người dân cứ nghĩ việc lấn chiếm vỉa hè đã trở thành một chuyện quá đỗi bình thường, “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Thế nhưng sự xuất hiện của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 cũng như lực lượng chức năng Q.1 đã thổi một luồng gió mới, làm căng phồng mọi thông tin báo chí và sự quan tâm của người dân.
“Những dấu hiệu tích cực ban đầu đã xuất hiện và đang lan toả. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề pháp lý có thể xảy ra khi đoàn quân do anh Hải lĩnh xướng đang trên đà lao vun vút cùng với sự hậu thuẫn của truyền thông đưa tin”, luật sư Thảo nhận định.
“Theo tôi, những hiệu ứng tích cực mà anh tạo ra trong việc lấy lại trật tự vỉa hè những ngày qua là tạm ổn. Đã đến lúc anh nên giao lại cho các chủ tịch phường và các trưởng công an phường thực hiện các công việc tiếp theo. Anh chỉ nên giữ vai trò kiểm tra, giám sát phía sau và tập trung lo thêm các vấn đề quan trọng khác sẽ tốt hơn”, luật sư Thảo nêu quan điểm.